Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại tỉnh Thái Bình

Chủ Nhật, 05/01/2020, 12:33 [GMT+7]
    Ngày 04/01/2020, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 9 tháng năm 2019. Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.
 
    Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh .
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 9 tháng năm 2019 cho thấy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thái Bình đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; ban hành Quy định số 29-QĐ/TU về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; Quy chế về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong tiếp dân, đối thoại, xử lý phản ánh, kiến nghị; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW, Quy định số 205-QĐ/TW, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt”…
 
    Nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan công quyền; đã kiểm tra việc công khai, minh bạch tại 346 cơ quan, đơn vị; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; đã triển khai 107 cuộc kiểm tra về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kiến nghị thu hồi hơn 2 tỷ đồng và xử lý 23 trường hợp vi phạm; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 124 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra đã xử lý kỷ luật 10 công chức, viên chức vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ.
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị
    Xây dựng, ban hành nhiều văn bản về cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”; triển khai chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đưa vào khai thác hoạt động  tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Cổng dịch vụ trực tuyến; 100% các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành 07 cuộc kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng; ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận của Đoàn công tác số 2 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
    Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; đã có 19 trường hợp người đứng đầu, cấp phó bị xử lý về Đảng, chính quyền liên quan đến tham nhũng; qua kiểm tra, thi hành kỷ luật và giải quyết tố cáo, kết luận 44 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; đã thi hành kỷ luật đối với 44 đảng viên; trong đó có 12 đảng viên có liên quan đến tham nhũng. 
 
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
    Ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 387 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành. Qua công tác thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế hơn 50 tỷ đồng; qua công tác giải quyết đơn thư phản ánh, tố cáo về tham nhũng và qua thanh tra giải quyết tố cáo đã chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra. Năm 2018 và 9 tháng năm 2019, đã phát hiệu 11 vụ việc về tham nhũng, khởi tố 08 vụ án/13 bị can; đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 04 vụ án/06 bị cáo, trong đó có 03 bị cáo là đảng viên; thu hồi được 1,46 tỷ/10 tỷ đồng bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
 
    Kết quả công tác phát hiện, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
    Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong việc xây dựng thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công khai, minh bạch một số lĩnh vực ở một vài cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức; thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn thấp; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
 
    Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm rõ thêm một số kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng mà tỉnh Thái Bình đã làm được trong thời gian qua. Đặc biệt, từ sau khi thực hiện cải cách hành chính, áp dụng việc giải quyết các thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”: Tiếp nhận tại chỗ, thẩm định tại chỗ, phê duyệt tại chỗ, đóng dấu tại chỗ và trả kết quả tại chỗ, đã phát huy tốt những mặt tích cực, hạn chế đáng kể tình trạng “tham nhũng vặt”, được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao, thiết thực cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư của tỉnh Thái Bình. Trong 5 năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã thường xuyên kiểm tra, giám sát 5 lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao: Công tác cán bộ, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, khoáng sản để chủ động phát hiện và xử lý sai phạm. Qua đó, đã góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, hoàn thành các mục tiêu mà tỉnh đề ra.
 
    Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua. Qua làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương, Đoàn công tác nhận thấy các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như tham nhũng đã từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. 
 
    Đồng chí Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh, các ngành, các cấp của tỉnh Thái Bình không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; tiếp tục động viên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, báo chí và người dân tham gia phòng, chống tham nhũng.
 
    Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn chặt với công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tăng cường hơn nữa và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan chức năng; chuẩn bị thật tốt công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, phải chú trọng công tác nhân sự, kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi đội ngũ, không để bỏ sót những người có đức có tài để bổ sung vào bộ máy.
Cù Tất Dũng

 

.