Một số cảm nhận khi tham gia tố tụng vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG

Thứ Tư, 29/01/2020, 07:45 [GMT+7]
    Ngày 28/12/2019, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn  Toàn cầu (AVG), trong đó: Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chung thân; ông Trương Minh Tuấn cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 14 năm tù; các ông: Lê Nam Trà cựu Chủ tịch HĐQT MobiFone 23 năm tù; Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone 14 năm tù; cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ 3 năm tù; 9 bị cáo là: Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) 5 năm tù, Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên Hội đồng thành viên), Hồ Tuấn (cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương anh (cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu PhóTổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu PhóTổng giám đốc MobiFone) mỗi người 2 năm 6 tháng tù. Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone) 2 năm tù, Võ Văn Mạnh (giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX) 3 năm 6 tháng tù, Hoàng Duy Quang (giám đốc chi nhánh phía Bắc của AMAX) 3 năm tù. Tòa thông báo các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp số tiền thu lời bất chính vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, ông Son 66,495 tỷ đồng, ông Tuấn 4,452 tỷ đồng, ông Trà 55,592 tỷ đồng, ông Hải 11,25 tỷ đồng. Bốn bị cáo đã nộp đủ. Bài viết bước đầu đánh giá việc xét xử vụ án aVg từ góc nhìn của một luật sư đã trực tiếp tham gia phiên tòa.
   
    Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa, nhận hối lộ” được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố từ ngày 10/7/2018, đặt dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 16 đến 28/12/2019. Có thể nói, đây là một vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhiều ý kiến cho rằng vụ án này xứng đáng đi vào “lịch sử tố tụng hình sự” Việt Nam. Là người được tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố bị can, chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa và chiều sâu của quá trình điều tra, truy tố, được kết tinh tại phiên tòa xét xử công khai, phát lộ nhiều vấn đề cần được tổng kết, đánh giá. Từ góc nhìn của một trong những luật sư, theo chúng tôi, có nhiều kết quả rất đáng ghi nhận như sau: 
 
    Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, hậu quả vụ án được xác định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, hành vi tham nhũng được coi là lớn nhất được phát hiện. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặt dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Mặc dù vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phân công, thực hiện nhiệm vụ theo chức năng tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS). Trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử các kiểm sát viên tham dự các buổi hỏi cung, tiến hành phúc cung sau khi kết thúc điều tra và thực hành quyền công tố trước Tòa một cách chặt chẽ, kịp thời. Do đó, nội dung kết quả điều tra và Cáo trạng truy tố có đủ căn cứ nên Tòa án không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, rút ngắn thời hạn tố tụng đáng kể so với nhiều vụ đại án khác. Thực tế tại phiên tòa, các bị cáo đã nhìn nhận tội danh mà Cáo trạng đã truy tố.
 
    Thứ hai, quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án đã thể hiện được sự tiến bộ là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Điều này là minh chứng thể hiện trên thực tế, phù hợp với chủ trương đã được đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, tinh thần rất mới của BLTTHS năm 2015. Do vụ án được khởi tố, điều tra sau khi BLTTHS năm 2015 vừa có hiệu lực hơn 6 tháng, nhưng nhiều quy định mới đã được áp dụng, luật sư đã được tham gia nhiều hơn các buổi hỏi cung, có quyền đặt câu hỏi và ghi ý kiến của mình vào trong bản cung. Trước đây, Luật sư chỉ được làm việc không quá 01 tiếng đồng hồ, nhưng sau thời điểm Thông tư số 46/2019/TTBCA của Bộ Công an có hiệu lực từ đầu tháng 12/2019, các luật sư đã được chủ động làm việc với bị can không bị hạn chế số lần và thời gian trong giờ hành chính.
 
