Bộ Tài chính: Chú trọng tham mưu, xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 23/12/2020, 17:14 [GMT+7]
    Từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ, xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng và liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
 
    Tham gia với Thanh tra Chính phủ: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016 (Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 về Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN đến năm 2020. Thực hiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005 (Lãnh đạo Bộ Tài chính là thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, Bộ Tài chính chủ trì tổng kết về xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công, gắn với kết quả thực hiện Luật THTKCLP). Xây dựng, thực hiện dự án Luật PCTN năm 2018 (Lãnh đạo Bộ Tài chính tham gia Ban soạn thảo và cử công chức tham gia tổ biên tập) và tham gia xây dựng các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. 
 
Một Hội thảo của Bộ Tài chính
Một Hội thảo của Bộ Tài chính
    Tham gia với Ban Nội chính Trung ương thực hiện các Đề án: Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí qua 30 năm đổi mới, trình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị (năm 2014); Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Ba (khóa X) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, trình Ban Chỉ đạo tổng kết (năm 2016). Trong đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính là thành viên các Ban Chỉ đạo tổng kết; Bộ Tài chính chủ trì nội dung tổng kết về công tác THTKCLP; cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo tổng kết. 
 
    Tham gia thực hiện 03 nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ tổng kết, đánh giá thực hiện chiến lược 2011-2020 và xây dựng Chiến lược 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025, theo phân công của tổ biên tập của tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
 
    Tham dự đầy đủ và tích cực đóng góp ý kiến, tham luận tại các hội nghị, hội thảo về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương tổ chức. 
Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 16 luật, 19 nghị quyết của Quốc hội, 10 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 187 nghị định, 88 quyết định, góp phần tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước, phục vụ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
    Một số điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tài chính, như: Luật THTKCLP năm 2013 (thay thế Luật THTKCLP năm 2005) góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác THTKCLP trên các lĩnh vực Kinh tế - Xã hội. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, giúp quản lý, giám sát chặt chẽ vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản không đúng mục tiêu, đầu tư dàn trải. Luật Hải quan sửa đổi năm 2014 đã tạo ra những đột phá, thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế, hải quan, tăng cường hiệu quả, hiện đại hóa thu NSNN, bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế; chống buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng, tiêu cực. Luật NSNN năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tài sản công, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho phát triển Kinh tế - Xã. Luật Quản lý thuế năm 2019 với những quy định cụ thể về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Luật Chứng khoán năm 2019, có quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán. Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 15/08?2019 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến các dự án theo loại hình này trong thời gian qua…
                                                                                   Hồng Hải
.