Điểm báo tuần số 339 Từ ngày 28-10 đến ngày 02-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 04/11/2019, 14:15 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Sức khỏe và Đời sống, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, VietnamNet, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28-10) tiếp tục đăng tải các nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đây là hai dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp này. Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015…
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (28-10) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, chấn chỉnh việc đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan rà soát trên các trang mạng xã hội nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có hành vi giới thiệu mua bán, trao đổi các loại giấy tờ nêu trên (kể cả đối với hành vi làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2019. Thời gian qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng tin, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cung cấp, trao đổi, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ (ngoại ngữ, tin học, giấy khám sức khỏe…) và trao đổi, làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp. Đây là các hoạt động vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Công Thương, Hải Quan, Sức khỏe và Đời sống, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30-10) đăng tải các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh, trật tự, như: lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai, tình trạng lừa đảo qua in-tơ-nét, mạng viễn thông gia tăng qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng... Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên. Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Ðồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, Đài THVN (31-10) cho biết, Bộ Công an tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính; kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân năm 2019 và quán triệt nội dung cơ bản của nhiệm vụ triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong Công an nhân dân. Kết quả đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng trong cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương ở mức cao (82,91%). Trong đó, 10 địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đạt kết quả xuất sắc, 68 đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt, 21 đơn vị, địa phương đạt kết quả khá và 11 đơn vị ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Mức độ hài lòng chung về sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân ở mức cao (86,69%); trong đó, có những đơn vị, địa phương như Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Phú Thọ đạt tối đa là 100%...Kết quả này cho thấy, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành Công an đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra của Chính phủ. Điều đó cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và sự nỗ lực của thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2019 đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên rõ rệt.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (01-11) đồng loạt đưa tin về Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT). Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung: (1) Về kết quả giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Sóc Trăng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức, cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai; thực hiện dự án đầu tư và mua sắm tài sản công. Qua giám sát, UBKT Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên được giám sát nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, yêu cầu UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Hưng Yên, Nam Định tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai; dự án đầu tư và mua sắm tài sản công. (2) Về kết quả kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Hòa Bình, Kon Tum, Kiên Giang, Hậu Giang. Qua kiểm tra, UBKT Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy các tỉnh nêu trên rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong công tác này. UBKT Trung ương quyết định xem xét lại việc thi hành kỷ luật một số trường hợp tại các tỉnh Hòa Bình, Kon Tum chưa tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của Đảng. (3) Thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 39 của UBKT Trung ương. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Ngọc Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015. UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Petrolimex Singapore; cảnh cáo đối với đồng chí Trần Văn Thịnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc; khiển trách đối với đồng chí Trần Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. (4) Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Trình Văn Thống bằng hình thức cảnh cáo do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Cục trưởng An ninh, Đồng chí đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản về đơn vị nghiệp vụ không đúng quy định, vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. (5) Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN (01-10) cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 159 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 159 của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nhiều công việc, khá toàn diện, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159 của Bộ Chính trị khóa XI, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Chính trị thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi, bổ sung…. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án và các dự thảo quy định, quyết định, ký ban hành để tổ chức thực hiện.
Toàn cảnh cuộc họp |
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Nhà báo và Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN (02-11) đưa tin, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp (Chỉ thị số 39). Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, từ năm 2009 đến tháng 6-2019, thực hiện định hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và trên cơ sở các định hướng, nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật được xác định tại Chỉ thị số 39, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ký kết 37 điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Việt Nam với các nước trên thế giới. Đồng thời đàm phán, phê duyệt và triển khai thực hiện khoảng 366 chương trình, dự án, phi dự án với vốn cam kết hỗ trợ hàng triệu USD trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu chuyên gia, khảo sát thực tiễn hoặc cung cấp trang thiết bị làm việc... Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tinh thần chủ đạo của Chỉ thị số 39 là nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế nhưng phải có sự lựa chọn, sàng lọc, vận dụng phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện hợp tác quốc tế.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (28-10) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 06 bị can, gồm: Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng Giám đốc; Dương Thị Trâm Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Thu Trang, nguyên Phó phòng Đầu tư và Quản lý đấu thầu, cùng công tác tại Tổng công ty Cửu Long; Tạ Đức Minh, Phạm Tấn Hoàng và Đinh Thị Chung, cùng là nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, bị khởi tố về tội: “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng khởi tố 03 bị can, gồm: Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là “Út trọc”); Phạm Văn Diệt, Giám đốc điều hành và Vũ Thị Hoan, Tổng Giám đốc, cùng công tác tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, về tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Ba bị can nêu trên đang bị tạm giam trong vụ án khác. Hiện, C03 đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Báo Pháp luật Việt Nam, Công lý, Công an TP. Đà Nẵng, Đấu thầu, Dân trí (29-10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Phong, công chức tài chính kế toán của UBND xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, về tội danh “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2017, Phong đã có hành vi chỉnh sửa biên lai thu tiền, viết biên lai thu tiền (liên 3) thấp hơn số tiền thực tế để chiếm đoạt của Nhà nước là hơn 959 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Phong đã sử dụng cho cá nhân. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Văn Phong 9 năm 6 tháng tù.
