Điểm báo tuần số 574 từ ngày 27/5 đến ngày 02/6 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 03/06/2024, 17:04 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Các báo (27/5) đưa tin, Công an huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội tiến hành xử lý đối tượng Phạm Văn Tiệp, trú tại thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra, đầu năm 2024, Phạm Văn Tiệp làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn C., nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã tại huyện Mỹ Đức có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương. Ông C. đã nhiều lần trao đổi, liên lạc đề nghị Tiệp rút đơn. Tiệp đồng ý với yêu cầu ông C. phải đưa 500 triệu đồng, nếu không sẽ tiếp tục làm đơn đến các cấp cao hơn. Ngày 26/5, ông C. đã mang 500 triệu đồng đưa cho Tiệp; Tiệp đã bị lực lượng Công an huyện Mỹ Đức bắt quả tang khi nhận tiền.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (28/5) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang và Long An tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi danh dự ông Lâm Hồng Sơn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vì trước đó 2 tỉnh đã 2 lần bắt oan ông. Theo thông tin, tháng 4/1988, ông Sơn mở xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc; tháng 01/1990, Công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Lâm Hồng Sơn về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, vụ án được đình chỉ do Công an tỉnh Long An không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Sơn. Đến tháng 12/1990, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Sơn về để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xác định ông Sơn không có dấu hiệu chiếm đoạt. Tại buổi xin lỗi công khai, ông Sơn chấp nhận lời xin lỗi và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang và Long An khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại và đăng nội dung cải chính, xin lỗi công khai trên báo chí.
 
    Các báo (31/5) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Cao Văn Đại, Chủ tịch UBND xã; Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã và Võ An Lộc, công chức địa chính. Sai phạm của 3 cán bộ này là để xảy ra khai thác khoáng sản trên địa bàn, gây hậu quả nghiêm trọng. Huyện ủy Tân Phú đã tiến hành khai trừ ra khỏi Đảng đối với 3 trường hợp trên.
 
    Các báo (30/5) đưa tin, Công an tỉnh Ninh Thuận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Thị Thùy Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Chuyển phát nhanh P and T để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, sau khi nhận đơn tố giác của người dân và qua quá trình điều tra cho thấy, từ năm 2021-2022, Ngân đã đưa nhiều thông tin gian dối để huy động vốn thành lập Công ty TNHH Chuyển phát nhanh P and T. Theo đó, Ngân đã lừa đảo, chiếm đoạt của người dân trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
 
    Đài THVN, TTXVN, Đài TNVN và các báo (01/6) đưa tin, Công an TP. Vinh, tỉnh Nghệ An tạm giữ hình sự đối với Lô Thị Trang, trú tại phường Lê Lợi về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trước đó, Công an TP. Vinh phát hiện Lô Thị Trang có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Lô Thị Trang đã cho một số cá nhân vay tiền với lãi suất từ 356%/năm đến 1.216,67%/năm, với tổng số tiền cho vay gần 1,5 tỷ đồng, Lô Thị Trang thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    Báo Nhân Dân điện tử và các báo (27/5) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hữu Hóa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Gia Mập về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Theo điều tra, từ năm 2011-2021, Nguyễn Hữu Hóa đã tác động để Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc ký hợp đồng giao khoán trái quy định diện tích đất rừng tại thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn. Sau đó, Nguyễn Hữu Hóa tiếp tục tác động UBND xã Phú Văn, Hạt Kiểm lâm liên huyện thị xã Phước Long - Bù Gia Mập để thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác minh hiện trường cây gỗ và tiến hành bán số lâm sản trên diện tích đất nói trên nhằm thu lợi bất chính trên 2 tỷ đồng.
 
    Các báo (28/5) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Vụ án này, đã truy tố 14 bị can, trong đó 04 bị can đang bỏ trốn. Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu 04 bị can đang bỏ trốn đến cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Các bị can gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC); Trần Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc AIC; Trần Đăng Tấn, Trưởng Văn phòng đại diện AIC tại TP. Hồ Chí Minh; Đỗ Vân Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha. Đài TNVN và một số báo (31/5) thông tin thêm, Bị can Đỗ Vân Trường, quê Phú Thọ, từ một nhân viên đã được bà Nhàn AIC dựng lên làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha để cùng thực hiện việc gian lận đấu thầu trong dự án tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh. Trong vụ án, đối với các bị can đang bỏ trốn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, nếu bà Nhàn và các bị can tiếp tục bỏ trốn, thì sẽ coi đó là từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định.
 
