Điểm báo tuần số 575 từ ngày 03/6 đến ngày 09/6 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 10/06/2024, 14:58 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (03/6) đưa tin, hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2024, Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) cùng Đội Kiểm soát ma túy, Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm ma túy khu vực biên giới tỉnh. Theo đó, lực lượng này đã phối hợp, bắt quả tang đối tượng Vả Xênh Thò, trú tại bản Huồi Pá, cụm bản Mường Dương, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Khám xét tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 6 nghìn viên ma túy tổng hợp. Đối tượng khai nhận đang vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ.
 
    Các báo (04/6) đưa tin, Công an huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang kiểm tra, phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hiếu, trú tại Tổ 6, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển số lượng rất lớn vũ khí linh kiện súng, đạn, hạt nổ, thuốc nổ. Nguyễn Văn Hiếu khai nhận, trước đó, Hiếu đã tiêu thụ cho một người ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế đã ra lệnh khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của Nguyễn Văn Hiếu và thu giữ nhiều vật phẩm phục vụ việc sản xuất và buôn bán vũ khí, vật liệu nổ.
 
    Đài THVN, TTXVN, Đài TNVN và các báo (06/6) đưa tin, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 06 cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Theo điều tra, trong trận đấu giữa Câu lạc bộ Bà Rịa - Vũng Tàu và Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng thuộc giải Cúp Sao Vàng diễn ra ngày 24/12/2023, tại Sân vận động Bà Rịa, 05 đối tượng trong đội đã bàn bạc nhằm thực hiện việc “bán độ”; sau đó, đặt cược cho Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng thắng trên các website cá độ bóng đá. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra xác định, trong trận đấu giữa Câu lạc bộ Đồng Nai và Câu lạc bộ Bà Rịa - Vũng Tàu tại Cúp Quốc gia trên Sân vận động Đồng Nai diễn ra ngày 24/11/2023, 05 đối tượng cũng đã thỏa thuận thi đấu nhằm mục đích “bán độ” để hưởng lợi tiền. Sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ được trả công 24 triệu đồng/người.
 
    Các báo (06/6) đưa tin, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp; bầu bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an. Đồng thời, Kỳ họp thứ 7 cũng bước sang tuần thứ 3, với các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
 
    Các báo (07/6) đưa tin, Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An vừa triệt xóa thành công chuyên án, bắt giữ 04 đối tượng lừa đảo bán “bùa ngải”, chiếm đoạt hơn 86 tỷ đồng. 04 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Kiên, Lê Thị Lan (vợ Kiên) đều trú tại xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; Vy Thị Hường (mẹ vợ Kiên), trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp và Lê Đình Quý, trú tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh. Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký nhiều nền tảng mạng xã hội để rao bán các loại “bùa ngải” với giá từ 9,9 triệu đồng đến 10,9 triệu đồng/1 “bùa”. Qua điều tra, bước đầu xác định từ năm 2018 đến nay, các đối tượng đã thực hiện việc bán “bùa ngải” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng.
 
    Các báo (08/6) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với: Trương Huy San, nghề nghiệp: Lao động tự do; Trần Đình Triển, nghề nghiệp: Luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Trương Huy San và Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đã phạm vào tội danh trên.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
    
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (03/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 17 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Anh Sử, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội về tội “Tham ô tài sản”. Bị hại trong vụ án là Công ty TNHH Sebang Battery Vina. Theo điều tra, từ ngày 23/4/2021-27/6/2022, Sử đã lập khống 58 hóa đơn thể hiện đã bán 2.072 bình ắc quy các loại cho 18 đại lý với tổng giá trị tiền hàng hơn 6,9 tỷ đồng (gồm cả thuế VAT). Do lập khống hóa đơn mà không xuất hàng nên số lượng sản phẩm tồn kho cao, Sử nảy sinh ý định chiếm đoạt số sản phẩm này; sau đó, mang bán cho các đại lý, khách hàng của chính Công ty với giá thấp hơn giá niêm yết từ 8-10%. Ngoài ra, Sử còn chiếm đoạt thêm một lượng hàng hóa khác với nhiều thủ đoạn để lấy tiền ăn tiêu. Kết quả điều tra xác định, Sử đã chiếm đoạt tổng giá trị tài sản là hơn 5,2 tỷ đồng. 
 
    Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (03/6) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Na Ngoi giai đoạn 2020-2023) về hành vi tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Trương Xuân Cường, nguyên kế toán Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Na Ngoi về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo điều tra, Cơ quan điều tra xác định: Từ năm 2020-2023, Hùng đã chỉ đạo Cường và một số người liên quan lập khống nhiều hồ sơ để chiếm đoạt và sử dụng mục đích cá nhân số tiền hơn 374 triệu đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử và các báo (04/6) đưa tin, Công an tỉnh Bình Dương ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Việt Tâm Đức, hoạt động kinh doanh mua, bán hàng nông sản để điều tra làm rõ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Cơ quan điều tra, sau khi phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Thị Kim Loan, bị can đã đến cơ quan Công an đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo kết quả điều tra, từ năm 2017-2020, Loan đã ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh, góp vốn mua hàng nông sản và vay, mượn của 07 cá nhân số tiền 5,15 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian này, Loan đã chia tiền lợi nhuận, tiền cảm ơn cho các bị hại 643,5 triệu đồng. Sau đó, Loan bỏ trốn và chiếm đoạt của 07 bị hại hơn 4,5 tỷ đồng.
 
    Các báo (04/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Vũ Thị Thu Nhung, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Ba Đình bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo cáo trạng, khoảng năm 2014, Nhung đã có hành vi gian dối, đưa ra các thông tin không có thật với những người quen biết để lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an phát hiện, ngoài hành trên, Nhung còn làm giả 57 tài liệu của Ngân hàng đưa cho các bị hại, mục đích để họ tin tưởng, tiếp tục chuyển tiền cho Nhung và sau đó chiếm đoạt. Viện kiểm sát kết luận, từ năm 2014 đến 5/2022, Nhung đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt hơn 2.700 tỷ đồng gửi tiết kiệm, mua trái phiếu, giữ hộ tiền mặt, gửi tiền ký quỹ đầu tư mua, bán thanh lý đấu giá các tài sản nợ xấu tại Eximbank.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (04/6) đưa tin, Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Minh, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), chi nhánh tỉnh Vĩnh Long để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; nhận hối lộ. Qua điều tra, trong khoảng thời gian làm Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Huệ, Minh đã thỏa thuận với nhiều khách hàng cung cấp giấy tờ có liên quan đến việc vay tiền; riêng tài liệu về nguồn thu nhập trả nợ hoặc tài liệu chứng minh mục đích vay vốn, Minh đứng ra để hợp thức. Tuy nhiên, Minh yêu cầu được chi % giá trị hợp đồng vay. Sau khi thống nhất với khách hàng, để hồ sơ được hợp thức, Minh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng cho thuê tài sản và làm khống nhiều loại giấy tờ có liên quan… gây thiệt hại cho Ngân hàng hàng tỷ đồng.
 
    Các báo (04/6) đưa tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Doãn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò và ông Nguyễn Chí Nguyện, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã, Trưởng phòng Tư pháp (nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch) thị xã. Trước đó, theo thông tin từ các báo và quần chúng nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh, xác định: Từ tháng 01/2020-6/2022, UBND thị xã Cửa Lò đã tiếp nhận, xử lý thu hồi 53 thửa đất (17.306,83m²) và bố trí tái định cư 85 thửa đất (22.282,6m²) cho các hộ dân để thực hiện các dự án trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, ông Doãn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Nguyện và 2 cán bộ thị xã có nhiều hành vi vi phạm, có dấu hiệu của tội phạm. Ông Doãn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Nguyện và 2 cán bộ thị xã Cửa Lò đã bị Công an Nghệ An bắt giữ.
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong và một số báo (05/6) đưa tin, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Huỳnh Văn Thương, trú tại phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Từ 5/2019, Thương đưa thông tin là có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ ngân hàng để giúp những người cần vay tiền có khoản vay ngân hàng đến kỳ hạn mà không đủ tiền trả để làm thủ tục tất toán khoản vay. Sau đó, khi ngân hàng giải ngân lại, thì đối tượng thu hồi vốn và lấy lãi cho vay theo thỏa thuận. Với những thủ đoạn trên, Thương vay tiền của nhiều người và dùng số tiền của người cho vay sau, trả một phần gốc và lãi cho người cho vay trước. Đến tháng 6/2022, đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương và chiếm đoạt của các bị hại hơn 5,4 tỷ đồng.
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Tiền phong, SGGP và một số báo (05/6) đưa tin, Công an huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Liêm, kế toán Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để điều tra, làm rõ về hành vi “tham ô tài sản”. Theo điều tra, năm 2021, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Liêm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập các chứng từ nhằm chiếm đoạt hơn 410 triệu đồng. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (05/6) đưa tin, Công an tỉnh Phú Thọ ra lệnh giữ, bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nông Đức Di, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Theo điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố 06 vụ án, khởi tố nhiều bị can, là Giám đốc, nhân viên các doanh nghiệp tại Phú Thọ, Hà Nội và bị can Triệu Quý Hợi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn… Các đối tượng bị khởi tố với các tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Giả mạo trong công tác”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.
 
