Banner

Bộ Y tế: Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Năm, 24/12/2020, 08:43 [GMT+7]
    Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế thực hiện việc công khai dự toán và quyết toán về tài chính và xây dựng cơ bản, các dự án hỗ trợ, viện trợ, mua sắm, sử dụng trang thiết làm việc, phương tiện đi lại, công khai quản lý sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản khác trong cơ quan đến toàn thể cán bộ, công chức đơn vị mình; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ công chức về ý thức phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 
 
    Các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế đã xây dựng và thường xuyên tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị mình; quan tâm công tác cải cách hành chính; triển khai các hoạt động theo cơ chế một cửa; công khai các thủ tục, lệ phí theo quy định của nhà nước; Bộ Y tế đã tiến hành triển khai việc rà soát chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Y tế.
 
Ngành Y tế không ngừng cải cách thủ tục hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
Ngành Y tế không ngừng cải cách thủ tục hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
    Lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ Y tế thường xuyên quan tâm chú trọng công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn để áp dụng trong ngành hướng tới sự phù hợp các quy định hiện hành của pháp luật. 
 
    Bộ Y tế đã chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản, đồng thời tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời một số quy định mang tính chất đặc thù của ngành liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế làm cơ sở để xây dựng giá, thanh toán với bảo hiểm xã hội; Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BYT ngày 15/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp. 
 
    Bộ Y tế tiếp tục triển khai, kiện toàn, hoàn thiện "đường dây nóng" số 1900-1995 theo Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng và trở thành kênh giám sát có hiệu quả của ngành y tế. Để tiếp nhận thông tin phản ánh qua người dân, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BYT quy định về hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai đặt hòm thư góp ý, xử lý kịp thời ý kiến phản ánh của người dân thông qua hòm thư góp ý theo quy định. 
 
    Bộ Y tế triển khai hệ thống quản lý đường dây nóng ngành Y tế, những phản ánh đúng của người dân về những tiêu cực đối với nhân viên ngành y tế đã được xử lý nghiêm, cụ thể: có 26.719 cán bộ y tế bị nhắc nhở, cho nghỉ việc: 22 đối tượng, điều chuyển sang bộ phận khác: 86 đối tượng, khiển trách: 350 đối tượng, cắt thi đua: 456 đối tượng, cách chức: 13 đối tượng.
 
    Thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ... Kết hợp thực hiện cơ chế thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý với luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 
 
    Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 08/11/2017 quy định tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn sự nghiệp y tế và Quyết định số 5168/QĐ-BYT ngày 14/11/2017 quy định tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và Tổng cục thuộc Bộ Y tế. 

    Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện. Bộ đã ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đầy đủ, chi tiết gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ đã được triển khai đầy đủ và đạt được nhiều kết quả góp phần phòng ngừa hiệu hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính được Bộ Y tế ban hành có chất lượng tốt, kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Bộ. 

    Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao công khai, minh bạch và tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7719/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1480/QĐ-BYT ngày 22/04/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
 
    Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Bộ Y tế đã hoàn thành việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế thay thế Nghị định số 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Bộ Y tế đã giảm mạnh chỉ còn 59 phòng trong các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ (giảm 38 phòng so với trước đây), đồng thời đáp nhập 02 Tạp chí trước đây thành 01 Tạp chí Y dược học. Bộ Y tế đang triển khai việc xây dựng các quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế.
 
    Bộ Y tế đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện công tác minh bạch tài sản, thu nhập của các đối tượng theo quy định Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/07/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

    Việc kê khai tài sản, thu nhập chủ yếu là việc quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo, chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai. 
 
    Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, gồm đa ngành, đa lĩnh vực. Ngành Y tế là một ngành đặc thù, mang lại sức khỏe cho người dân, tài sản quý nhất của mỗi con người, cho nên, một số công chức, viên chức, người lao động trong ngành dễ có tâm lý "ban ơn”, dễ phát sinh tâm lý đòi hỏi người bệnh, người dân phải "cảm ơn" mình, từ đó có thể dễ xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh, người dân, doanh nghiệp. 
                                                                                              Lê Hiếu
.
.