Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh họp Phiên thứ ba
Thứ Tư, 15/02/2023, 09:29 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức phiên họp thứ ba dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và thảo luận một số nội dung năm 2023.
Tại Phiên họp, các đồng chí thành viên ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Quảng Ninh được triển khai đồng bộ, bài bản theo chiều hướng tích cực, thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực, nhất là các vụ việc, vụ án liên quan tới cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án kinh tế, chức vụ được tăng cường. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, về kinh tế, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả.
Toàn cảnh Phiên họp |
Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Quảng Ninh đã sớm ban hành Kế hoạch số 145-KH/TU ngày 3/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống tham nhũng tiêu cực 2022”; Chỉ thị số 23 ngày 10/2/2022 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; đồng thời quyết liệt chỉ đạo, khắc phục hậu quả và thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực theo quy định của Đảng được thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp. Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả. Số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được xử lý từ công tác phát hiện, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tăng hơn so với trước.
Ban Chỉ đạo, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động nền nếp, bài bản, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong các cơ quan, địa phương, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ban Chỉ đạo tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua đó đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ; góp phần giữ được địa bàn ổn định, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã trên địa bàn tỉnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Ban Chỉ đạo xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở trong việc chỉ đạo, triển khai các quy định của pháp luật, của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập và cả khu vực ngoài nhà nước. (2) Tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng điểm, trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, dư luận xã hội quan tâm như quy hoạch, xây dựng, tài chính, tài sản công, đấu giá, đấu thầu, giám định, định giá, tổ chức cán bộ và các địa bàn đang phát triển, cũng như có cơ hội phát triển lớn. (3) Triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản các vụ án, vụ việc đã được phát hiện, nhất là các vụ án, vụ việc đã đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo, của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. (4) Tập trung khắc phục dứt điểm các hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng của cả Trung ương và của tỉnh; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội. (5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Quỳnh Trang