Lai Châu: Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023

Thứ Ba, 31/01/2023, 06:19 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh lai Châu vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023.
 
    Mục đích của Kế hoạch là tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
    Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…
 
Một cuộc họp của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh lai Châu
Một cuộc họp của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
    Nội dung của Kế hoạch bao gồm: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đồng bộ các giải pháp ngừa tham nhũng, tiêu cực; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định củ a pháp luật; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. (2) Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho phù hợp với điều kiện thực tế. (3) Thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các đơn vị: Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, quản lý đất đai, đấu thầu, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức... (4) Công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực: Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra của đơn vị; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan hành vi tham nhũng, tiêu cực; công tác điều tra, truy tố, xét xử. (5) Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức mình; có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định; đồng thời xác định rõ trách nhiệm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị. (6) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh giao thủ trưởng các đơn vị căn cứ kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình phụ trách, trong đó, chú trọng việc chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 và việc kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
                                                                            Văn Hiếu
.