    Thứ ba, bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử đã thật sự xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, là sự thể hiện trên thực tế nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo quy định tại Điều 26, BLTTHS năm 2015. Nếu chỉ tính về thời gian, Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát chỉ xét hỏi trong vòng hơn 01 ngày, còn lại toàn bộ thời lượng xét xử dành cho gần 40 luật sư tham gia xét hỏi và tranh luận, tiến hành việc đối đáp giữa Luật sư và Kiểm sát viên. Có thể nhận thấy, bên cạnh bản luận tội ngắn gọn, đi vào trọng tâm và phản ánh kết quả xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát, tuyệt đại đa số các luật sư đã thực hiện đúng chức phận nghề nghiệp, tận tâm hỗ trợ khách hàng, nghiên cứu kỹ hồ sơ và trình bày các ý kiến bào chữa một cách chuẩn mực, có căn cứ. Sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các luật sư đã góp phần vào thành công của tiến trình tố tụng và xét xử vụ án, thể hiện bản chất dân chủ của tố tụng hình sự Việt Nam. Để có được kết quả trên, Hội đồng xét xử (trong đó có vai trò rất quan trọng của Chủ tọa phiên tòa và Thẩm phán) đã điều hành chuẩn mực, thể hiện tính dân chủ và sự nghiêm túc trong quá trình xét hỏi và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên buộc tội và gỡ tội thực hiện chức năng tố tụng của mình. Khi tranh tụng và đối đáp tại phiên tòa, có luật sư đề nghị các kiểm sát viên cần phải đối đáp đến cùng, được kiểm sát viên chấp thuận sẽ sẵn sàng đối đáp đến cùng. Hội đồng xét xử đã dành thời gian thỏa đáng cho việc đối đáp, cuối cùng hỏi các bên tranh tụng có ai còn có yêu cầu về đối đáp nữa không, sau đó mới kết thúc phần tranh luận để cho các bị cáo nói lời nói cuối cùng. Thời gian phiên tòa vì thế đã được rút ngắn đáng kể so với dự kiến đề ra. 
 
    Thứ tư, một trong những kết quả rất đáng ghi nhận tại phiên tòa này là khi luận tội và tuyên đọc bản án sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử đã xác định rõ vai trò người đứng đầu và các đồng phạm, phân hóa một cách rõ rệt vị trí, vai trò của từng bị cáo trong vụ án, từ đó, Viện kiểm sát đề xuất và Hội đồng xét xử tuyên mức án phù hợp, nhân văn, có xem xét đầy đủ chính sách hình sự, các tình tiết giảm nhẹ và khoan hồng đối với những người tự thú, thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra sớm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, tự nguyện khắc phục hậu quả. Chưa bao giờ trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ án này, các bị cáo đều thành khẩn nhìn nhận phạm vi và giới hạn trách nhiệm của mình, chân thành xin lỗi Đảng, Nhà nước, cán bộ nhân viên, người lao động của doanh nghiệp vì những hệ lụy, ảnh hưởng to lớn do vụ án gây ra.
 
    Thứ năm, thông qua kết quả xét hỏi và ý kiến bào chữa của luật sư, bản án sơ thẩm đã ghi nhận một trong những nguyên nhân xảy ra vụ án, đó là: Sự lúng túng trong nhận thức và áp dụng pháp luật của nguyên lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, của các bị cáo nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban điều hành MobiFone; trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng trong việc tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đánh giá về thẩm quyền quyết định đầu tư Dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông không đúng và không rõ ràng. Sự lúng túng này còn thể hiện thông qua cách hiểu về tên gọi của Dự án là đầu tư dịch vụ truyền hình hay là mua cổ phần; giữa hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp hay mua bán giá trị doanh nghiệp còn khác nhau giữa các bộ, ngành và Bộ Thông tin và Truyền thông; giữa thẩm quyền thẩm định Dự án, định giá giá trị cổ phần với đối tượng cổ phần của doanh nghiệp có phải thuộc trường hợp Nhà nước bắt buộc phải định giá… Làm rõ nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án có ý nghĩa trong việc xác định nhận thức chủ quan và hành vi khách quan của các bị cáo, từ đó, phân hóa và lượng định mức độ hình phạt phù hợp. 
 
