Bộ Xây dựng: Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Năm, 21/03/2024, 04:16 [GMT+7]
Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 154/QĐ-BXD, ngày 07/3/2024) về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.
Theo đó, Bộ Xây dựng xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong cơ quan, đơn vị; Bộ yêu cầu triển khai đồng bộ, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
Theo Kế hoạch, Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng sự tự giác trong công chức, viên chức, người lao động về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường đưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các hướng dẫn, quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các chuẩn mực đạo đức, lối sống vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo, trong các chương trình bồi dưỡng, tập huấn; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quan tâm giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành thể chế, quy định của Nhà nước nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, không phù hợp thực tiễn của thể chế quản lý trong lĩnh vực xây dựng hiện nay nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng cơ chế, chính sách. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tác động của pháp luật, chính sách trong thực tiễn thi hành; đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật đảm bảo kịp thời. Thực hiện đúng chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án; trong đó, tập trung: Hoàn thành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; thực hiện các kiến nghị của 03 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kèm theo Báo cáo số 350-BC/BNCTW, ngày 07/02/2024 của Ban Nội chính Trung ương về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật, bao gồm: Thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ công chức, viên chức, người lao động; bố trí, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị và các nội dung khác theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao nhận thức, trách nhiệm giám sát của công chức, viên chức, người lao động về minh bạch tài sản, thu nhập.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực đối với các đơn vị trực thuộc Bộ. Trọng tâm là công tác cán bộ; mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản công; các dự án đầu tư, mua sắm từ tài sản nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra. Rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại trong kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
Tăng cường phối hợp với cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; chuyển Cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực thuộc thẩm quyền hoặc thông tin phản ánh tố cáo về tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời với việc kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác giám định, định giá tài sản các vụ án, vụ việc theo phân công; nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá tài sản phục vụ phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thực hiện các kế hoạch, chỉ thị, văn bản của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ về công tác giám định tư pháp.
Hương Giang