 Trụ sở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. (Ảnh minh họa)
Trụ sở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. (Ảnh minh họa)
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (29/5) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với các đối tượng: Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Tài nguyên và Môi trường về tội “Nhận hối lộ”; Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng giá đất Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (hiện là bị can trong vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn), thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các báo (29/5) cho biết thêm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam và các đơn vị liên quan, đồng thời, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam; Bùi Thế Chuyên, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam; Nguyễn Minh Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam.
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong và một số báo (29/5) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đề nghị truy tố 08 bị can từng là lãnh đạo Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco). Theo đó, 08 bị can này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi để xảy ra sai phạm trong việc chuyển nhượng 3 mặt bằng ở 299/18 Lý Thường Kiệt, phường 15, Quận 11; mặt bằng 682 Hồng Bàng, phường 1, Quận 11; mặt bằng 4.606,5m2 tại Quốc lộ 50, phường 6, Quận 8, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (29/5) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án khai thác trái phép quặng Apatit tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama và tuyên phạt Nguyễn Mạnh Thừa, nguyên Giám đốc Công ty 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai 5 năm 6 tháng tù; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh 4 năm tù; 02 bị cáo là cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng cùng mức án 3 năm 3 tháng tù.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, Người Lao động, Baomoi.com, Đầu tư, Thanh niên, Bảo vệ pháp luật, Dân trí, VnExpress, VietNamNet, Chinhphu.vn và các báo (29/5) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố bị can Đỗ Minh Tâm, cựu Cục phó Cục Quản trị 1 Văn phòng Quốc hội và Nguyễn Thế Phùng, lao động tự do về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha) giữ chức Chủ tịch Công ty Asia Investment, trụ sở tại Viêng Chăn (Lào). Năm 2019, ông Pha muốn xây dựng một tòa nhà hữu nghị Việt - Lào, tại Thủ đô Hà Nội. Thông qua các mối quan hệ, bị can gặp ông Pha, đưa thông tin “gian dối” có thể giúp ông được cấp đất, xây nhà. Ông Tâm “thỏa thuận” chi 6% tổng đầu tư dự án, buộc phải đưa trước 1,8 triệu USD (hơn 41 tỷ đồng). Tin tưởng Tâm, ông Pha yêu cầu nhân viên đưa tiền 6 lần thông qua Phùng. Một thời gian sau, không thấy cơ quan chức năng Hà Nội làm việc, ông Pha tố cáo vụ việc ra cơ quan Công an, đến nay đã được các bị can hoàn trả đủ 1,8 triệu USD.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân và các báo (30/5) đưa tin, ngày 30/5/2024, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức Cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay. Tại Cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa 02 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các cơ quan, địa phương liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan. Theo các báo (30-31/5) cho biết thêm, từ đầu năm 2024, các cơ quan đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686 vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, các cơ quan đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 2 vụ án/8 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án/9 bị cáo. Cơ quan kiểm tra cũng chỉ đạo, đôn đốc 68 cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC. Đến nay, 60/68 cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành việc kiểm tra đối với 782/830 dự án, gói thầu; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 65 tổ chức đảng, 127 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ việc có dấu hiệu tội phạm... Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.500 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên hơn 85 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng...
 
    TTXVN và các báo (30/5) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu tỉnh Đồng Tháp rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019-2023 để phục vụ điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty cây xanh Công Minh và các cá nhân, tổ chức liên quan. Qua tổng hợp, từ năm 2019-2023, tỉnh đã cấp kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị tại 12 huyện, thành phố và 2 đơn vị là Vườn quốc gia Tràm Chim, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Trong đó, Công ty cây xanh Công Minh trúng thầu thi công hàng chục dự án, với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. Một số dự án như: Phát triển hệ thống cây xanh thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười); trồng cây xanh, hoa kiểng các khu vực trong công viên và đường phố năm 2020 (thành phố Sa Đéc); cải tạo Công viên khu 500 căn (phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh);… và nhiều dự án khác.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN và một số báo (31/5) đưa tin, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án, khởi tố 03 bị can gồm: Trần Văn Thành, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (đang là Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình); Trịnh Ngọc Thủy và bà Đinh Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định: Năm 2018-2019, trong quá trình tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, các bị can đã lợi dụng rút ngắn thời gian học, nhưng vẫn lập hồ sơ quyết toán các khoản tiền chế độ cho học viên như dự toán được phê duyệt, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
 
    Các báo (31/5) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố và các quyết định liên quan đối với Đỗ Thị Ngọc Quỳnh, công chức Đội nghiệp vụ hải quan cảng SP-PSA (Đội SP-PSA) thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ và Ngô Trung Hiếu, công chức Đội Kiểm soát hải quan. Trước đó, ngày 25/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố vụ án buôn lậu và nhận hối lộ xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; quyết định khởi tố 06 bị can và khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ với 02 công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cảng Phú Mỹ là Hồ Việt Tân và Bùi Huỳnh Bá Phước.
 
