Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong ngành Tài chính
Thứ Ba, 23/06/2020, 16:58 [GMT+7]
Từ năm 2013 đến 31/3/2020, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn 62 chuyên đề cho 706 lượt công chức của Thanh tra Bộ, tập huấn 38 chuyên đề cho 3.436 lượt công chức ngành Tài chính, trong đó đã đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Chính phủ, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch của Bộ Tài chính liên quan đến việc xây dựng đề cương, kế hoạch thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng trong các cuộc thanh tra hàng năm... Thanh tra Bộ đã đưa việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào tiêu chuẩn đánh giá bình xét thi đua của công chức, viên chức thanh tra và là tiêu chí đánh giá nhận xét, kiểm điểm đảng viên, cấp ủy, tổ chức Đảng hàng năm.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hoạt động công vụ tại Bộ Tài chính |
Để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, từ năm 2013 đến 31/3/2020 đã thực hiện luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và điều động đối với 96 công chức thuộc Thanh tra Bộ Tài chính. Từ năm 2013 đến nay, tại cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính không có trường hợp người đứng đầu các bộ phận bị xem xét, kỷ luật về thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai, thực hiện và lưu hành 282 kết luận thanh tra, kiểm tra (gồm 5 cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, 51 cuộc thanh tra hành chính tại các đơn vị trực thuộc Bộ, còn lại là các cuộc thanh tra chuyên ngành), cử 7 lượt cán bộ tham gia giám định tư pháp phục vụ công tác điều tra, xét xử các vụ án vi phạm về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách và cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, lĩnh vực; yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy trình quy chế của ngành, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
trong ngành Tài chính. Tính từ năm 2013 đến hết quí I/2020, Thanh tra Bộ Tài chính đã xem xét, trình Bộ Tài chính giải quyết 64 vụ việc khiếu nại và 54 vụ việc tố cáo.
Qua công tác xác minh, giải quyết đơn tố cáo, phần lớn các vụ việc là tố cáo sai hoặc tố cáo đúng một phần. Không có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra Bộ Tài chính. Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, nhất là về kiểm soát tài sản - thu nhập; thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước; việc xử lý kỷ luật... để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đúng quy định. Đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/3/2003 quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, trong đó đề nghị hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện từ chức, miễn nhiệm... nhằm bảo đảm đồng bộ và phù hợp với các quy định của Đảng trong công tác quản lý cán bộ (như: Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…
Hồng Hải