Thứ Ba, 3/12/2024, 2:0 [GMT + 7]
.
.

Trao đổi kinh nghiệm lập pháp hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức

Thứ Năm, 09/10/2014, 14:52 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 08-10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình hợp tác về đối thoại nhà nước pháp quyền với Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Konrad Adennauer Stiftung (Viện KAS) tổ chức buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm lập pháp hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức về một số chế định của luật hình sự phục vụ xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia tham gia xây dựng Bộ Luật hình sự (sửa đổi), đại diện Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội và một số cán bộ, chuyên viên của Bộ Tư pháp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.
Về phía Cộng hòa Liên bang Đức có Giáo sư Jorg Menzel, chuyên gia Quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức; Bà Rabea Brauer, Trưởng Văn phòng Đại diện Viện KAS tại Hà Nội.
 Tại buổi Tọa đàm, Giáo sư Jorg Menzel chia sẻ kinh nghiệm lập pháp của Đức về quy định loại trừ trách nhiệm hình sự các hình phạt không tước tự do, tổ chức tội phạm, các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và tội phạm tham nhũng. 
Theo đó, liên quan đến cải tạo không giam giữ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, hình phạt không tước quyền tự do gồm: phạt tiền, giam giữ tại nhà, cấm lái xem, không được làm ở cơ quan công quyền, không được đi ứng cử… Và trên thực tế, phạt tiền áp dụng tới trên 70%. Tuy nhiên, các chuyên gia hình sự ở Đức cũng đang xem xét việc áp dụng hình phạt tiền có đảm bảo sự công bằng hay không đối với những người nghèo khi họ không có tiền trả tiền phạt thì sẽ phải ngồi tù. Ngoài ra, biện pháp giam giữ tại nhà cũng đang được thử nghiệm bởi biện pháp này có ưu thế là vừa tạo cơ hội cho người phạm tội không bị cách ly khỏi xã hội, được sống cùng gia đình cũng như tiết kiệm chi phí cho nhà nước. 
  Đối với tội phạm tham nhũng, theo Giáo sư Jorg Menzel, đây là vấn đề nóng ở Đức. Hệ thống pháp luật Cộng hòa liên bang Đức cũng đã quy định một số tội tham nhũng trong Luật hình sự như tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ và tiêu chí đầu tiên của tội nhận hối lộ phải là công chức nhà nước. 
Kết thúc buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, những kinh nghiệm này sẽ là thông tin quý báu để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện Bộ luật hình sự trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Hương
;
.