Án oan và giải pháp phòng ngừa
Chủ Nhật, 22/02/2015, 02:13 [GMT+7]
Phòng, chống oan sai là một chủ trương quan trọng, nhất quán của Đảng ta đặt ra cho công tác tư pháp. Yêu cầu phòng, chống oan sai luôn đặt ra đồng thời với yêu cầu chống để lọt tội phạm. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” nhấn mạnh: Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; đồng thời, là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa”; coi việc “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các cơ quan tư pháp trong những năm qua đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, đồng thời đáp ứng yêu cầu không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là vẫn còn xảy ra một số vụ án oan, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Có thể kể ra đây một số vụ án oan, như: Vụ Nhiên - Tỏ ở tỉnh Hậu Giang, vụ Nguyễn Sỹ Lý ở tỉnh Nghệ An… và gần đây là vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, còn một số vụ án mặc dù đã xét xử, bản án đã có hiệu lực nhưng người bị kết án đang có nhiều đơn thư khiếu nại, kêu oan và đã bị kháng nghị yêu cầu hủy án, điều tra lại, như: Vụ Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang), vụ Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận), vụ Vũ Ngọc Dương (thành phố Hà Nội) v.v… Nhìn chung, phần lớn các vụ án oan nêu trên là các vụ án về tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe (có thể kèm theo là tội phạm hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản…). Chứng cứ để xác định việc bị “oan” là rất rõ ràng như: Người bị coi là chết đã trở về, có người khác nhận tội thay cho người bị kết án…
Việc xác định người bị kết án bị oan chỉ xảy ra sau một thời gian dài kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Những vụ án “oan” trong các lĩnh vực tội phạm khác như tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm sở hữu… xuất hiện không nhiều (tuy số đơn kêu oan không phải là ít). Những điều nêu trên đặt ra vấn đề tại các vụ án oan, đó là: Vụ án phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục tố tụng; qua nhiều cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra, truy tố, xét xử; giữa các cơ quan này đều có các quyền hạn để thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm soát lẫn nhau; việc xét xử các bị cáo này đều diễn ra công khai, có người bào chữa tham gia… nhưng tại sao vẫn bị oan? Những nguyên nhân khách quan và chủ quan nào trong việc để xảy ra oan?
Việc người vô tội bị oan phải được nhìn nhận là một hiện tượng xã hội - pháp lý, do đó để xảy ra việc người vô tội bị oan đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan, trước hết và quan trọng là ở phương diện quy định của pháp luật. Nguyên nhân chủ quan, cần xem xét ở góc độ người tiến hành tố tụng và bản thân người bị oan cũng như người tham gia tố tụng khác. Trong mối quan hệ với nhau, dù cân, đong, đo, đếm như thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân trực tiếp, quyết định tới việc để làm oan người vô tội. Xét về nguyên nhân khách quan, trước hết cần nhìn nhận có một thực trạng hiện nay là trên phương diện quy định của pháp luật và thực thi pháp luật, có nhiều quy định của pháp luật đã không được thi hành nghiêm túc. Đơn cử một số dạng như sau:
Mặc dù có quy định về thời hạn tố tụng cho mỗi giai đoạn nhưng vẫn có nhiều vụ án kéo dài, vi phạm thời hạn; mặc dù đã có quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn có nhiều vụ án điều tra không đúng thẩm quyền; có nhiều vụ án khi Viện kiểm sát đã đưa ra các yêu cầu điều tra nhưng một số cơ quan điều tra không thực hiện; nhiều vụ án chỉ có lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không có chứng cứ khác để đối chứng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng để buộc tội; pháp luật quy định Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp sau khi xét xử để bảo đảm quyền kiểm sát bản án, quyết định việc kháng nghị nhưng nhiều tòa án các cấp không tuân thủ v.v… Để xảy ra tình trạng này, bởi vì pháp luật khi quy định như trên nhưng không kèm theo các chế tài, không quy định rõ hậu quả pháp lý của các vi phạm này đối với việc giải quyết vụ án. Chúng tôi cho rằng cần có các quy định pháp luật nêu rõ hậu quả pháp lý của các vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án, nhất là vi phạm về thủ tục tố tụng, vi phạm trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Quá trình giải quyết vụ án “oan” cũng như bất cứ vụ án nào, điều quan trọng đầu tiên là các cơ quan tố tụng phải thu thập được đầy đủ bằng chứng (chứng cứ) để xác định có sự việc phạm tội xảy ra, có người và đúng là người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, diễn biến của quá trình phạm tội, hậu quả của tội phạm v.v… Việc thu thập chứng cứ phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Những chứng cứ nào thu thập được bằng các biện pháp, thủ tục trái pháp luật thì phải bị coi là không có giá trị pháp lý.
