Tunisia: Tổng thống ban hành sắc lệnh thành lập cơ quan giám sát tư pháp mới

Thứ Bảy, 05/03/2022, 07:23 [GMT+7]
    Tổng thống Tunisia đã ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng Tư pháp Tối cao lâm thời mới, thay thế cơ quan mà ông vừa tuyên bố giải thể.
 
    Sắc lệnh được công bố trên công báo hôm Chủ nhật (13/2), nêu rõ, Tổng thống là người kiểm soát việc lựa chọn, bổ nhiệm, đề bạt và thuyên chuyển các thẩm phán và có thể hoạt động trong một số trường hợp Hội đồng như một cơ quan kỷ luật phụ trách việc bãi nhiệm.
 
    Trước đó, ngày 6/2, Tổng thống Saied tuyên bố sẽ sớm ban hành sắc lệnh giải thể Hội đồng Tư pháp Tối cao - một trong những thể chế của Tunisia có khả năng hoạt động một cách độc lập.
 
Những người biểu tình phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Saied
Những người biểu tình phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Saied
    Ông Saied từng đề cập, nhiều thẩm phán ở cấp địa phương do Hội đồng Tư pháp Tối cao bổ nhiệm bị tình nghi tham nhũng và không giải quyết được một số vụ xét xử quan trọng, nhất là những vụ việc liên quan đến các vụ ám sát các chính trị gia.
 
    Tổng thống Saied cho rằng, vụ ám sát lãnh đạo Đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) đối lập Chokri Belaid hồi năm 2013 là "do một số thẩm phán thao túng ở văn phòng công tố hoặc ở tòa án".
 
    Cuối ngày 13/2, những người biểu tình đã xuống đường ở Thủ đô Tunis như một phần của cuộc tuần hành đã được lên lịch trước khi sắc lệnh được công bố. Trong đó, phản đối việc bổ sung quyền của Tổng thống đối với cơ quan giám sát tư pháp mới.
 
    Các cuộc biểu tình diễn ra sau cuộc đình công kéo dài 2 ngày do Hiệp hội Thẩm phán Tunisia phát động vào ngày 9/2.
 
    Anas Hamadi, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán Tunisia, nói với Al Jazeera rằng, theo sắc lệnh mới, công việc của Hội đồng Tư pháp này là tùy thuộc vào ý chí của Tổng thống.
 
    “Tổng thống có quyền phủ quyết công việc của cơ quan này và lật ngược các quyết định của cơ quan này", ông Hamadi nói.
 
    Trong khi đó, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho biết trên Twitter rằng, sắc lệnh “củng cố quyền lực trong tay Tổng thống”, chấm dứt hiệu quả của "độc lập tư pháp trong nước”.
 
    Theo ICJ, sắc lệnh "đưa Tunisia trở lại những ngày đen tối nhất, khi các thẩm phán bị điều chuyển và bãi nhiệm trên cơ sở ý thích hành pháp” và gọi sắc lệnh này là “vi hiến và bất hợp pháp”.
 
    Tunisia, thường được ca ngợi là nền dân chủ duy nhất xuất hiện sau các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập 2011.
 
    Tổng thống Kais Saied, người đã đặt việc chống tham nhũng làm trọng tâm trong chương trình hành động của mình, nói rằng việc loại bỏ Hội đồng Tư pháp cũ là cần thiết vì người Tunisia muốn đất nước "được làm cho trong sạch".
 
    Ông cho biết, hành động của mình chỉ là tạm thời, nhưng không xác định thời hạn cố định cho Hội đồng lâm thời mới được thành lập.
 
    Trước đó, Cơ quan Tư pháp đã kiên quyết phản đối các hành vi chính trị của ông Saied kể từ ngày 25/7 năm ngoái, khi ông sa thải Thủ tướng Hicham Mechichi và đình chỉ Quốc hội.
 
    Tổng thống Saied đã nắm quyền hành pháp theo quy định của Hiến pháp Tunisia vào ngày 25/7/2021 và bắt đầu cầm quyền bằng việc ban hành các sắc lệnh.
 
    Nhiều động thái gần đây của ông nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng, trong bối cảnh người dân Tunisia thất vọng vì tham nhũng và quản lý yếu kém trong một tầng lớp chính trị do Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền.
 
    Tháng 12 vừa qua, Tổng thống Saied thông báo Quốc hội nước này sẽ tiếp tục bị đình chỉ cho đến cuộc bầu cử mà ông ấn định vào tháng 12/2022.
 
    Ông cũng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp vào tháng 7 tới.
                                                                                   Hoài Phương
                                                                                  (Báo Thanh tra)
.