Thực hành tiết kiệm: Chống lãng phí song hành cùng chống tham nhũng

Thứ Tư, 23/11/2022, 06:45 [GMT+7]
    Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (được công bố ngày 18-11-2022) nêu rõ: Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
 
    "Giặc nội xâm" khó trị
 
    Tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham ô, tham nhũng là hai mặt của vấn đề nâng cao tính hiệu quả trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, củng cố sức mạnh của Đảng, Nhà nước và lòng tin của nhân dân.
 
    Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn việc tiết kiệm, chống lãng phí với chống tham ô, tham nhũng. Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu,” Bác Hồ giải thích: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Chính vì tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng nên việc phòng, chống rất khó khăn, khó hơn cả việc chống lại giặc ngoại xâm. Chưa xóa bỏ hết cái nọc nguy hiểm này thì cách mạng chưa thành công được, vì nó ngấm ngầm chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp dựng xây chế độ mới của ta.
 
    Theo quan niệm của Bác Hồ, tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.” Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Tiết kiệm là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc.
 
    Nội dung của tiết kiệm gồm tiết kiệm sức lao động (tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “một người làm bằng hai, ba người”); tiết kiệm thời giờ (thời giờ là tiền bạc); tiết kiệm tiền của (của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình).
 
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    Người nhắc nhở rằng nếu chiến sỹ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” này thì chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng, lãng phí. Sự phản ánh của quần chúng nhân dân chính là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra.
 
    Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi trong cuộc chiến chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Điều này cũng giúp cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, nâng cao đời sống của nhân dân. Thắng lợi trước tham ô, lãng phí còn giúp cán bộ cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân; giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào.
 
    Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu,” Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc tiết kiệm là một nghệ thuật quan trọng: “Đồng chí I. Stalin (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) dạy chúng ta phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ.”
 
    Về vấn đề tham nhũng, trong thư “Gửi Ủy ban nhân dân các cấp” vào tháng 10/1945, Bác đã vạch ra 6 lầm lỗi chính phải tránh. Theo đó, lỗi thứ ba là dùng của dân, của công để tiêu xài riêng - “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra. Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức.
 
    Khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, quyền hành và của cải đã nhiều hơn trước cùng với chế độ quản lý, chế độ đãi ngộ mới ra đời, Bác đã viết bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên tạp chí Học tập số tháng 12/1958. Trong đó, Bác đã coi chủ nghĩa cá nhân (trong đó tư lợi, tham ô, lãng phí là rất nguy hại), là một trong ba kẻ địch nguy hiểm của cách mạng (kẻ địch nguy hiểm thứ nhất là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc. Thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to; chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch thứ ba).
 
    Quán triệt và vận dụng thực hiện tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí và phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn.
 
    Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” khẳng định: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
 
    Cụ thể, khung khổ pháp lý liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được hoàn thiện, chất lượng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa khoảng 60%.
 
    Lãng phí và tham nhũng đều rất nguy hại
 
    Đối với sự phát triển của đất nước thì lãng phí hay tham nhũng đều có hại như nhau. Theo lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội thuộc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng.”
 
    Điểm khác biệt ở chỗ, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy đi tài sản của nhân dân, hoặc là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Như vậy, tham nhũng là hành vi bắt nguồn từ lỗi cố ý. Còn lãng phí là việc sử dụng nguồn lực vào những hoạt động vô ích, gây thất thoát, hư hại đến tài sản. Lãng phí bắt nguồn từ năng lực yếu kém, hay thái độ thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm.
 
    Điểm giống nhau là cả tham nhũng và lãng phí đều là tệ nạn từ những hành vi làm thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.
 
    Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, từ năm 2016 đến 2021 đã xảy ra 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thiệt hại khoảng 31.800 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
 
    Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận xét rằng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là “những chiếc bình thông nhau.”
 
    Thực tế đang cho thấy, lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và tiêu cực len lỏi, hoành hành. Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia một cách không hiệu quả.
 
    Đối với các lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định thì lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên khác mà vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Theo nghĩa đó, dưới góc độ quản trị xã hội, lãng phí - một khuyết tật trong quản lý, có mối liên hệ tự nhiên với tham nhũng và tiêu cực. Đặc biệt, trong quản lý công, lãng phí là một hiện tượng khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của hoạt động quản lý.
 
    Tiến sỹ Nhị Lê nêu rõ: Lãng phí là sử dụng không hiệu quả của cải, vật chất xã hội vào một công việc, bất kể đó là việc công hay việc riêng. Lãng phí không phải là “vô dụng,” càng không phải là “mất hoàn toàn”, mà “mất từ túi này chuyển sang túi khác” một cách khuất tất, mờ ám và phi pháp. Do đó, có thể nói, lãng phí, theo góc nhìn khác, chính là sự gặm nhấm, đục khoét tài sản nhà nước thường được núp dưới danh nghĩa công vụ.
 
    Khi người lãng phí có chủ ý mưu lợi cá nhân thì rất tinh vi và không kém nguy hại bởi đổ cho lãng phí, họ sẽ “biển thủ” ngân sách quốc gia, không thể tính hết được. Việc kiểm tra, kiểm soát cho thấy, sự lãng phí, thất thoát hằng năm lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, nhưng thường rơi vào tình trạng không rõ địa chỉ và thiếu tính phản biện. Chúng chảy về đâu? Đây đã và đang là một trong những nguyên cớ, là môi trường để tham nhũng nảy nòi và phát tác.
 
    Dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và góc độ kinh tế-xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Suy đến cùng, lãng phí không chỉ là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách) đến tài nguyên, cơ hội... mà gặm nhấm, làm mất lòng tin của nhân dân, hủy hoại uy tín của thể chế. Nhìn vào các vụ đại án đã được xử, vụ nào cũng cho thấy phần thất thoát, lãng phí này, nhưng tòa án rất khó lượng hóa và phán xử, vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, môi trường cho tệ tham nhũng nảy nòi và phát triển.
 
    Các thủ đoạn của tham nhũng thường nhằm tới và núp bóng vào sự thất thoát, lãng phí. Rất nhiều vụ, việc tham nhũng được xử đã qua đều cho thấy, mục đích là lấy tiền của công làm tài sản riêng cho bản thân hay nhóm người, nhưng được ẩn náu vào chi phí công hoặc mượn cớ thất thoát, thậm chí đổ vào các lý do bất khả kháng (thiên tai, động đất, hỏa hoạn...), để đục khoét ngân khố quốc gia.
 
    Điều đáng nói là sự giả dối, lừa lọc, xảo trá nảy nòi và đây là sự băng hoại về tư tưởng chính trị, về đạo đức. Từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến “âm mưu” lãng phí, lợi dụng khe hở kỷ luật, pháp luật và đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn và hậu quả khôn lường. Đây là một trong những “lỗ hổng” tuyệt đối, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín.
 
    Rõ ràng, đã tới lúc khẳng định rằng phải quy định hành vi lãng phí là hành vi cấu thành tội phạm và người gây lãng phí đều có nguy dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và trở thành tội phạm. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau.
 
    Vì thế, thay vì chỉ phòng, chống tham nhũng thì cần là phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nói khái lược, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể không bổ sung và có phải kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, hợp thành chỉnh thể của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách tự nhiên, chỉnh thể và chiến lược.
 
    Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này thì rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện và hiệu quả.
Theo TTXVN
.