Chính vì hiện nay pháp luật không có quy định về loại trừ những loại chứng cứ nào không có giá trị pháp lý, không được sử dụng để chứng minh về tội phạm nên dẫn đến tình trạng việc sử dụng, đánh giá chứng cứ không nhất quán, không nghiêm. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan có thể dẫn đến việc làm oan. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị pháp luật tố tụng hình sự cần khẳng định mạnh mẽ hơn giá trị chứng minh của chứng cứ, coi chứng cứ là phương tiện duy nhất để chứng minh; nếu không đầy đủ chứng cứ để chứng minh thì phải coi là chưa có đủ cơ sở buộc tội. Mặt khác, phải có quy định loại trừ những tài liệu, biên bản chứa đựng chứng cứ nhưng việc thu thập, kiểm tra, bảo quản có vi phạm pháp luật. Những chứng cứ có vi phạm pháp luật thì không có giá trị chứng minh tội phạm. Trước hết, những quy định về việc loại trừ chứng cứ cần được bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới, dần dần tiến đến việc xây dựng riêng một đạo luật về chứng cứ.
Việc “làm oan người vô tội” xét trên phương diện quy định của pháp luật, chúng tôi cho rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò của người bào chữa ngay từ những giai đoạn đầu, những thủ tục tố tụng đầu tiên. Trong cơ chế pháp luật hiện hành, việc điều tra tội phạm được kiểm sát bởi cơ quan Viện kiểm sát. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của người bào chữa. Theo lôgíc thông thường, bất cứ hoạt động tố tụng nào mà có sự tham gia của nhiều “bên” với chức năng giám sát lẫn nhau sẽ có khả năng mang tính khách quan cao hơn. Như nhận xét ở đầu bài viết này, việc “bị oan” xảy ra lâu nay chủ yếu trong quá trình giải quyết các vụ án về tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người. Một thực tế cần phải thừa nhận là: Trong các vụ án “làm oan người vô tội”, vai trò của người bào chữa chưa được khẳng định đúng mức. Người bào chữa chưa được tham gia đầy đủ ngay từ đầu quá trình tố tụng. Các ý kiến bào chữa chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm đúng mức. Điều này có nguyên nhân từ quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và 82 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ (Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự); việc tham gia của người bào chữa là do bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ mời, ngoại trừ một số trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phải mời người bào chữa (quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự).
Tuy nhiên, quy định nêu trên trước hết có ý nghĩa xác định “quyền và nghĩa vụ” của người bào chữa. Tuy về mặt lý luận thì quyền của người bào chữa đồng thời là trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng do không có quy định mang tính bảo đảm thực hiện nên các quy định trên đã không được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Khi bị bắt, bị triệu tập đến để lấy lời khai, bị tạm giữ, không phải người nào cũng hiểu biết về quyền hạn của mình là có quyền mời người bào chữa; và khi đã bị giữ rồi thì cũng không biết làm thế nào để có thể mời người bào chữa. Ngoài ra, ngay cả trong các trường hợp cơ quan tố tụng phải mời bào chữa thì quy định này cũng chưa thể hiện rõ vai trò của người bào chữa. Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự quy định có 03 trường hợp cơ quan tố tụng phải mời người bào chữa (bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất và người phạm tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình). Có một thực tế là khi khởi tố, điều tra có nhiều trường hợp chưa thể xác định ngay bị can phạm tội theo khung khoản nào, có mức hình phạt cao nhất là tử hình hay không, do vậy chưa xác định được ngay đây có phải là trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa hay không? Hơn nữa, quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự không đồng nghĩa với việc người bào chữa được tham gia (bắt buộc phải tham gia) ngay từ đầu quá trình giải quyết vụ án. Cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, việc người bào chữa được quyền, có nghĩa vụ cũng như việc cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm sự có mặt của người bào
chữa ngay từ những hoạt động tố tụng đầu tiên của việc giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về tội phạm “giết người” là rất cần thiết. Để khắc phục tình trạng “án oan”, chúng tôi cho rằng cần quy định bảo đảm sự tham gia của người bào chữa ngay từ những hoạt động tố tụng đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án, nhất là đối với những vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người (ngoại trừ một số vụ án về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đòi hỏi có những yêu cầu đặc thù riêng).
