Thứ Ba, 26/11/2024, 16:33 [GMT + 7]
.
.

Bắc Ninh: Nâng cao chất lượng hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh

Thứ Tư, 13/08/2014, 09:47 [GMT+7]
Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của tỉnh Bắc Ninh gồm 35 người, trong đó 08 có trình độ đại học Luật và 27 người có trình độ khác. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ pháp chế đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Sở, ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp ý dự thảo văn bản, rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thực thi pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ngành.  
Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tỉnh Bắc Ninh
Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tỉnh Bắc Ninh
Đội ngũ cán bộ pháp chế trong các doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu đề xuất cho doanh nghiệp triển khai thực hiện pháp luật trong doanh nghiệp, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động, tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với các hợp đồng, văn bản liên quan và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, trong các Sở, ngành mới bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, không có đơn vị nào thành lập Tổ chức pháp chế. Cán bộ làm công tác pháp chế của tỉnh đều là kiêm nhiệm. Tại các doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế cũng hoạt động kiêm nhiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Công tác pháp chế rất nặng nề, phức tạp nhưng cán bộ pháp chế chưa được hưởng phụ cấp hoặc chính sách hỗ trợ khác. Đối với cán bộ trực tiếp thực hiện nghiệp vụ xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật...mặc dù đã có văn bản quy định về kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, nhưng trong thực tế việc hỗ trợ còn nhiều khó khăn, chưa thực sự khuyến khích trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Cán bộ làm công tác pháp chế tại các đơn vị không ổn định, công tác kiêm nhiệm nên khi thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, thay đổi, sắp xếp cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế cũng thay đổi.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án thành lập các tổ chức pháp chế các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Theo đó, sẽ thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở, gồm: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế. Các Sở, ngành còn lại, gồm: Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp bố trí ít nhất mỗi đơn vị 02 cán bộ pháp chế chuyên trách. 
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu việc điều động, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ pháp chế phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ. Đối với tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chế độ chính sách đối với người làm công tác pháp chế thực hiện theo quy định hiện hành. Kinh phí hoạt động nằm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải bảo đảm các điều kiện hoạt động cần thiết cho tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế thuộc cơ quan, đơn vị mình như: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, kinh phí. Đối với tổ chức pháp chế thuộc doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật lao động, bảo hiểm... Các doanh nghiệp Nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế của Doanh nghiệp.
Vũ Lan
(Báo Nhân dân)
;
.