Quảng Ngãi: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc

Thứ Tư, 01/02/2023, 06:49 [GMT+7]
    Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 12/01/2023 để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. 
 
    Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ”và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các giải pháp phòng, ngừa được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là việc xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác cán bộ; chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về PCTN, TC chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về PCTN, TC chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo
    Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chưa thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra nội bộ nên tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp vì vụ lợi của một số cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền vẫn còn xảy ra làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của chính quyền. 
 
    Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn và với tinh thần"không có vùng cấm, không có ngoại lệ", làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
 
    1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương; Luật Phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp tục rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế pháp lý, quy định, quy trình, quy chế công tác nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực tại các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công, có chức năng giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. 
 
    2.Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân, trọng tâm là tiếp tục quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trịvề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvà các Kết luận của Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao ý thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vì vụ lợi, để cho mọi người thấy hậu quả to lớn của nó, đó là: làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước bị giảm sút, là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ;làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền đến người dân ý thức về tuân thủ pháp luật, tích cực lên án, tố giác hành vi tham nhũng, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, người dân kiên quyết không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp sức" cho hành vi tham nhũng, không để tham nhũng "lây lan".
 
    3.Cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống "tham nhũng vặt" của cơ quan, đơn vị mình, phải coi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài. Cơ quan, đơn vị nào để tình trạng "tham nhũng vặt" diễn biến phức tạp, có dư luận xấu thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể "tham nhũng".Thường xuyên rà soát và đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, nhất là ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng;thường xuyên giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Coi công tác phòng, chống 'tham nhũng vặt" là một trong những tiêu chí đánh giá công tác cán bộ hàng năm.
 
    4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, nhất là các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các lĩnh vực, địa bàn, vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng thực hiện có hiệu quả giải pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, theo hướng giảm thiểu và minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp dịch vụ công. Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để sai sót nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo nguyên tắc "có vụ việc, có dư luận thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng".
 
    5. Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố giác, cung cấp thông tin về các hành vi “tham nhũng vặt”; Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, đưa tin phản ánh những hành vi tham nhũng ra công luận, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống "tham nhũng vặt".
Phan Thành Long
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi)
.