Bài 1: Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết tâm được thực thi

Chủ Nhật, 11/12/2022, 06:52 [GMT+7]
    Ở Việt Nam, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (năm 2016) đến nay, PCTN, TC được Đảng, Nhà nước thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ, có nhiều bước đột phá. Mặc dù đã đạt được những dấu ấn quan trọng, nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại tung ra các luận điệu xuyên tạc công cuộc đấu tranh PCTN, TC; chúng cho rằng: Tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là “quốc nạn không có thuốc chữa”; “cuộc đấu tranh PCTN, TC của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công được”; “việc xử lý các vụ tham nhũng vừa qua chỉ là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái”... Với những chiêu trò đó, các thế lực thù địch đã kích động sự hoài nghi, thiếu niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung và công tác PCTN, TC nói riêng. Để phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, Tạp chí Nội chính giới thiệu loạt bài viết: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - quyết tâm được thực thi của tác giả Duy Đàm, qua đó, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, TC là một tất yếu khách quan, khoa học; đã và đang tạo nên kết quả tích cực, dấu ấn quan trọng trong thực tiễn.

   

    1. Ở nước ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được pháp luật quy định. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(1); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(2).

    Là đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam có đặc điểm: Thứ nhất, Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong thể chế chính trị nhất nguyên, từ cuối năm 1988 đến nay là Đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam; Thứ hai, Đảng lãnh đạo, cầm quyền không qua tranh cử mà như một tất yếu khách quan sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền nhà nước và cầm quyền liên tục từ năm 1945 đến nay; Thứ ba, Đảng lãnh đạo trực tiếp mọi mặt toàn xã hội; Thứ tư, Đảng có cơ sở chính trị là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, có thể huy động các tổ chức này tham gia xây dựng Đảng; giám sát, phản biện xã hội; phối hợp với các cơ quan nhà nước và giám sát cán bộ, công chức nhà nước.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022 (ảnh Đặng Phước)
    Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tổng hợp các phương pháp, cách thức và biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ phương thức lãnh đạo của Đảng, gồm: (1) Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn. (2) Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. (3) Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú, có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan của hệ thống chính trị. (4) Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ  quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. (5) Đảng lãnh đạo bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước(3).
 
    Trên cơ sở khái niệm phương thức lãnh đạo nói chung của Đảng, chúng ta có thể đưa ra, khái niệm: Phương thức lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, TC là tổng hợp các phương pháp, cách thức và biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhằm ngăn ngừa, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật nhằm làm giảm thiểu tác hại do tham nhũng, tiêu cực gây ra đối với Nhà nước và xã hội. Cụ thể là:
 
    Thứ nhất: Đảng xây dựng, ban hành chủ trương, đường lối về công tác đấu tranh PCTN, TC.
   
    Đây là nội dung quan trọng, vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, TC. Đảng đề ra đường lối, chiến lược, các định hướng về PCTN, TC; xác định những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của công tác PCTN, TC với tầm nhìn dài hạn cũng như trong từng giai đoạn cụ thể để bảo đảm rằng mọi hoạt động PCTN, TC phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Muốn đề ra đường lối, chính sách đúng, có căn cứ khoa học, sát hợp với nhu cầu thực tiễn, cần phải: (a) Tổ chức tốt hệ thống thông tin của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; định kỳ điều tra nghiên cứu tình hình thực tế; nâng cao chất lượng công tác thu thập, phân tích, tổng hợp tình hình, bảo đảm phản ánh kịp thời, chính xác những tình hình cơ bản, những sự kiện quan trọng. Kiên quyết chống lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, chống tác phong đại khái, hời hợt, không đi sâu vào thực chất của vấn đề, của sự việc. (b) Tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm. Cách mạng là sáng tạo; không có sáng tạo, không thể có thành công của cách mạng. Hoàn cảnh cụ thể của đất nước, xã hội và con người Việt Nam đòi hỏi phải tìm ra những nội dung, phương pháp và bước đi thích hợp, phải giải quyết nhiều vấn đề mới mẻ nảy sinh từ thực tiễn cách mạng Việt Nam… (c) Thường xuyên đi sâu vào thực tiễn để phân tích, tổng kết kinh nghiệm và khái quát lý luận cần thiết; để không ngừng bổ sung, phát triển và cụ thể hóa hơn nữa đường lối, chính sách của Đảng.
 
    Thứ hai: Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng, thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, thành pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC trong thực tiễn.
    
    Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước. Nhà nước là tổ chức cao nhất, rộng lớn nhất, tập trung nhất của quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Đảng lãnh đạo nhân dân chứ không phải Đảng thay thế nhân dân làm chủ Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không phải Đảng làm thay thế Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, đường lối về PCTN, TC thành các quy định pháp luật cụ thể. Qua đó, chủ trương, đường lối của Đảng từ chỗ chỉ là những định hướng trở thành những giá trị phổ biến, bắt buộc, có tính pháp lý để các hệ thống chính trị và toàn xã hội có cơ sở thực hiện. Đây chính là phương thức bảo đảm cho các nghị quyết của Đảng về PCTN, TC được thực hiện có hiệu quả và đi vào thực tế đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ XHCN. 
 