    Các báo (05/6) đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố đối với 34 bị can về 3 tội danh trên. Cơ quan điều tra cũng đã ban hành Thông báo gửi Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan biết việc kết thúc điều tra vụ án hình sự. Các báo (06/6) thông tin thêm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, bị cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng. Đồng thời, bà Lan và đồng phạm cũng bị cáo buộc Rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản của ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu. Báo VietNamNet, Baomoi.com và một số báo (09/6) cho biết, liên quan đến vụ án giai đoạn 2, Cơ quan điều tra đã phong tỏa, thu giữ, tạm giữ số tài sản lớn liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác trong vụ án. Theo đó, Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 224 tỷ đồng; đã ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến bà Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng kê biên 9 bất động sản liên quan đến bà Lan, các bị can và các cá nhân có liên quan.
 
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm (ảnh minh họa)
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm (ảnh minh họa)
    Báo Tiền phong, Baomoi.com và một số báo (05/6) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử 18 bị cáo trong vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan một sòng bạc ở TP. Nha Trang. Trong đó, có Lường Tiến Quân, Cựu Phó phòng 4, thuộc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an khu vực phía Nam, phụ trách địa bàn tỉnh Khánh Hòa về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Bị cáo này bị cáo buộc nhiều lần nhận hối lộ để bảo kê cho sòng bạc tại TP. Nha Trang. Bị cáo Nguyễn Minh Hải, cán bộ Bộ Công an ở TP. Hồ Chí Minh bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa truy tố tội tổ chức đánh bạc và tội đưa hối lộ. Nguyễn Đình Hoàng Long, ở TP. Nha Trang bị truy tố tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đưa hối lộ; Nguyễn Hữu Văn, ở TP. Huế và Hứa Vũ Long, ở TP. Nha Trang bị truy tố tội tổ chức đánh bạc. 13 bị can còn lại bị truy tố tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Dân trí, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Baomoi.com, Kiên Giang và các báo (05/6) đưa tin, Hoàng Hữu Trường, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đến cơ quan Công an đầu thú, khai nhận hành vi nhận hối lộ. Trường đã nhận của các đối tượng Công ty LHĐ số tiền 175 triệu đồng. Trước đó, nhóm người của Công ty LHĐ đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phú Quốc khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đặng Văn Lĩnh, Lê Minh Điệp và Đặng Văn Hùng về việc phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an TP. Phú Quốc bắt khẩn cấp ông Du Việt Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn vì có hành vi nhận hối lộ 1 ô tô và hơn 5 tỷ đồng để làm ngơ cho Lĩnh, Điệp, Hùng phân lô, bán nền trái phép ở xã Cửa Cạn. Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, hàng loạt cán bộ ở TP. Phú Quốc đã đến cơ quan Công an đầu thú. Trong đó, có Đoàn Thanh Tuấn, cán bộ địa chính xã Cửa Dương; Nguyễn Tuấn Anh, cựu đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bãi Dài; Hoàng Minh Tuấn, cựu đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Cửa Cạn và Ngô Thanh Tân, cựu đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bến Tràm. Ông Trần Văn Việt, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc tự thú vì nhận 2 tỷ đồng và 2 cây tùng la hán trị giá 500 triệu đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN và một số báo (06/6) đưa tin, Công an tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huỳnh Bảo Minh (con trai ông Huỳnh Văn Khiết, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk) về tội “tham ô tài sản” và tội “rửa tiền”. Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk). Kết quả điều tra xác định, năm 2009, ông Huỳnh Văn Khiết đã chỉ đạo Huỳnh Bảo Minh thành lập 2 công ty gia đình để ký các hợp đồng môi giới bán hàng với các khách hàng truyền thống của Công ty, chiếm đoạt số tiền trên 11 tỷ 170 triệu đồng của Công ty Cao su Đắk Lắk và sử dụng số tiền này để góp vốn, đầu tư vào các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích “rửa tiền”.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, VietNamNet, SGGP, Báo mới, Dân trí và một số báo (07/6) đưa tin, Công an thành phố Đà Nẵng yêu cầu chính quyền thành phố phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến 7 lô đất “vàng” nằm trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố, liên quan dấu hiệu tội phạm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng. 7 lô đất “vàng” gồm: 49 Lý Thường Kiệt, 751 Ngô Quyền, 16 Lý Thường Kiệt, 60 Hùng Vương, 52 Nguyễn Chí Thanh, 62 Tôn Đức Thắng, 294 Cách mạng Tháng 8.
 
    Báo Nhân Dân điện tử và các báo (07/6) đưa tin, Thanh tra tỉnh Bình Thuận chuyển hồ sơ của 10/11 gói thầu của do Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để xử lý theo quy định. Qua thanh tra 11 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, đoàn thanh tra phát hiện các gói thầu không đúng quy định. Cụ thể, Sở Y tế làm chủ đầu tư 7 gói thầu đã tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 6/7 gói thầu dù Công ty này không đạt một số tiêu chí với giá thiết bị cung cấp chênh lệch quá cao so với giá mua vào hơn 80%. Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư 3 gói thầu, dù các hồ sơ dự thầu có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu với giá chêch lệch hơn 110%. Đối với gói thầu tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, đã tạo điều kiện cho nhà thầu trúng thầu với giá tăng chêch lệch hơn 150%. 
 
