Điểm báo tuần số 443 từ ngày 25/10 đến ngày 31/10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 01/11/2021, 13:56 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25/10) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Quân, trú ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo quy định tại khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự. Theo tài liệu điều tra, thông qua tài khoản mạng xã hội Facebook, Lê Văn Quân đã thường xuyên đăng tải nhiều bài viết mang nội dung chống Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa; bôi nhọ danh dự, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Đáng nói, trước đó cơ quan Công an đã nhiều lần mời Lê Văn Quân để làm việc, giáo dục nhưng bỏ qua những cảnh báo, đối tượng Quân ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, thường xuyên tham gia nhiều hội nhóm phản động trên Facebook, liên lạc với đối tượng truy nã Lê Văn Thương (đối tượng tham gia tổ chức khủng bố Triều Đại Việt hiện đang lẩn trốn ở Thái Lan). Hiện, cơ quan Công an đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ những đối tượng có liên quan đến hành vi phạm tội của Lê Văn Quân.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/10) dẫn nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký Quyết định số 3770/QĐ-UBND tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai để xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định. Ông Đàm Quang Vinh đã sử dụng bằng tốt nghiệp chuyên môn bất hợp pháp. Ông Vinh được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai từ ngày 27/3/2020. Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang tiến hành quy trình xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Đàm Quang Vinh theo quy định pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (28/10) đưa tin, sau 3 ngày xét xử, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ tuyên án bị cáo Trương Châu Hữu Danh và 4 đồng phạm trong nhóm “Báo sạch”. Theo đó, Trương Châu Hữu Danh, ngụ tại tỉnh Long An bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Phước Trung Bảo, ngụ tại TP Đà Nẵng, 2 năm tù; Đoàn Kiên Giang bị tuyên phạt 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhã, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, bị tuyên phạt 2 năm tù và Lê Thế Thắng, ngụ tại TP Hà Nội, bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo cáo trạng, tháng 3/2020, lợi dụng thời điểm một số người dân đang bức xúc do bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới Thới Lai tại Cần Thơ, Danh đã viết 32 bài và nhiều clíp đăng công khai trên trang Facebook "Trương Châu Hữu Danh" và fanpage "Trương Châu Hữu Danh". Các bài viết và clíp do Danh thực hiện có tư tưởng mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Bên cạnh đó, Danh còn viết và đăng trên trang Facebook cá nhân "Trương Châu Hữu Danh", fanpage “Báo sạch” nhiều bài có liên quan đến các tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương khác. Những bài viết này tạo diễn đàn cho nhiều bình luận chủ quan, tiêu cực, thể hiện rõ mục đích, nội dung nhằm xuyên tạc, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân… Ngoài ra, nhóm 5 bị cáo này đã nhận hợp đồng làm truyền thông, quảng cáo cho các doanh nghiệp để thu lợi số tiền hơn 2,83 tỷ đồng chia nhau tiêu xài.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/10) đưa tin, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011). Quy định ban hành trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy định số 47, đã bộc lộ một số nội dung hạn chế như chưa bao quát đầy đủ các nội dung không được làm, chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên… Từ thực tiễn đó, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa qua, Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Tại Quy định số 37-QĐ/TW, Trung ương kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII. Với mục đích ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu cấp ủy các cấp trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ…Quy định mới tiếp thu, cập nhật chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, về trách nhiệm nêu gương và chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; những vấn đề mới từ thực tiễn, có tính điển hình, cốt lõi về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cụ thể hóa thành các quy định; phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng và nhiệm vụ của đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới. Quy định số 37-QĐ/TW giữ nguyên 19 điều. Trong đó, bổ sung, sửa đổi, làm rõ nội hàm, nội dung một số điều…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (29/10) đăng tải các nội dung Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 05-QCPH/BNCTW-ĐĐMTTQVN, ngày 25/12/2015 giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, hai cơ quan đã cùng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.Phối hợp giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan cũng như  tập hợp, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng.Hai bên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ; trao đổi, cung cấp cho nhau nhiều thông tin, tài liệu, báo cáo, văn bản quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện để hai cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, mối quan hệ giữa hai cơ quan, giữa các vụ, đơn vị của hai cơ quan được gần gũi, gắn bó, qua đó khẳng định xu thế, nhu cầu phối hợp giữa hai cơ quan là thực sự cần thiết… Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương có ý nghĩa quan trọng, góp phần ngăn ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu hai bên tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Nhất là, giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Hai bên tiếp tục phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, tổng hợp và đề xuất xử lý các phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân về những vấn đề nổi lên liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động tư pháp, an ninh, trật tự; về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền; các thông tin, tài liệu, phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương kết luận Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30/10) đưa tin, với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, đợt 1 của kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 11 ngày làm việc. Trong chương trình nghị sự đợt 1, Quốc hội đã nghe và thảo luận về: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021.Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thảo luận, cho ý kiến về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế... dự kiến, Quốc hội sẽ nghỉ họp 1 tuần, sau đó tiến hành họp đợt 2 tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày (từ ngày 8-13/11).
