Hồng Kông thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế

Chủ Nhật, 03/03/2024, 04:42 [GMT+7]
    Ủy ban Độc lập chống tham nhũng Hong Kong (ICAC)  vừa tổ chức Lễ thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông.
 
    Học viện mới với mục tiêu đi đầu về các sáng kiến đào tạo chống tham nhũng ở đặc khu và toàn cầu cũng như thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời củng cố vị thế quốc tế của Hồng Kông như một trung tâm chống tham nhũng.
 
    Tại buổi Lễ, lãnh đạo chính quyền đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) lưu ý rằng, tính liêm chính là mấu chốt để đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định liên tục của Hồng Kông, đồng thời hiện thực hóa những đóng góp thiết yếu của Hồng Kông cho sự phát triển quốc gia.
 
Các vị khách chụp ảnh tập thể trong buổi lễ thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông, ngày 21/2/2024. Ảnh: Xinhua
Các vị khách chụp ảnh tập thể trong buổi lễ thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông, ngày 21/2/2024. Ảnh: Xinhua
    Ông Lý cho biết, học viện mới sẽ nâng cao vị thế của Hồng Kông như một trung tâm chống tham nhũng, đồng thời thúc đẩy hơn nữa văn hóa trong sạch của đặc khu, ổn định xã hội và giá trị mà Hồng Kông đặt vào sự liêm chính và pháp quyền.
 
    Ủy viên ICAC Woo Ying-ming cho biết tại buổi lễ rằng, Uỷ ban nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong công tác chống tham nhũng. Học viện sẽ cung cấp chương trình đào tạo có hệ thống và chuyên nghiệp cho những người chống tham nhũng trên toàn thế giới, tập hợp các học giả trong và ngoài nước để cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tham nhũng.
 
    Là khóa học đầu tiên, Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đồng tổ chức "Chương trình Phát triển chuyên môn về điều tra tài chính và thu hồi tài sản."
 
Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông được thành lập vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ICAC. Ảnh: Jelly Tse/ scmp
Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông được thành lập vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ICAC. Ảnh: Jelly Tse/ scmp
    Chương trình đã thu hút 35 chuyên gia chống tham nhũng từ khoảng 20 khu vực pháp lý.
 
    Học viện cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với 5 trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc đại lục, Macao và Hồng Kông, thúc đẩy nghiên cứu chống tham nhũng và thúc đẩy trao đổi nhân tài.
 
    Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Sing Tao Daily, Ủy viên ICAC Woo Ying-ming đã nói về những thành tựu của ICAC và cho biết, những khóa học do ICAC cung cấp luôn thu hút đông đảo các đặc vụ chống tham nhũng ở nước ngoài. Tuy nhiên, danh mục, tần suất và quy mô của các khóa học đó đã bị hạn chế do thiếu nguồn lực và hướng phát triển dài hạn.
 
    Việc xây dựng Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông với 4 mục đích.
 
    Đầu tiên là cung cấp cho các thành viên của các cơ quan chống tham nhũng ở nước ngoài những khóa đào tạo, qua đó họ sẽ tìm hiểu về công việc hiệu quả của Hồng Kông và Trung Quốc trong việc chống tham nhũng.
 
    Tiếp đó, các khóa học do học viện cung cấp sẽ được công nhận theo khung trình độ của Hồng Kông.
 
    Các chức năng khác của học viện bao gồm cung cấp các khóa học chiến lược chống tham nhũng và các buổi nói chuyện nhằm vào các tổ chức công và tư của thành phố; và trở thành “chiếc cầu nối các nhà nghiên cứu và học giả về chống tham nhũng quốc tế”.
 
    Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông ra đời vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập cơ quan giám sát tham nhũng.
ICAC được thành lập vào tháng 2/1974.
 
    Từ khi ra đời, Ủy ban được giao nhiệm vụ chống tham nhũng với việc sử dụng phương pháp 3 mũi nhọn là thực thi luật, phòng ngừa và giáo dục.
 
    Khi lên kế hoạch thành lập ICAC, Chính quyền Hồng Kông đã nhận ra rằng, Ủy ban sẽ không thể chiến thắng cuộc chiến này nếu chỉ tập trung vào việc bắt giam những quan chức tham nhũng. Quan trọng hơn, Chính quyền cần cải thiện bộ máy quan liêu và tạo ra sự thay đổi trong thái độ của người dân đối với tham nhũng.
 
    Đối với cộng đồng, ICAC cam kết đấu tranh chống tham nhũng thông qua việc thực thi pháp luật, giáo dục và ngăn ngừa hiệu quả nhằm giữ gìn sự công bằng, bình đẳng, ổn định và phồn vinh cho Hồng Kông
 
    Công chức ICAC bất cứ lúc nào đều phải bảo vệ danh tiếng của Ủy ban và ghi nhớ nguyên tắc liêm chính và công bằng; tôn trọng quyền lợi của người dân trước pháp luật; thực hiện nhiệm vụ không sợ hãi, không thiên vị, và không định kiến; luôn hành động theo pháp luật; không lợi dụng thẩm quyền và chức vụ; giữ bí mật cần thiết; chịu trách nhiệm về hành động của mình; lịch sự và kiềm chế trong lời nói và hành động; phấn đấu hoàn thiện tính cách và chuyên môn.
Theo thanhtra.com.vn
.