    Các báo (07/6) đưa tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Ngọc Gấm, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, năm 2019, thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc bắc - nam đoạn qua địa bàn xã Vĩnh An, Trịnh Ngọc Gấm dù được báo cáo trong diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi phục vụ dự án có cả loại đất được bồi thường và loại đất không được bồi thường, nhưng vẫn chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Vĩnh An Hà Tiến Dũng và công chức địa chính xã Trịnh Xuân Nam rà soát, lập danh sách 26 hộ sử dụng đất thầu, đất ao hồ tự cải tạo. Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các hộ trên không được bồi thường về đất cùng các chính sách hỗ trợ liên quan.
 
    Các báo (08/6) đưa tin, Công an tỉnh Bạc Liêu quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Trọng Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ Hợp Phú (trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và Đỗ Mạnh (trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo hồ sơ, Bằng chỉ đạo Thành lập hàng loạt “công ty ma” sau đó tham gia đấu thầu hệ thống máy móc thuộc dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu. Qua xác minh, Cơ quan điều tra xác định, Bằng và Mạnh đã có hành vi thỏa thuận để thắng thầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng. 
 
    Đài THVN, Baomoi.com và một số báo (08/6) đưa tin, Công an tỉnh Hậu Giang quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Trương Thị Út, Trưởng Phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Nguyễn Thị Ngọc Diễm, chuyên viên của cơ quan này để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua điều tra, Cơ quan điều tra xác định, Út và Diễm đã trực tiếp tham mưu cho Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thống nhất cho Công ty TNHH Hà Liêm chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng thầu cho Công ty Cổ phần Khai thác xây dựng, vận tải Phương Nam, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, tháng 02/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Phước Nhàn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
    Theo Đài THVN và các báo (08/6) đưa tin, Công an thành phố Lạng Sơn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Hoài Vân, trú tại Thác Mạ 7, khối 9, phường Đông Kinh và Hoàng Thị Vươn, cán bộ Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn về hành vi trốn thuế. Theo điều tra, vào đầu năm 2021, Vươn nhờ người khác đứng tên để thành lập Công ty TNHH MTV Linh Anh LS, để kinh doanh nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, mọi hoạt động của công ty này do Hoàng Thị Hoài Vân điều hành. Trong năm 2023, Vân đã nhờ Vươn hướng dẫn và giúp điều chỉnh, thay thế hóa đơn giá trị gia tăng từ người mua hàng là hộ, cá nhân kinh doanh thành người mua hàng là doanh nghiệp và số thuế giá trị gia tăng từ 5% thành không phải kê khai tính thuế giá trị gia tăng để trốn thuế, gây thiệt hại cho nhà nước trên 6,4 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (04/6) đưa tin, đầu năm 2024, các cơ quan Kiểm tra kỷ luật và giám sát của Trung Quốc đã tiến hành điều tra đối với 29 quan chức cấp cao, trong đó có: Gou Zhongwen, Ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC - Chính Hiệp); Zhou Zheng, cựu Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Kinh doanh thực phẩm hàng đầu Trung Quốc COFCO Corporation và He Zehua, cựu Phó Giám đốc Cục Độc quyền thuốc lá Nhà nước Trung Quốc.
 
    Báo Thanh tra (05/6) đưa tin, một tòa án ở Madrid đã triệu tập bà Begona Gomez, Phu nhân của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, yêu cầu trình diện trước thẩm phán về các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng ảnh hưởng. Lệnh triệu tập được đưa ra như một phần của cuộc điều tra sơ bộ về việc liệu Phu nhân Thủ tướng có lợi dụng vị trí của mình để gây ảnh hưởng đến các giao dịch kinh doanh hay không. Vụ việc bắt đầu kể từ sau đơn tố cáo của Nhóm hoạt động chống tham nhũng Manos Limpias - Clean Hands, do Miguel Bernad, một luật sư và chính trị gia từng là ứng cử viên cho một đảng cực hữu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu, lãnh đạo. Manos Limpias cáo buộc bà Begona Gomez đã sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là Phu nhân Thủ tướng để bảo đảm các khoản tài trợ cho chương trình học tại một trường đại học do bà điều hành.
    
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn các chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an;
    - Phạt tù cán bộ kinh doanh lập khống hóa đơn, tham ô hàng tỷ đồng;
    - Kết thúc điều tra vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB;
    - Thanh tra tỉnh Bình Thuận chuyển hồ sơ các gói thầu liên quan đến Công ty AIC sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
.