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (25/10) đưa tin, liên quan sai phạm của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và 9 bị can trong vụ chuyển 32 ha đất công với giá rẻ, Viện Kiểm sát nhân dân TP đã trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM điều tra bổ sung 5 vấn đề trong vụ án. Cụ thể, Viện kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại các thời điểm tháng 5/2018 - khi công ty này và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển; tháng 11/2017 - khi 2 công ty ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông và thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 9/2019 để xác định chính xác tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Viện kiểm sát cũng yêu cầu Cơ quan An ninh - Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án. Đồng thời, làm rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, cấp giấy chứng nhận cho các cá nhân tại khối A, khu IV thuộc dự án khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng; xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, gây thất thoát tài sản Nhà nước; Viện Kiểm sát cũng yêu cầu cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của 2 người khác nguyên là lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Thành ủy TP.HCM, yêu cầu bổ sung kết quả xử lý về mặt Đảng đối với các bị can trong vụ án. Trước đó, kết luận điều tra xác định hành vi cả 2 người này chưa đến mức xử lý hình sự.
 
    Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Giáo dục và Thời đại, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, VnExpress, TTXVN (25/10) Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 3 bị cáo nguyên là cán bộ Công ty cổ phần Sông Đà 6, gồm: Lê Văn Sinh, nguyên Kế toán trưởng, 5 năm tù; Phạm Thị Thúy Hà, nguyên Thủ quỹ và Nguyễn Văn Quang, nguyên Kế toán, đều lĩnh 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 8/2015 đến ngày 01/4/2016, Công ty Cổ phần Sông Đà 6 hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Tín thực hiện hoàn thiện một số hạng mục sơn Epoxy tại công trình thủy điện Huội Quảng, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tổng giá trị của hợp đồng là trên 19,6 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Lê Văn Sinh, yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Tín nộp lại từ 30% đến 40% giá trị được tạm ứng, thì sẽ được thanh toán nhanh, nếu không sẽ gây khó khăn trong quá trình nghiệm thu và việc thanh toán sẽ bị chậm. Sinh chỉ đạo Phạm Thị Thúy Hà cùng Nguyễn Văn Quang thu tiền phần trăm và ký xác nhận, nhận hơn 5,43 tỷ đồng của Công ty Nam Tín.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (26/10) cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021. Báo cáo kết quả chấm Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021, cho biết, từ 1.181 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn ra 59 tác phẩm để Hội đồng chung khảo xét chọn và đề nghị Ban Chỉ đạo công nhận các tác phẩm chính thức đạt Giải. Với tinh thần dân chủ, khách quan, các thành viên Hội đồng chung khảo đã tổ chức xét chọn kỹ lưỡng và đã tuyển chọn được 45 tác phẩm đề xuất xếp hạng Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích. Các tác phẩm tham dự giải năm nay được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ Trung ương đến các địa phương. Đã có nhiều hơn tác phẩm viết về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; về vấn đề trục lợi chính sách để tham nhũng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội…
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/10) cho biết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 3 bị cáo, gồm: Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Chủ tịch UBND xã xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm; Nguyễn Văn Trường, nguyên kế toán ngân sách UBND xã và Vũ Văn Huấn, nguyên thủ quỹ UBND xã, về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình xét xử làm rõ, ba bị cáo trong quá trình thực hiện thu, chi ngân sách không theo đúng quy định; thu tiền nhưng không làm thủ tục nộp vào tài khoản ngân sách xã tại Kho bạc Nhà nước, chi tiền không có chứng từ và không có thủ tục quyết toán dẫn đến làm thất thoát hơn 1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thu hồi triệt để số tiền hơn 1 tỷ đồng mà Nguyễn Văn Thiệu cùng các đồng phạm biển thủ tiêu riêng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, An ninh Thủ đô, Giao Thông, Đầu tư, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietNamNet, Đài TNVN (28/10) Công an TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ khẩn cấp  đối tượng Lê Hữu Vũ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đô thị huyện Thăng Bình và Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn - Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An, để điều tra hành vi “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đầu năm 2021, biết tin UBND huyện Thăng Bình có chủ trương xây dựng 2 công trình là Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh và Trường THCS Lê Quý Đôn nên Dũng lấy danh nghĩa Công ty Đại Bình An liên hệ với ông Lê Hữu Vũ để xin trúng hai gói thầu này. Hai bên thống nhất sắp xếp để Công ty Đại Bình An trúng thầu, trích lại 10% giá trị gói thầu cho Ban Quản lý Dự án Đô thị huyện Thăng Bình theo yêu cầu của Vũ. Cơ quan điều tra kết luận, hành vi sắp xếp thầu của Dũng và Vũ đã gây thiệt hại cho nhà nước 220 triệu đồng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (30/10) đưa tin, Công an tỉnh An Giang thực hiện bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Võ, nguyên là cán bộ Công an về tội “Rửa tiền” liên quan đến "trùm" buôn lậu Mười Tường. Bị can Nguyễn Văn Võ (đã có hành vi tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên 3 tỷ đồng của Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), cư trú tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang phạm tội mà có. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khám xét một số nơi ở của bị can Nguyễn Văn Võ. Trong quá trình khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ được một số tài liệu, tang vật liên quan đến vụ án.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (26/10) đưa tin, Ủy ban Chống Tham nhũng Liberia (LACC) và Tổ chức Xã hội dân sự (CENTAL), Cơ quan Trách nhiệm giải trình giải trình Liberia, Tổ chức Giám sát liêm chính Liberia, sẽ khởi động Dự án Đổi mới Chống Tham nhũng (Dự án) vào ngày 26/10 tại Khu Liên hợp Bộ trưởng ở Thủ đô Monrovia.Dự án được sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA). Mục tiêu của Dự án là xây dựng mối quan hệ đối tác giữa LACC và các tổ chức xã hội dân sự (CSO) với những kinh nghiệm chuyên môn và lâu năm trong phòng chống tham nhũng. Nó sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và đổi mới để nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch, phản ứng nhanh chóng với các vụ việc tham nhũng.Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Liberia đã đi xuống hàng năm, giảm từ 37/100 điểm vào năm 2016 xuống 32/100 vào năm 2018 và sau đó là 28/100 vào năm 2020.Hiện tại, LACC thiếu quyền truy tố và hoạt động trong khuôn khổ pháp lý yếu kém liên quan đến công khai tài chính và kê khai tài sản. Hơn nữa, có rất ít sự bảo vệ cho những người tố cáo, điều này ngăn cản công dân tố cáo tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng cũng phải đối mặt với văn hóa ứng xử phi đạo đức thâm căn cố đế trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm, và sự thiếu năng lực trong các cơ quan nhà nước để giải quyết tình trạng không minh bạch, thúc đẩy liêm chính. Dự án sẽ đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng năng lực của LACC để theo dõi, báo cáo và điều tra các hành vi tham nhũng phù hợp với nhiệm vụ pháp lý của cơ quan này. Các đối tác phát triển dự kiến khi khởi động chính thức Dự án bao gồm đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chính phủ Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS). Các đối tác quốc gia bao gồm Ủy ban Hạ viện và Thượng viện về quản trị và tài khoản công, Ủy ban Mua sắm công và nhượng quyền, Bộ Tư pháp và Y tế.
 
    Báo Thanh tra (28/10) cho biết, sau khi một chủ cửa hàng tạp hóa gửi đơn khiếu nại, Cục Chống tham nhũng Ấn Độ (ACB) đã xác minh và lên kế hoạch bắt quả tang hành vi vi phạm. ACB vừa bắt giữ Ranjitsingh Bandoba Pawar - một cán bộ an toàn thực phẩm làm việc tại Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm cùng Abhishek Tikekar - một cá nhân có liên quan, vì cáo buộc đã đòi và nhận hối lộ 40.000 Rs.Theo cơ quan cảnh sát, 2 người này đã đến cửa hàng của người khiếu nại vào ngày 6/9. Ranjitsingh Bandoba Pawar đã lấy các mẫu bột mì, bột maida, hạt đậu bồ câu và cho rằng, chủ cửa hàng đang bán các mặt hàng thực phẩm chất lượng thấp. Pawar đe dọa sẽ có hành động xử lý cửa hàng. “Để việc xử lý không xảy ra, viên chức này đã yêu cầu người khiếu nại 50.000 Rs”, thông tin từ ACB cho biết. Chủ cửa hàng sau đó đã báo cáo sự việc tại Văn phòng ACB ở Worli. Qua xác minh, ACB đã quyết định "đặt bẫy". “Người khiếu nại đã thương lượng và viên chức an toàn thực phẩm đồng ý giải quyết vấn đề với mức 40.000 Rs. Và khi họ đến cửa hàng vào tối 26/10 để lấy số tiền, ACB đã bắt quả tang đối tượng khi đang nhận 40.000 Rs”, một phát ngôn viên của ACB cho biết.Pawar và Abhishek Tikekar đã bị cáo buộc theo mục 7 và 12 của Luật Phòng chống tham nhũng Ấn Độ.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    - Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Tất Thành Cang
    - Trung ương ban hành quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm
    - Kết thúc đợt 1 của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.