    Thứ ba: Đảng củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức tham gia vào cơ quan lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong hệ thống chính trị và các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
 
    Sau khi có đường lối, chính sách đúng đắn thì điều kiện quyết định là việc tổ chức thực hiện đường lối, trong đó vấn đề then chốt là phải có một đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện như hiện nay, công tác tổ chức - cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt mà còn chuẩn bị nguồn cán bộ cho các giai đoạn tiếp theo. Công tác cán bộ phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung của cấp ủy, tổ chức đảng. Các cấp ủy đảng cần trực tiếp xem xét và tập thể quyết định việc lựa chọn, đánh giá, cất nhắc, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Công tác cán bộ phải có kế hoạch trước mắt và kế hoạch lâu dài, theo sát các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong từng thời kỳ cụ thể. Đảng cầm quyền, lãnh đạo vững mạnh, chi bộ mạnh thì chất lượng đảng viên phải tốt. Người đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi đảng viên phải tích cực phấn đấu để thực hiện có hiệu quả các đường lối, chính sách, các nghị quyết của Đảng, gương mẫu dẫn đầu trong sản xuất và kinh doanh… Đảng viên phải hết sức chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, không bao giờ được phép tự cho mình có bất cứ đặc quyền, đặc lợi gì đối với quần chúng nhân dân, phải chí công vô tư, phải là người lãnh đạo quần chúng nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 
    Thứ tư: Đảng lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC.
 
    Để đường lối, chính sách của Đảng về PCTN, TC được nhận thức thống nhất, đầy đủ đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, nhân dân phải được chú trọng và đổi mới cả nội dung và phương pháp. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương. Nội dung thông tin, tuyên truyền và giáo dục về PCTN, TC bao gồm: (1) Phổ biến, quán triệt, sâu rộng các chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN, TC… nhằm nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ PCTN, TC trong giai đoạn hiện nay; (2) Làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong PCTN, TC, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy và tập thể lãnh đạo trong toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng lo ngại đấu tranh PCTN, TC sẽ “làm chậm phát triển” làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí” hoặc “cầm chừng” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp…; (3) Giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, chính trực, công tâm, khách quan trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nước ta. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong toàn xã hội.
 
    Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC.
 
    Kiểm tra, giám sát là cách thức để thực thi sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời là biện pháp bổ sung, kiểm định, hoàn chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do: Có nơi là do cách tổ chức công việc; có nơi là do khâu lựa chọn cán bộ và có nơi là do khâu kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(4). Thông qua công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, Đảng đánh giá khách quan những ưu, nhược điểm; đúc rút các bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tiến hành các biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên có thành tích; chỉ đạo xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của công dân; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; hoặc can thiệp vào quá trình phát hiện, điều tra, tuy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
 
    2. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn và quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN, TC, Hội nghị Trung ương 5 khoá XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC) trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước(5).
 
    Theo Quy định (số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC (viết tắt là Ban Chỉ đạo), “Ban Chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC trong phạm vi cả nước”(6).
 
    Ban Chỉ đạo có 07 nhiệm vụ, gồm: (1) Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN, TC. (2) Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC. (3) Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục. (4) Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong PCTN, TC. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. (5) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị. (6) Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC; định hướng cung cấp thông tin về PCTN, TC; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin về PCTN, TC và những hành vi lợi dụng việc PCTN, TC để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ. (7) Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác PCTN, TC và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
 
    Quyền hạn của Ban Chỉ đạo: (1) Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác PCTN, TC; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các biện pháp PCTN, TC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý. (2) Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh. (3) Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thành lập các ban chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. (4) Kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động PCTN, TC. (5) Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đển khi kết thúc mới chuyển. (6) Trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác PCTN, TC; khi cần thiết, được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
 
    Nguyên tắc làm việc: (1) Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. (2) Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện. (3) Ban Chỉ đạo hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác PCTN, TC.
 
    Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất của mọi hành động cách mạng. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(7). Hiện nay, công cuộc đấu tranh PCTN, TC ở nước ta do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, thái độ trong quá trình thực hiện PCTN, TC cần phải “thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.
 
    (1) Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nxb. Tư pháp, H.2014, tr.9.    
    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG-ST, H.2011, tr.258.
    (3) Ban Chấp hành Trung ương: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 2011). Nguồn: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000716&articleId=10038370
    (4) Hồ Chí Minh Toàn tập: Nxb. CTQG, H.2002, t.5, tr.520.
    (5) Trước đó, năm 2006, thực hiện Nghị quyết số 04-NQTW, ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với PCTN, lãng phí”, Quốc hội khóa 11 đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban (theo Nghị quyết 1039/2006/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11).
    (6) Ban Chấp hành Trung ương: Quy định (số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, tr.01.
    (7) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16/5/2021, https: //www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/mediastory/-/assetpublisher/V8hhp4dk31Gf/content/
Duy Đàm
(Ban Nội chính Trung ương)
    (Đón đọc bài 2: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ)
.