Thứ Bẩy, 23/11/2024, 13:21 [GMT + 7]
.
.

Kiểm soát "xung đột lợi ích" trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần phòng ngừa tham nhũng

Thứ Hai, 23/02/2015, 01:21 [GMT+7]
    1. Quan niệm về “xung đột lợi ích”
 
    “Xung đột lợi ích” là thuật ngữ được sử dụng quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới đối với Việt Nam. Đến nay, ở Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc một công trình nghiên cứu toàn diện nào đề cập đến khái niệm “xung đột lợi ích”. Do đó, nhận thức về vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, “xung đột lợi ích” có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống mà chúng ta dễ gặp phải. Ví dụ: Việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tuyển dụng nhân sự mà những người thân, quen, thậm chí là vợ, con người đó lại chính là đối tượng dự tuyển và trúng tuyển. Một người phụ trách việc mua sắm hàng hóa cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng doanh nghiệp được chọn thầu cung cấp hàng hóa lại thuộc sở hữu của vợ, con người đó. Hoặc một bác sỹ khi làm việc trong bệnh viện công đã không nỗ lực khám, chữa bệnh cho người bệnh mà lại gợi ý để người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoài giờ tại phòng khám tư nhân mà mình làm việc... Ở Việt Nam, pháp luật về PCTN mới chỉ quy định hành vi tham nhũng trong khu vực công, liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn thì cách hiểu về “xung đột lợi ích” hiện nay thường cũng chỉ với ý nghĩa là “tình huống trong đó cán bộ, công chức, viên chức có thể hưởng lợi cá nhân từ một quyết định đưa ra trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình”.
 
Đồng chí Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ
    2. Quy định của Luật pCtn về những tình huống “xung đột lợi ích”
 
    “Xung đột lợi ích” có thể tiềm ẩn hành vi tham nhũng bởi trong một tình huống “xung đột lợi ích” cụ thể, nếu người có chức vụ, quyền hạn đã quyết định hành động hoặc không hành động trái với chức trách, nhiệm vụ của mình để qua đó cá nhân mình hoặc người thân của mình được hưởng lợi ích thì đó chính là hành vi tham nhũng. Vì vậy, pháp luật về PCTN đã có nhiều quy định để ngăn chặn, kiểm soát các tình huống “xung đột lợi ích” nhằm phòng ngừa tham nhũng, mặc dù không sử dụng thuật ngữ “xung đột lợi ích”. Điển hình là một số quy định như sau(1):
 
    Một là, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Đây là quy định rất quan trọng trong số những quy định nhằm kiểm soát tình huống “xung đột lợi ích”. Việc cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức đó khi phát sinh những vấn đề liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tặng tiền, quà. Đây cũng là vấn đề đang rất bức xúc hiện nay, khi mà tình trạng quà cáp, biếu xén, thậm chí là hối lộ trá hình đang diễn ra nghiêm trọng. 
    
    Hai là, cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực
hiện việc quản lý nhà nước; không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Xét dưới góc độ kiểm soát “xung đột lợi ích” thì việc quy định các nội dung nêu trên là điều hết sức cần thiết. Nếu để cán bộ, công chức, viên chức tự do kinh doanh, người đó trước hết sẽ rất khó có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức có những lợi thế gắn với quyền hạn của mình, nhất là lợi thế về thông tin trong hoạt động quản lý hoặc thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu được tự do kinh doanh, thành lập các tổ chức kinh tế tư nhân hoặc góp vốn vào các tổ chức đó hoặc người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý, thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ rất dễ lạm quyền hoặc lợi dụng ảnh hưởng, lợi dụng lợi thế có được từ vị trí công tác để phục vụ lợi ích của tổ chức kinh tế đó vì kết quả hoạt động của nó gắn chặt với lợi ích riêng của bản thân và gia đình mình.
 
    Ba là, cán bộ, công chức, viên chức không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết. Cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có thể được tiếp cận với các thông tin về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh của các tổ chức kinh tế, thậm chí là bí mật cá nhân của công dân; có thể biết trước thông tin về những chính sách đang trong quá trình hoạch định, xây dựng hoặc biết sớm những kế hoạch, quy hoạch đang chuẩn bị được Nhà nước phê duyệt. Do đó, nếu không quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì rất dễ gây lọt thông tin mật và khó kiểm soát được tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí của mình để khai thác, sử dụng hoặc cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân khác để thu lợi.
 
    Bốn là, cán bộ, công chức, viên chức không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định. Cán bộ, công chức sau khi thôi giữ chức vụ có thể có nhu cầu hoạt động kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh phù hợp nhất thường là lĩnh vực mà người đó từng quản lý, bởi sau nhiều năm quản lý, người đó có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hiểu biết, thậm chí là có những thông tin chiến lược, dài hạn về định hướng quản lý, phát triển của ngành, lĩnh vực đó. Việc quy định cán bộ, công chức, viên chức không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định có tác dụng hạn chế việc cán bộ, công chức, viên chức khi còn đương chức sẽ lợi dụng vị trí của mình để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh của cá nhân mình sau này, trong đó có cả những biểu hiện tiêu cực như ưu ái cho doanh nghiệp mà sau này mình dự định tham gia quản lý hoặc góp vốn; thu thập, nắm giữ
những thông tin mật để phục vụ cho cá nhân mình trong hoạt động kinh doanh sau này…
 
