Điểm báo tuần số 341 từ ngày 11-11 đến ngày 16-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 18/11/2019, 10:23 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Sức khỏe và Đời sống, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-11) tiếp tục phản ánh các nội dung của tuần làm việc thứ 4, Phiên họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Cùng với đó, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua các nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Đồng thời, trong tuần làm việc thứ tư này, Quốc hội nghe thảo luận về: Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Xây Dựng, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-11) cho biết, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ bảy. Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xem xét, thảo luận, cho ý kiến về bốn Ðề án do Ðảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ðảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trình, gồm: Ðề án "Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư"; Ðề án "Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp"; Ðề án "Ðổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân" và Ðề án "Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Ðảng". Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đồng chí Trương Hòa Bình biểu dương các cơ quan trình Ðề án đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc và tán thành với nhiều nội dung trong các Ðề án. Ðối với Ðề án "Ðổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân" và Ðề án "Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Ðảng", Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu ý kiến các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp để sớm hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương |
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động (15-11) cho biết, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc, công bố các quyết định thi hành kỷ luật của Ban Bí thư đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm, khuyết điểm tại địa phương này. Theo đó, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa; cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa. Lý do, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng. Ban Bí thư cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông: Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016; Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-11) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội nghị. Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh trong cụm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ công chức; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện thường xuyên, trở thành nền nếp, qua đó phát hiện nhiều mô hình, điển hình tốt cũng như những cơ sở, đơn vị còn yếu kém.Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá: Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua chuyển biến ngày càng tốt; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về dân chủ ở cơ sở đã được thể chế hóa trong nhiều luật, quy định, tạo điều kiện để người dân được tham gia vào quá trình quyết định chính sách. Đồng chí đề nghị thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tăng cường hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; tập trung giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tương tác, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân; chỉ đạo kiểm tra kịp thời, xử lý nghiêm các sự việc bức xúc nảy sinh trong đời sống xã hội. Các địa phương cũng cần quan tâm hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân; tăng cường công khai, minh bạch, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Hải Quan, Nông nghiệp Việt Nam, Đài TNVN, TTXVN (12-11) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Minh Liễu, Kế toán trưởng và Trần Thị Huệ, Thủ quỹ, cả hai đều thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ. Từ năm 2017 đến tháng 5-2019 các đối tượng này tham ô hơn 26,5 tỷ đồng tiền chế độ chính sách dành cho học sinh nghèo, tiền chi thường xuyên của đơn vị…Công an tỉnh Lao Châu đang mở rộng điều tra xác minh xem có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả thiệt hại và các dấu hiệu vi phạm khác đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc trên.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Giáo dục và Thời đại, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (12-11) cho biết, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, ông Lý có liên quan đến sai phạm xảy ra tại công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp, huyện Tháp Mười. Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp tự ý cho nhà thầu tạm ứng trước số tiền tương ứng bằng cách nghiệm thu trước các mục chưa thi công. Công ty Ánh Dương thế chấp cho chủ đầu tư sổ tiết kiệm và hai chứng thư bảo lãnh với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thanh tra toàn diện công trình, phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trong đó, Công ty Ánh Dương còn nợ chủ đầu tư số tiền tạm ứng gần 2 tỷ đồng, nợ khối lượng chưa thi công hơn 1,5 tỷ và phạt vi phạm hợp đồng hơn 184 triệu đồng. Vụ việc sai phạm sau đó được chuyển sang cơ quan Công an điều tra làm rõ.
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, TTXVN (14-11) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nông Ngọc Ánh, Hiệu trưởngTrường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên; Nguyễn Duy Trọng, kế toán và Trần Lan Anh, thủ quỹ về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua điều tra xác minh ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Từ năm 2015 đến 2018, các bị can trên đã lập, tập hợp chứng từ thanh toán, quyết toán khống để rút kinh phí Nhà nước cấp với tổng số tiền hơn 631 triệu đồng sử dụng trái quy định. Đến nay, các bị can tự nguyện nộp số tiền 150 triệu đồng để khắc phục hậu quả; qua khám xét nơi làm việc của các đối tượng, cơ quan công an đã tạm giữ số tiền 257 triệu 140 nghìn đồng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Phụ nữ Việt Nam, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (15-11) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, đối với bốn bị can Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7, về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Các đối tượng có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi về cho Nhà nước.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Cần Thơ, Hậu Giang, Thanh tra, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (15-11) cho biết, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Thành ủy Cần Thơ về công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương. Đoàn công tác đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua của tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng của tỉnh được thực hiện bài bản; việc phát hiện và xử lý tham nhũng quyết liệt, nghiêm minh, đạt hiệu quả cao; các kết luận, kiến nghị của Trung ương được thực hiện nghiêm túc. Đoàn công tác chỉ ra những hạn chế của Hậu Giang trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, cơ quan, đơn vị có liên quan những lĩnh vực nhạy cảm, như: đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, chi tiêu ngân sách… Đồng thời, đề nghị tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tham nhũng, lãng phí… Tại thành phố Cần thơ, Đoàn công tác đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra để phòng ngừa tham nhũng; tích cực làm rõ các vụ việc vi phạm, với tinh thần vi phạm đến đâu, xử lý đến đó; xử lý các vụ việc vi phạm, tham nhũng trên tinh thần không có vùng cấm, có tình, có lý, tạo sự răn đe. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao đời sống và tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác bảo vệ và biểu dương những người tố giác tham nhũng. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng...
TIN QUỐC TẾ
Thông tấn xã Việt Nam (13-11) đưa tin, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã cho phép các tòa án nước này ra phán quyết tịch biên tài sản của thân nhân và người quen của tội phạm tham nhũng được mua bằng nguồn thu nhập phạm pháp của các đối tượng bị kết tội này. Các tài sản tịch thu sẽ được sung công quỹ nhà nước. Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng Kirill Kabanov cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp là hợp lý, có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn, bởi từ lâu những đối tượng tham nhũng và biển thủ công quỹ đã không còn để thân nhân gần gũi sở hữu các tài sản và tiền bạc, mà chuyển cho bạn bè, các đối tác bí mật và tình nhân. Đây là những đối tượng không cần phải kê khai chính thức, vì vậy không được các cơ quan chống tham nhũng điều tra và kẽ hở này của pháp luật đã bị những đối tượng tham nhũng lợi dụng và quyết định của Tòa án Hiến pháp đã có tác dụng lấp lại kẽ hở này.
Báo Thanh tra (15-11) cho biết, đã có 12 trọng tài và quan chức bị bắt vì tội tham nhũng trong bóng đá Bosnia. Họ đang phải đối mặt với các cáo buộc: Hối lộ, tội phạm có tổ chức và lạm dụng chức vụ quyền hạn. Vụ bê bối được bung ra khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) gia tăng các hoạt động chống tham nhũng và can thiệp vào kết quả các trận đấu, diễn ra từ đầu mùa giải. UEFA đã nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng một nền bóng đá liêm chính như là một nội dung quan trọng trong chiến lược chung của UEFA cho đến năm 2024. Liên đoàn Bóng đá Bosnia khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ trong công tác điều tra; đồng thời nhấn mạnh, vụ việc đã gây thiệt hại không thể đo lường được.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ bảy.
- Ban Bí thư thi hành kỷ luật tập thể, cá nhân có vi phạm tại tỉnh Khánh Hòa.
- Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Thành ủy Cần Thơ.
- Khởi tố Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Thápvề hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG