Hòa Bình: Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thứ Ba, 14/03/2023, 06:50 [GMT+7]
UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra (TT, KT) doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc cho các lực lượng có chức năng TT, KT chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của sở, ngành, địa phương mình về mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, phương thức, nguyên tắc hoạt động TT, KT và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ TT, KT nói chung; TT, KT doanh nghiệp nói riêng.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành nắm bắt tình hình sản xuất tại Công ty Cap Global - KCN Lương Sơn (ảnh minh họa Báo Hòa Bình) |
Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch TT, KT theo đúng nội dung đã được phê duyệt, tránh trùng lặp, chồng chéo trong TT, KT đối với doanh nghiệp. Chỉ đạo Chánh Thanh tra cùng cấp phải làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình, kế hoạch TT, KT của các cơ quan thuộc quyền quản lý của sở, ngành và của huyện, thành phố; loại bỏ sự trùng lặp về nội dung, thời điểm, đối tượng TT, KT ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch TT, KT để triển khai các cuộc thanh tra đã được phê duyệt; không lợi dụng, lạm dụng việc TT, KT để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Gửi các quyết định TT, KT về Thanh tra tỉnh sau 5 ngày triển khai cuộc TT, KT để theo dõi, rà soát, xử lý trùng lặp; khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra phải có văn bản gửi Thanh tra tỉnh xem xét xử lý và cho ý kiến trước khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra. Trong quá trình TT, KT phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung, quy trình, thời hạn tiến hành thanh tra, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Sau TT, KT theo dõi, đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước.
Cùng với đó, không tiến hành TT, KT quá một lần tại một doanh nghiệp trong một năm trừ trường hợp thanh tra lại hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và kiểm tra theo quy định việc thực hiện kết luận thanh tra. Khi kết thúc TT, KT tại doanh nghiệp phải có biên bản, kết luận TT, KT bằng văn bản về nội dung đã được thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc TT, KT đột xuất tại doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao. Cơ quan tiến hành TT, KT đột xuất tại doanh nghiệp phải ban hành quyết định TT, KT và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải báo cáo Thủ trưởng cùng cấp và Thanh tra tỉnh biết, chỉ đạo. Không tùy tiện mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định TT, KT đột xuất; kết luận TT, KT phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.
Đoàn Cần