    Năm là, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc,
Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó. Một vấn đề rất thực tế trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hiện nay là người đứng đầu có người thân như vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột… công tác trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cũng đã có những vụ việc tham nhũng bị phát hiện trong đó người đứng đầu tạo dựng một ê-kíp cán bộ chủ chốt làm việc theo kiểu gia đình, vừa dễ bề chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vừa hạn chế được các cơ chế giám sát, kiểm tra, phản biện trong cơ quan, tổ chức đơn vị. Để phòng ngừa tình trạng trên thì việc quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ một số chức vụ quan trọng liên quan đến quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị, quản lý tiền, tài sản là hết sức cần thiết.
 
    Sáu là, cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình. Tương tự như việc quy định cán bộ, công chức, viên chức không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp thì trong doanh nghiệp nhà nước, cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng không được phép ký kết hợp đồng hoặc cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình. Quy định này nhằm bảo đảm cho các hoạt động kinh tế quan trọng của doanh nghiệp được thực hiện một cách khách quan. Cán bộ quản lý doanh nghiệp không vì quan hệ gia đình mà tạo điều kiện cho người thân được ưu ái thông qua những hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp. Mặt khác, điều đó cũng bảo đảm cho các hợp đồng kinh tế được thực hiện nghiêm túc hơn, chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ và khách quan hơn.
 
    3. Thực trạng “xung đột lợi ích” trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
 
    Ở nước ta hiện nay, ngoài Luật PCTN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật PCTN thì còn có một số luật khác cũng có những quy định liên quan đến kiểm soát “xung đột lợi ích” như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu… Tuy nhiên, do không có cơ chế phối hợp đa ngành, liên ngành nên thực trạng “xung đột lợi ích” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là nội dung khó theo dõi, đánh giá một cách toàn diện. Mặc dù vậy, cũng đã có một số hoạt động nghiên cứu có liên quan hoặc thông qua phản ánh của báo chí, truyền thông đã cho thấy phần nào của thực trạng này:
 
    Kết quả khảo sát bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp(2) đối với 1.801 cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của một số tiêu chí trong công tác tuyển dụng và đề bạt cán bộ trong cơ quan, đơn vị cho thấy, phần lớn số người trả lời đã cho rằng năng lực và thành tích là hai yếu tố chính trong tuyển dụng và đề bạt cán bộ. Nhưng, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ (từ 12,4%-15,9%) cán bộ, công chức đồng ý rằng có quan hệ thân quen (gia đình, bạn bè…) là yếu tố quan trọng trong tuyển dụng và đề bạt công chức (xem hình 1, 2 sau đây): Cũng trong khảo sát nêu trên, khi hỏi ý kiến nhận định của 2.601 người dân, 1.801 cán bộ, công chức, viên chức và 1.058 lãnh đạo doanh nghiệp về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng hiện nay thì kết quả cho thấy có một nguyên nhân rất quan trọng liên quan đến việc kiểm soát “xung đột lợi ích”, đó là tình trạng “cán bộ nhận tiền, quà biếu liên quan đến công vụ đã trở thành thói quen” với tỷ lệ đồng ý của 76% số người dân được hỏi; 57% số cán bộ, công chức và 83% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi. 
 
    Nghiên cứu của Viện Khoa học Thanh tra và Công ty T&C Consulting - Một số vấn đề ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực cấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà năm 2010 đã chỉ ra rằng khi hộ gia đình thuê đơn vị trung gian, tư vấn giúp họ đăng ký quyền sử dụng đất thì có 51% hộ gia đình trả tiền thuê chính cán bộ địa chính trên địa bàn của mình.  
 
    Cũng báo cáo đó cho biết, 15,6% cán bộ địa chính thừa nhận rằng họ giúp bên môi giới cho dịch vụ “trọn gói” và 19% giúp cho “dịch vụ lấy nhanh”. Vừa qua, một số cơ quan báo chí, truyền thông nước ta cũng đã đề cập đến trường hợp một vị cán bộ nguyên là Bộ trưởng tham gia Hội đồng quản trị của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của Bộ đó. Sau đó, vị này đã phải rút khỏi Hội đồng quản trị của Công ty(3).
 
    4. Kiến nghị
 
    Các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân. Theo tác giả bài viết, để kiểm soát “xung đột lợi ích”, góp phần phòng ngừa có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trước hết các cơ quan chức năng cần phải tổ chức việc nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến “xung đột lợi ích” và thực trạng kiểm soát “xung đột lợi ích” hiện nay; tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về “xung đột lợi ích”; phải có phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành trong kiểm soát “xung đột lợi ích”; chú trọng tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế phù hợp để áp dụng cho Việt Nam.
(1) Điều 37 và Điều 40 Luật PCTN số  55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13.
(2) Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức (nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới), Nxb CTQG, H.2012.
(3) http://vneconomy.vn/thoi-su/deo-ca-sua-saiong-ho-nghia-dung-rut-khoi-hoi-dong-quan-tri-20140924102947193.htm
Ngô Mạnh Hùng 
(Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ)
;
.