    Báo Chinhphu.vn, Gia Lai, Đắk Nông, Baomoi.com và một số báo (31/5) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Đầm, kế toán Trường Tiểu học và THCS Chơ Glong (huyện Kông Chro) về tội “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác” và bị can Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng trường này về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, từ tháng 6/2021-11/2022, Trần Thị Đầm đã lợi dụng nâng khống số tiền lương thực lĩnh hàng tháng của trường để chiếm đoạt hơn 991 triệu đồng. Ngoài ra, bị can này còn có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung nhiều văn bản nhằm hợp lý nguồn tiền xin bổ sung kinh phí tự chủ. Bị can Vũ Xuân Sinh đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao để cấp dưới lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
 
    Báo Người Lao động, Đầu tư, Dân trí, Công thương, Baomoi.com và một số báo (31/5) đưa tin, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xem xét, xử lý hành vi kê khai tài sản thu nhập không trung thực đối với bà Chu Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh này. Theo Kết luận, căn cứ Bản kê khai tài sản thu nhập năm 2021-2022, kết quả xác minh và các thông tin liên quan cho thấy, bà Chu Thị Lan Anh đã tự ý đổi, sửa các mục tại Bản kê khai tài sản thu nhập; kê khai không đúng, kê khai sai các nội dung liên quan đến tiền, tài sản thu nhập và không kê khai 5 thửa đất do bà đứng tên; không giải trình biến động tăng, giảm về tiền, tài sản, quyền sử dụng đất theo kết quả xác minh đã nêu... 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, VietNamNet, SGGP, Báo mới, Dân trí và một số báo (31/5) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Nguyên, trú tại thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Du Việt Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn; Trần Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương; Nguyễn Tuấn Anh, cựu Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bãi Dài; Hoàng Minh Tuấn, cựu Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Cửa Cạn và Ngô Thanh Tân, cựu Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bến Tràm về tội “Nhận hối lộ”. Các báo (02/6) đưa tin, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện kiểm sát tỉnh quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Quốc Anh, công chức Địa chính xã Bãi Thơm về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và Nguyễn Văn Nhưỡng, nguyên Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    Các báo (01/6) đưa tin, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An. Đây là 2 vụ án phức tạp, liên quan nhiều địa phương, khối lượng công việc cần điều tra là rất lớn. Cả 2 vụ án này đã được đưa vào diện các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 23 người; thu giữ hơn 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng, hơn 1.000 sổ đỏ. Trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, đã khởi tố 08 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng. Hiện đang mở rộng điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án của Tập đoàn này; đồng thời, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
 
    Đài THVN, Baomoi.com và một số báo (01/6) đưa tin, Công an tỉnh Lào Cai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của 03 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Đinh Thị Hải Lý, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - thiết bị, Trường Cao đẳng Lào Cai, kiêm phụ trách kế toán Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ - Trường Cao đẳng Lào Cai; Bùi Thị Liên, thủ quỹ Trung tâm; Đinh Thị Huyền Trang, kế toán Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ - Trường Cao đẳng Lào Cai. Trước đó, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố, bắt giữ Phạm Trường Minh, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Khảo thí, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (28/5) đưa tin, Văn phòng Tổng Chưởng lý Peru đệ trình hồ sơ khiếu nại chống lại Tổng thống Dina Boluarte trong một vụ án tham nhũng làm rung chuyển nền chính trị vốn nhiều bất ổn của quốc gia Nam Mỹ trong những năm gần đây. Với vị trí Tổng thống, bà Boluarte ước tính kiếm được khoảng 55.000 USD mỗi năm. Liên quan đến vụ việc, bà Boluarte đã bị cảnh sát thẩm vấn và khám xét văn phòng cũng như nhà ở, để làm sáng tỏ nghi ngờ Tổng thống làm giàu bất chính, không kê khai tài sản cá nhân.
 
    Báo Thanh tra (29/5) đưa tin, trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc, bên cạnh mục tiêu “đả hổ lớn”, “săn cáo”, thì việc “diệt ruồi” cũng ngày càng được coi trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch giáo dục kỷ luật Đảng trên toàn quốc, cho thấy quá trình tự quản nghiêm ngặt đang tiếp tục được tiến hành. Theo cách gọi ẩn ý của người Trung Quốc, “hổ lớn” là quan chức cấp cao tham nhũng; “cáo” là quan chức tham nhũng và đối tượng bị nghi ngờ phạm tội về kinh tế đang bỏ trốn sang các quốc gia, khu vực khác để tránh sự trừng phạt; còn “ruồi” là công chức cấp thấp hơn, có hành vi ép buộc những người bình thường phải hối lộ khi giải quyết công việc.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Khởi tố Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
    - Bắt tạm giam Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su Miền Nam;
    - Ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
 
.