Thứ Hai, 25/11/2024, 19:25 [GMT + 7]
.
.

Góp phần hoàn thiện quy định về Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001

Thứ Bảy, 01/02/2014, 01:46 [GMT+7]
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với 3 chức năng cơ bản là lập hiến và lập pháp; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước và quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Qua thực tiễn thi hành Luật, kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa XI, XII và hiện nay là khóa XIII đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể:
 
Trong thực hiện quyền lập hiến, lập pháp: Hệ thống pháp luật tiếp tục được được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. số lượng luật do Quốc hội ban hành tăng rõ rệt, giảm dần việc ban hành pháp lệnh, nghị quyết có nội dung quy phạm pháp luật. Các luật được ban hành có chất lượng ngày càng tốt hơn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn kinh tế - xã hội. Quy trình lập pháp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường chất lượng, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 với nhiều điểm mới đã tạo thêm những điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội.
 
Việc thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ sau khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội được ban hành năm 2003. Hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, đạt hiệu quả cao hơn. Các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát chủ động, tích cực, nề nếp theo chương trình, kế hoạch, hiệu quả được nâng cao. Cách thức tổ chức giám sát theo hướng tăng cường giám sát tối cao, xem xét báo cáo của Chính phủ kết hợp với giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở; vừa thực hiện giám sát thường xuyên, vừa thực hiện giám sát chuyên đề. Tại các kỳ họp, cùng với giám sát tối cao qua việc xem xét các báo cáo của cơ quan, cá nhân theo quy định, Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát theo chuyên đề, tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng.
 
Trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội luôn đề cao vai trò, trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù họp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chức năng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được tăng cường sau khi một số văn bản quan trọng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Luật ngân sách nhà nước năm 2002, Luật hoạt động giám sát năm 2003, Luật kiểm toán nhà nước năm 2005,... Các quyết định về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước vì thế cụ thể, toàn diện hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hợp lý, bảo đảm các cân đối vĩ mô, cân đối ngân sách nhà nước.
 
Với thẩm quyền được xác định trong luật, phương châm chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, tăng cường hiệu quả hoạt động ngoại giao nghị viện, Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và họp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, đóng góp tích cực vào hoạt động chung tại các diễn đàn, chủ động đề xuất sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức liên nghị viện.
 
Tổ chức của Quốc hội tiếp tục được củng cố, tăng cường nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2007. Việc tăng cường các úy ban chuyên môn của Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội hoạt động có hiệu quả hơn. Qua các nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu Quốc hội ngày càng hợp lý hơn, số lượng đại biểu chuyên trách được tăng thêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, quy định về Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 vẫn tồn tại một số bất cập, cụ thể:
Một là, Luật quy định Quốc hội có nhiệm vụ làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, nhưng chưa quy định cụ thể về thẩm quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; quy trình Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; việc thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp... Nhiều quy định của Luật còn chung chung, chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nên chưa thể thực hiện (ví dụ quy định đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp). Quy trình lập pháp tuy được cải tiến nhưng chưa đồng bộ, việc phân công trách nhiệm của một số chủ thể tham gia quy trình chưa cụ thể, hợp lý.
 
Hai là, nhiều quy định của Luật đối với lĩnh vực hoạt động giám sát còn trùng lắp hoặc chưa thống nhất với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Trong nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật (Khoản 6 Điều 2 và Khoản 5 Điều 7) cần quy định rõ thẩm quyền "bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật" của các chủ thể liên quan, tránh nhầm lẫn với các loại văn bản khác (quyết định hành chính của Chính phủ, bản án của Tòa án). Quy định về hoạt động chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, hoạt động giải trình của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội chưa cụ thể, rõ ràng. Đối tượng, nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội còn trùng lắp với đối tượng, nội dung giám sát của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
 
Ba là, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cơ bản các quy định của Luật về thẩm quyền của Quốc hội là phù hợp. Tuy vậy, quy định thẩm quyền quyết định ngân sách chưa thống nhất với Luật ngân sách nhà nước.
 
Bốn là, tổ chức và hoạt động của Quốc hội tuy có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên nhưng còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Quốc hội chưa thực hiện một số thẩm quyền do Luật mới chỉ quy định lại những nội dung đã được quy định trong Hiến pháp, chưa cụ thể hóa, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, như: quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; quyền quyết định đại xá, quyết định việc trưng cầu ý dân...
 
Năm là, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Có thể nói hoạt động đối ngoại đã trở thành một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Quốc hội. Tuy nhiên, Luật hiện hành quy định về lĩnh vực này còn ít và mờ nhạt, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Do vậy, để thể chế hóa đúng và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, góp phần hoàn thiện các quy định về Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội bám sát các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật tổ chức Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp mới và thống nhất với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ngân sách nhà nước, Luật kiểm toán nhà nước, Nội quy kỳ họp Quốc hội...
Đồng thời, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Bổ sung thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia tại Điều 2 và điều kiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp tại Điều 12. Quy định cụ thể hóa việc Quốc hội thực hiện các thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ và ngân sách nhà nước; thẩm quyền thành lập, bãi bỏ các cơ quan nhà nước; thẩm quyền quyết định các chính sách cơ bản về đối ngoại. Bổ sung Khoản 14 Điều 2 quy định những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân và ban hành Luật trưng cầu ý dân làm cơ sở pháp lý cho việc quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân.
 
Phương Thảo
 

 

;
.