    Thứ sáu, mục tiêu cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước không chỉ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tội phạm, mà còn phải kiên quyết thu hồi được tài sản Nhà nước bị xâm phạm hoặc thiệt hại, cũng như các khoản thu lợi bất chính của từ từng cá nhân.Trong vụ án này, sau quá trình thanh tra, trước khi khởi tố vụ án, trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc đã ký giữa MobiFone và AVG, đến ngày 29/8/2018 MobiFone nhận được 8.774.430.218.242 đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG (bao gồm cả 319.105.607.292 đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán).

    Mặt khác, bản thân các bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Chính từ việc thu hồi và khắc phục hậu quả nêu trên, từ mức án tử hình đề nghị với bị cáo đầu vụ, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên mức án chung thân và xem xét mức hình phạt giảm nhẹ dưới mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đối với các bị cáo khác. Như vậy, chưa bao giờ trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lại thu hồi được triệt để, toàn bộ tài sản bị thiệt hại của Nhà nước và số tiền tham nhũng như vụ án này.

    Bên cạnh những kết quả nổi bật, được ghi nhận và đi vào lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam nêu trên, với tư cách là luật sư tham gia tố tụng trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề sau đây cần được Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm xem xét thêm như sau: 

    Một là, khi chỉ ra sự lúng túng trong nhận thức và áp dụng pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, rõ ràng  các cơ quan chức năng cần quan tâm xem xét về sự khác biệt và cách hiểu khác nhau trong các quy định pháp luật, đặc biệt là đối với Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa có các nghị định hướng dẫn thực hiện kịp thời, có những quy định còn chồng chéo. Do đó, về mặt thể chế và môi trường pháp lý, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có định hướng rà soát, xây dựng đồng bộ các văn bản pháp quy điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, nhất là vấn đề liên quan việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, xác định trách nhiệm rõ ràng của Bộ chủ quản, các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt chủ trương, thẩm quyền quyết định đầu tư và đơn vị triển khai thực hiện, để tránh không xảy ra các vụ “đại án” tương tự trong tương lai. 

    Hai là, cũng như nhiều vụ đại án liên quan đến các lĩnh vực kinh tế khác (như 02 vụ án xét xử ông Đinh La Thăng, vụ án Vũ Nhôm liên quan đến trách nhiệm của một số bị cáo nguyên làThứ trưởng Bộ Công an), các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ và đánh giá đúng về cách thức và thể thức văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (trong vụ án này chính là Công văn số 2678 ngày 14/12/2015 của Văn phòng Chính phủ). Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã khẳng định Công văn này là văn bản hành chính, không phải là quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, tinh thần và nội dung của Công văn này đã bị các bị cáo nhận thức sai, hiểu lầm là Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Đó là lý do với tư cách Luật sư, chúng tôi đã chính thức đề nghị Hội đồng xét xử cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ xem xét lại thể thức ban hành văn bản truyền đạt  ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Cái gì thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì phải ban hành Quyết định như là một trong những văn bản pháp quy theo Luật ban hành văn bản pháp quy, không thể truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ dưới dạng công văn hành chính như thực tế đã xảy ra vừa qua. 

    Ba là, thông qua kết quả điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần rút kinh nghiệm đối với một số hạn chế, có thể bị coi là vi phạm tố tụng mà các luật sư đã chỉ ra tại phiên tòa, tạo điều kiện cho luật sư tham gia đầy đủ các buổi hỏi cung, nhất là đối với những vụ án mà khung hình phạt đối với các bị cáo dự kiến từ 20 năm tù trở lên. Khi yêu cầu buộc tội càng cao, càng nghiêm khắc thì việc bảo đảm quyền bào chữa càng cần phải được quan tâm tương xứng. Trong giai đoạn điều tra, cần thực hiện nghiêm túc các quy định rất mới về tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký bào chữa, yêu cầu của Luật sư gặp mặt, làm việc trong thời gian hành chính với bị can trong Trại tạm giam. Điều đó nhằm bảo đảm quyền tự bào chữa của người bị buộc tội và quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư và những người bào chữa khác đã được quy định tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015.

Luật sư, TS. Phan Trung Hoài

(Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

.