Ban Nội chính Trung ương: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020
Thứ Hai, 06/01/2020, 17:05 [GMT+7]
Ngày 06/01/2020, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí đại diện bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí bí thư, phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy và cán bộ, công chức của 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cùng lãnh đạo cơ quan nội chính các tỉnh ủy, thành ủy dự Hội nghị qua các điểm cầu trực tuyến.
Theo Báo cáo, năm 2019, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương và các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan nội chính ở Trung ương và địa phương, ngành Nội chính Đảng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Ban Nội chính Trung ương hoàn thành 08 Đề án lớn, trên cơ sở đó trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 02 Quyết định, 01 Quy định, 01 Chỉ thị, 03 Kết luận, 01 Hướng dẫn để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính, PCTN và CCTP; hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, nhiệm vụ, giải pháp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ 2021-2025”, chắt lọc những nội dung cốt lõi đề xuất đưa vào Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng...
Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm năm 2019; chuẩn bị chu đáo, chất lượng nội dung, phục vụ các Phiên họp, Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 110 (Ban Chỉ đạo liên ngành); chủ trì, phối hợp tham mưu, phục vụ 16 Đoàn công tác của các Thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 41 cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị |
Ngành Nội chính Đảng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu hiệu quả với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 110 chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 17 vụ án, 32 vụ việc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức và tham dự 22 cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án.
Nhờ những nỗ lực, trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Vinashin; Vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á; Vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, công tác tham mưu, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo đó, đã có 595 vụ việc, vụ án được đưa vào diện ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, đôn đốc; 481 vụ việc, vụ án được đưa vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, trong đó đã xử lý dứt điểm 224 vụ việc, vụ án.
Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức 05 đoàn khảo sát tại 12 cấp ủy, tổ chức đảng; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại 91 cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với ủy ban kiểm tra tham mưu, giúp các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 972 cuộc kiểm tra, giám sát; rà soát 7.989 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; chủ trì tổ chức 695 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Ban Nội chính Trung ương thẩm định, tham gia ý kiến đối với 28 dự án luật, 46 đề án, văn bản quan trọng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề nghị của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Công tác thẩm định và tham gia ý kiến về công tác cán bộ được thực hiện trách nhiệm, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày Báo cáo tại Hội nghị |
Ngành Nội chính Đảng đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, thành phố. Công tác phối hợp với các ngành, các cấp được tăng cường, mở rộng...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, chúc mừng kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng. Đồng chí nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, đồng chí lưu ý: (1) Ngành Nội chính tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, trước mắt là phục vụ cho chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp. Nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản thuộc lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp; tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của nhà nước để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, công khai, minh bạch, cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh PCTN, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; (2) Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh PCTN; phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”; tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng; (3) Nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTN và CCTP; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN: “chống tham nhũng, trước hết trong các cơ quan có chức năng PCTN”; chống lạm quyền trong hoạt động tư pháp; tăng cường theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; (4) Phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại theo tinh thần Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp.... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ; giải quyết tận gốc của vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc khiếu kiện làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng; (5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thật sự liêm chính, trong sạch, bản lĩnh; thực hiện tốt Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; tham mưu kiện toàn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 04 của Ban Bí thư; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, hiểu biết các lĩnh vực, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP; phải thật sự liêm chính, vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niêm tin yêu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đặng Phước