Pháp luật tố tụng hình sự cần có quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ có quyền yêu cầu có người bào chữa, có người đại diện hợp pháp cho mình; khi đó cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm mời người bào chữa cho người bị bắt, bị khởi tố và chỉ khi yêu cầu này của họ được đáp ứng thì họ mới có quyền khai báo. Đây chính là một khía cạnh của nguyên tắc về “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Trong những trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ hoặc bị khởi tố có yêu cầu người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp thì biên bản, tài liệu phản ánh về vụ án do Cơ quan điều tra thu thập ngay từ thời điểm đầu tiên của quá trình tố tụng, bắt buộc phải có mặt và có ký xác nhận của người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp. Về quan điểm này, chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối vì cho rằng nếu làm như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh, điều tra tội phạm. Tuy nhiên, không thể vì lý do khó khăn mà chúng ta hạn chế quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm mà với nó, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế việc làm oan người vô tội.
Một vấn đề tiếp theo cần có sự thay đổi căn bản trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đó là quán triệt tư tưởng, tinh thần của các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp có liên quan đến việc hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Bản chất của biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng biện pháp tạm giam chỉ trong những trường hợp cần thiết nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng; ngăn chặn bị can, bị cáo có thể tiếp tục phạm tội (Điều 79, 88 Bộ luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần nêu trên. Các quy định về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam còn chung chung, tạo ra một khoảng rộng lớn cho sự “vận dụng” của các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Trên thực tế, quy định về trường hợp “Có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội” (Điều 88) là rất chung chung, rất dễ tạo ra sự “tùy nghi” khi áp dụng. Và một thực tế là có nhiều vụ án, bị can bị bắt quả tang, vật chứng thu giữ quả tang, sau khi bị bắt đã có lời khai khá đầy đủ; người bị bắt, bị can có nơi cư trú rõ ràng, nhiều người phạm tội lần đầu và tội phạm cũng chỉ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhưng Cơ quan điều tra vẫn đề nghị và Viện kiểm sát vẫn phê chuẩn tạm giam. Trong các trường hợp trên, tính cần thiết hay không cần thiết phải tạm giam bị can là không rõ ràng nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn lựa chọn phương án tạm giam cho “an toàn”, vì trên phương diện áp lực tâm lý, nếu để các đối tượng trên tại ngoại, “lỡ” họ phạm tội mới hoặc bỏ trốn thì sẽ rất khó khăn. Hiện nay, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, có ý kiến còn đề nghị mở rộng hơn các trường hợp có thể tạm giam với bị can, bị cáo.
Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ, thận trọng. Bên cạnh đó, cần quan tâm và đánh giá lại quan niệm về người bị tạm giam, từ đó có chế độ tạm giam phù hợp. Cần xem xét và đánh giá lại chế độ tạm giam, chế độ quản lý giam giữ đã phù hợp hay chưa? Có hay không có một nhận thức (sai lầm) của cơ quan và người tiến hành tố tụng là lấy biện pháp tạm giam để thay thế biện pháp điều tra? Có hay không sự cần thiết phải thay đổi chế độ quản lý hệ thống các trại giam, tách việc quản lý các trại giam khỏi hệ thống Cơ quan điều tra để bảo đảm sự khách quan.
Ths. Nguyễn Nông
(Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội)
;