Báo Thanh Hóa, Lao Động, Công lý, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN (31-10) theo nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã khởi tố, bắt bi can để tạm giam đối với ông Vi Du Lịch, bác sĩ, Trưởng khoa Nam 1; ông Phan Văn Giỏi, bác sĩ, Trưởng khoa Nam 2 và bà Đinh Thị Thu Hồng , bác sĩ, Trưởng khoa Nữ, đều công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa. Cho tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú với hai điều dưỡng Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Phương. Theo nguồn tin, 05 y, bác sĩ nói trên bị bắt tạm giam vì tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Nhóm đối tượng này đã câu kết, ăn chặn thuốc Bảo hiểm y tế của bệnh nhân với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra làm rõ.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (31-10) thông tin về Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 18, khóa X đã bỏ phiếu kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Phạm Văn Sáng, nguyên Tỉnh ủy viên, Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Đồng Nai. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận, trong thời gian giữ các chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai, đồng chí Sáng đã lãnh đạo, điều hành công tác thẩm định, xét duyệt, triển khai, thực hiện sai quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước tại ba dự án. Cũng theo kết luận, đồng chí Sáng đã vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức đánh giá quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, quản lý và sử dụng trang thiết bị máy móc, tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng đất trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh; tùy tiện ký một số quyết định thành lập đoàn kiểm tra; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định sai phạm của đồng chí Phạm Văn Sáng là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, để nhiều cán bộ đảng viên tại đơn vị bị xử lý kỷ luật. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hồ sơ để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Lao Động, Đại đoàn kết, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (31-10) cho biết, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về tội "Nhận hối lộ", gồm: Lê Mạnh Hà, Trưởng đoàn thanh tra; Nguyễn Hưng, Dương Văn Bằng và Nguyễn Quý Diễn, đều là thành viên Đoàn thanh tra và bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng Đoàn thanh tra. Trước đó, qua tin báo tố giác tội phạm của nhân dân, chiều 18/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang nhận tiền của đối tượng bị thanh tra trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa sau đó đã lần lượt bắt giữ 3 giám đốc doanh nghiệp để điều tra tội "Đưa hối lộ".
TIN QUỐC TẾ
Báo Tiền Phong (28-10) cho biết, Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc ra thông báo: Ủy ban Giám sát quốc gia đã kết thúc điều tra vụ án Tần Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam có dấu hiệu nhận hối lộ, chuyển giao cho Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc khởi tố. Tòa án đã ra quyết định bắt giữ, các bước tiếp theo của vụ án đang được xử lý. Trước đó, tháng 5/2019, Tần Quang Vinh đã chủ động tìm đến cơ quan chức năng đầu thú vì vi phạm kỷ luật và pháp luật; đến ngày 26/9/2019 thì Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thông báo ông ta đã bị khai trừ đảng.
Báo Thanh tra (31-10) đưa tin, Shakib Al Hasan, Đội trưởng Đội tuyển Cricket Bangladesh đã bị cấm thi đấu trong 2 năm vì bị phát hiện vi phạm Luật Chống tham nhũng của Hội đồng Cricket Quốc tế (ICC). ICC cho biết, cầu thủ ngôi sao Shakib, đã chấp nhận 3 cáo buộc về không báo cáo việc mình được “gạ gẫm” tham gia vào các hành vi tham nhũng, trong loạt 3 trận đấu giữa Bangladesh, Sri Lanka và Zimbabwe vào tháng 1/2018 và trong trận đấu tại Giải Ngoại hạng Ấn Độ năm 2018 giữa Sunrisers Hyderabad và Kings XI Punjab.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.
- Thông báo về Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.
- Khai trừ khỏi Đảng nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai.
- Đề nghị truy tố 05 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về tội "Nhận hối lộ".
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG