Điểm báo tuần số 506 từ ngày 16/01 đến ngày 29/01 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 30/01/2023, 14:54 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (17/01) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đồng chí chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định. Các báo (18/01) đưa tin, tại kỳ họp bất thường lần thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.
 
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh)
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh)
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (19/01) đưa tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Lê Minh Khái ký các quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành, Đỗ Tiến Đông và KPă Thuyên; miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Văn Thành, để nhận nhiệm vụ mới. Ông Phạm Văn Thành từng bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm và chịu trách nhiệm người đứng đầu đối với vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19.
 
    Tại Quyết định 1104/QĐ-TTg ngày 20/9/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thành do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật về Đảng; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng, thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 787-QĐ/UBKTTW ngày 9/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật Đảng; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng, thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 784-QĐ/UBKTTW ngày 9/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật Đảng.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (19/01) cho biết, Công an tỉnh Bắc Giang vừa triệt phá đường dây cá độ bóng đá trên mạng Internet với số tiền giao dịch 2.500 tỷ đồng, bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 23 đối tượng để điều tra, xử lý về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”. Quá trình điều tra xác định nhóm đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây cá độ bóng đá nói trên gồm: Nguyễn Văn Tình, Dương Văn Đức và Dương Trung Hiếu cùng trú tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Đình Đồng và Nguyễn Văn Hoan cùng trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 5/2022 đến khi bị bắt giữ, với vai trò là chủ tài khoản cá độ bóng đá cấp đại lý, nhóm đối tượng trên đã chia cắt và bán tài khoản cho các con bạc tham gia cá cược trên trang Web “bong88.com” tại những giải bóng đá như: Ngoại hạng Anh, Champion Leager, AFF Cup, nhất là trong thời gian diễn ra vòng chung kết bóng đá thế giới (Worldcup 2022) với tổng lượng tiền đánh bạc lên tới 2.500 tỷ đồng.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (26/01) dẫn nguồn tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong 07 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người, bị thương 111 người; giảm 12 vụ (7,32%) so với cùng kỳ Tết năm 2022. Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 50,4 tỷ đồng; tạm giữ 639 xe ô tô, 9.910 xe mô tô; 50 phương tiện khác; tước 4.950 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn đã xử lý 7.726 trường hợp, vi phạm về ma túy 17 trường hợp. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm đạt cao như: TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định, Cà Mau…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/01) cho biết, Công an thành phố Thái Bình đã phát hiện đường dây lừa đảo sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ nước ta để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô đặc biệt lớn. Các đối tượng giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam liên lạc với bị hại, thông báo bị hại bị giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo. Sau đó, các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt. Từ tháng 11/2022 đến hết ngày 31/12/2022, đường dây lừa đảo trên đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Lao động, Công an nhân dân, VietNamNet, Dân Việt, VietNamPlus, VietNamNet, Hà Nội mới và một số báo (16/01) dẫn nguồn tin cho biết, qua mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đường giao thông nối xã Zuôih huyện Nam Giang, huyện Tây Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam thêm một giám đốc hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, Xa Văn Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông thôn An Trung bị bắt tạm giam 4 tháng. Liên quan đến vụ án này, trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành bắt tạm giam 3 đối tượng, gồm: Thái Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Nam Giang; Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn giám sát Bách Khoa và Phạm Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Du lịch ICT. Theo Cơ quan điều tra, hành vi sai phạm của các đối tượng tại dự án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (16/01) đưa tin, sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên án sơ thẩm vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, gồm: Đỗ Chí Thành, nguyên Giám đốc 15 năm 06 tháng tù giam; 02 nguyên Phó Giám đốc: Lê Xuân Lộc 09 năm tù giam và Phùng Tuấn Dương 03 năm tù cho hưởng án treo. Hai bị cáo: Trần Xuân Long, nguyên Chánh Văn phòng kiêm Kế toán 15 năm 06 tháng tù giam và Lê Quốc Cường, nguyên Trưởng phòng An ninh 02 năm 06 tháng tù giam về tội danh “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Phú Thịnh (Taxi Vàng) 07 năm tù giam; Nguyễn Tiến Đường, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần taxi Thành Công Huế 07 năm tù giam; Lý Diệu Thanh, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Hoàng Phú Thịnh 03 năm tù treo và Trần Đình Hải, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Phú Thịnh 02 năm 06 tháng tù treo về tội danh “Đưa hối lộ”.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/01) thông tin, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công an vừa khởi tố bị can, khám xét và bắt tạm giam 02 Phó Giám đốc và một số nhân viên của bệnh viện này. Các bị can gồm: Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Thị Ngọc đều là Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức. Cùng bị bắt có Đặng Thị Hiên, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán và một chuyên viên phòng vật tư thiết bị. Các bị can bị bắt để điều tra do có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm. Kết quả điều tra xác định: Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi đã thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Trung Kiên và Lê Thanh An, nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; luật sư Bùi Thị Hồng Giang; Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt; Hà Duy Tuấn, lao động tự do, trú tại tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Ngọc Triệu, cựu ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đã thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Kết quả điều tra ban đầu xác định 06 bị can trên đã có hành vi nhận tiền để “chạy án” cho Nguyễn Minh Quân - trước thời điểm vụ án nâng giá thiết bị tại bệnh viện này bị khởi tố.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (16/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 2601D, 2603D tỉnh Sơn La. Theo điều tra, từ năm 2020 đến nay, một số cán bộ của 2 Trung tâm Đăng kiểm này đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện trong việc hoán cải xe ô-tô sau đó chuyển một phần tiền nhận hối lộ cho một số cá nhân tại Cục Đăng kiểm đường bộ Việt Nam. Các báo (17/01) tiếp tục đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình quyết định khởi tố hình sự về tội nhận hối lộ và quyết định khởi tố, tạm giam 10 bị can tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S tỉnh Hòa Bình. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2022, mỗi ngày Trung tâm Đăng kiểm này thu của các chủ phương tiện số tiền từ 4 đến 10 triệu đồng, cuối ngày đăng kiểm viên sẽ nộp lại toàn bộ số tiền cho Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm. Cân đối chi tiêu trong tháng, Trịnh Thành Công, Giám đốc Trung tâm và Trần Thu Hường, Phó Giám đốc được hưởng 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng; Trưởng phòng, Phó phòng Kiểm định, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ hồ sơ, Phòng Tổ chức, Phòng Kế hoạch và các nhân viên, kiểm định viên được hưởng từ 5 triệu đến 13 triệu đồng/tháng… Các báo (19/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc, lệnh bắt trong trường hợp khẩn cấp đối với Dương Đình Nam, chủ ga ra ô tô Phương Nam cùng 4 cán bộ thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-02D, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định về hành vi “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ”. Bước đầu Công an tỉnh Nam Định xác định: Thông qua việc sửa chữa xe ô tô, Nam đã nhận tiền của chủ các xe vi phạm cơi nới thành, thùng xe trái phép, sau đó câu kết, thỏa thuận với cán bộ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới để bỏ qua lỗi vi phạm khi đăng kiểm xe. Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (17/01) dẫn nguồn tin cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố bị can đối với nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình về hành vi “Nhận hối lộ”. Cùng bị bắt với ông Hình còn có 4 thuộc cấp khác. Đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của hơn 80 bị can về các tội “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác”. Trong đó, phần lớn các bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và các đối tượng môi giới. Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm đã chi hàng trăm triệu đồng hàng tháng, hàng quý cho lãnh đạo Phòng Đăng kiểm xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện các sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Zingnews.vn (20/01), Pháp luật Việt Nam, Dân sinh (22/01) tiếp tục thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 23 đối tượng liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D, phường Tân Biên và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60.05D, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Các đối tượng bị bắt tạm giam gồm các Giám đốc, Phó Giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm về hành vi “Nhận hối lộ”; 02 đối tượng là nhân viên Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn 3T, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang, cùng 02 “cò” đăng kiểm về hành vi” Đưa hối lộ”. Bước đầu xác định, từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022, Đăng kiểm viên và nhân viên Đăng kiểm của Trung tâm đăng kiểm 60-04D đã nhận số tiền hối lộ hàng chục tỷ đồng; riêng Lương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 60-04D thừa nhận đã nhận số tiền hối lộ khoảng hơn 3 tỷ đồng.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (17/01) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan và 08 đồng phạm về những sai phạm trong đấu giá đất tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là vụ án sai phạm trong quá trình đấu giá quyền sử dụng khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong vụ án này, 09 bị can bị đánh giá là thực hiện sai phạm một cách có hệ thống, sai phạm từ quá trình thẩm định, ban hành chứng thư định giá đất đến quá trình tham gia đấu giá.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và một số báo (18/01) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm về những sai phạm trong đấu thầu. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luận: Hành vi của Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại tổng số tiền 53,6 tỷ đồng.
 
    VietNamnet (23/01) thông tin, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời phóng viên báo liên quan đến những áp lực, khó khăn khi điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động dự báo, nhận diện sớm, vào cuộc nhanh, phát hiện, chứng minh làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, đã thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng; kiến nghị các cơ quan liên quan có biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên; xác minh, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Tuy nhiên, công tác điều tra các vụ án tham nhũng thời gian qua cũng xuất hiện một số khó khăn, như: Đối tượng đấu tranh của tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, có tầm ảnh hưởng đến xã hội, nhân dân khó tiếp cận, phát hiện. Đa số các vụ án thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng có thời gian hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức, tinh vi, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra. Các vụ án thường có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh, số lượng bị can và đối tượng liên quan lớn. Để vượt qua những trở ngại trên, trong quá trình điều tra các vụ án, chứng minh tội phạm và các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an tuân thủ nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thượng tôn pháp luật”, luôn thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao nhất, không ngại khó khăn, gian khổ; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý điểm để cảnh tỉnh, răn đe chung. 
 
    Báo Người Lao động (28/01) thông tin, năm 2022, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 2 vụ án gây chấn động dư luận là: Vụ Công ty Alibaba lừa đảo bán “dự án ma” và vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong. Đại án Công ty Alibaba có 23 bị cáo. Sau 20 ngày đưa ra xét xử, Tòa án xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba là chủ mưu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, bị cáo Võ Thị Thanh Mai, vợ Luyện, vừa đồng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với Luyện, vừa là chủ mưu tội “Rửa tiền”. Đây là đại án chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng, bởi “sở hữu” nhiều con số kỷ lục như: Có gần 5.000 người tham gia tố tụng (trong đó có hơn 4.000 người là bị hại), có hơn 1 triệu bút lục… Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Luyện tù chung thân; các đồng phạm chịu mức án từ 10-20 năm tù.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (16/01) cho biết, Nhật báo Cyprus Mail vừa đăng tải bài viết của Leslie G Manison - một nhà kinh tế và phân tích tài chính, nguyên chuyên gia kinh tế cấp cao tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, nguyên cố vấn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Síp. Theo ông Manison, khảo sát của Eurobarometer thực hiện hồi tháng 7/2022 cho thấy, 94% số người được hỏi cho rằng tham nhũng đang tràn lan ở Síp và các đảng chính trị được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tình trạng lạm dụng quyền lực. Bên cạnh đó, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy, so với 26 quốc gia Liên minh châu Âu khác và 180 quốc gia trên thế giới nói chung, Síp được coi là có chiều hướng tham nhũng hơn trong thập kỷ qua. Trong số 180 quốc gia, Síp được xếp hạng 52 vào năm 2021, giảm mạnh từ vị trí thứ 29 vào năm 2012 và có thứ hạng kém hơn 20 quốc gia EU khác.Tương tự, theo các chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới, “việc kiểm soát tham nhũng” ở Síp đã dần xấu đi kể từ năm 2012…
 
    Báo Thanh tra (25/01) thông tin, một loạt vụ từ chức, sa thải và bổ nhiệm lại ở Ukraine trong hai ngày 23, 24/01, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các nhà lãnh đạo khác của Chính phủ xác nhận việc thay đổi các vị trí cấp cao. Nhiều trong số các quan chức đã từ chức hoặc bị cách chức liên quan đến cáo buộc tham nhũng. Ukraine có lịch sử về tham nhũng, quản lý lỏng lẻo. Một quan chức của Nội các Ukraine đã thông báo với Quốc hội nước này rằng, họ đã cách chức 06 thứ trưởng và 05 nhà quản lý khu vực. Trong số các quan chức bị cách chức, từ chức có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Viacheslav Shapovalov - đã nộp đơn từ chức một ngày sau khi có thông tin cáo buộc cơ quan của ông tham nhũng. Cáo buộc cho rằng, ông Shapovalov sử dụng quỹ của Bộ Quốc phòng để mua thực phẩm và quần áo chiến thuật mùa đông với giá cao hơn thị trường. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này… 
 
    Báo Thanh tra (29/01) cho biết, lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Hàn Quốc Lee Jae-myung đã đưa ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc tham nhũng liên quan đến một dự án phát triển bất động sản sau khi ông xuất hiện trước các công tố viên để thẩm vấn. Ông Lee xuất hiện tại Văn phòng Công tố quận Trung tâm Seoul vào ngày 28/01 để trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án phát triển bất động sản đầy tham nhũng ở thành phố Seongnam, phía Nam Seoul. Dự án được thúc đẩy khi ông Lee còn là Thị trưởng Seongnam. Vụ việc tập trung vào các cáo buộc cho rằng, một công ty quản lý bất động sản tư nhân, Hwacheon Daeyu, được phép hưởng khoảng 404 tỷ won (328,7 triệu USD) lợi nhuận từ dự án phát triển ở Daejang-dong, thành phố Seongnam, nhờ các thỏa thuận đáng ngờ được cho là do Thị trưởng Lee khi đó phê duyệt. Ông Lee bị nghi ngờ vi phạm lòng tin trong quá trình này. Ông Lee đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông đã tiết lộ thông tin nội bộ về dự án phát triển hoặc phê duyệt dự án theo cách có lợi cho các nhà phát triển tư nhân.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 
 
    - Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ và nghỉ hưu;
    - Miễn nhiệm và thi hành kỷ luật một số lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Đồng Tháp và Gia Lai;
    - Khởi tố nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và hàng loạt cán bộ, nhân viên các Trung tâm đăng kiểm tại Sơn La, Nam Định, Hòa Bình, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.