Thứ Hai, 25/11/2024, 23:50 [GMT + 7]
.
.

Lợi ích nhóm và giải pháp khắc phục

Thứ Tư, 29/01/2014, 17:17 [GMT+7]
    1. Khái niệm lợi ích nhóm
    
    Nhiều nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã có thiên hướng sở hữu riêng tư. Cái tôi luôn luôn là một phạm trù ngự trị con người. Sự dành riêng cho mình một phần vật chất riêng, một chút vinh danh riêng luôn là động lực để con người hướng tới. Làm lợi cho bản thân một cá thể luôn là một xu hướng của xã hội loài người. Tuy nhiên, trong một thời gian, đã có thời chúng ta cho rằng lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể là trên hết. Lợi ích cá nhân không được coi trọng đúng mức.
 
    Thực tế cho thấy, không thể phủ định lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân tồn tại như một thực thể khách quan. Trong một số trường hợp nhất định, lợi ích cá nhân lại là động lực để con người phấn đấu vươn tới. Tuy nhiên, nếu lợi ích cá nhân được coi là mục tiêu phấn đấu của tất cả mọi người thì tác hại của nó là rất ghê gớm, đó là chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy làm xâm hại đến lợi ích Nhà nước và lợi ích tập thể.
 
    Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp đã bán rẻ lương tâm, bán rẻ lợi ích chung để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chính vì lẽ đó, chúng ta bàn rất nhiều đến sự hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, tập thể và cá nhân. Tức là chúng ta bàn đến việc xử lý tốt mối quan hệ của ba nhóm lợi ích này. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại đồng thời của ba nhóm lợi ích: Nhà nước, tập thể và cá nhân; yêu cầu và đòi hỏi mọi người khi thực thi công việc không được để lợi ích cá nhân lấn át, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và tập thể. Hay nói cách khác cần phải xử lý hài hòa các lợi ích với góc độ là tôn trọng các loại lợi ích một cách hợp lý và hài hòa nhất. 
 
    Bàn đến lợi ích nhóm ở đây có gì khác với khái niệm ba loại lợi ích trên. Thực tế, mọi người nghe đến lợi ích nhóm mới cảm nhận mà chưa có một sự hiểu biết tường minh. Đã có nhiều nhận thức khác nhau về lợi ích nhóm. Điều này gây ra khó khăn trong việc xử lý và nhận diện lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm hiểu theo nghĩa thông thường là lợi ích của một nhóm trong hoạt động kinh tế, chính trị; lấy lợi ích của một nhóm làm trọng. Tuy nhiên, nếu lợi ích cá nhân của một nhóm người cùng mục tiêu, mục đích nhằm đạt được trong tôn trọng lợi ích Nhà nước và lợi ích của tập thể thì có lẽ không phải bàn nhiều. Lợi ích nhóm trong mối quan hệ hài hòa với các loại lợi ích khác thì không có gì phải lên án. Hay nói ở tầm cao hơn lợi ích nhóm như là lợi ích của đảng phái, mà đảng phái đó lấy mục tiêu phục vụ cái chung, phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc thì có lẽ dễ được chấp nhận.
 
    Như vậy, lợi ích nhóm mà Văn kiện Đại hội Đảng, hay dư luận lên án ở đây mang một hàm nghĩa không thuận, tức là lợi ích của một nhóm người nào đó liên kết với nhau để trục lợi, vơ vét của chung (của Nhà nước và tập thể), mưu lợi cho nhóm mình gắn kết. Nói cách khác, lợi ích nhóm là lợi ích của nhóm người móc nối (mà nền tảng ở đây chính là lợi ích cá nhân), thông đồng với nhau, lách luật, làm những điều phi pháp để trục lợi, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và của cá nhân khác.
    
    Với nhận thức đó, lợi ích nhóm trong bài viết này là lợi ích của một nhóm người (được hình thành trên cơ sở lợi ích cá nhân, mưu cầu không chính đáng) được hình thành trên nghĩa xấu (cấu kết kiếm lợi từ cái chung cho cái riêng) chứ không phải theo nghĩa của một tập thể với hàm ý tốt. Tức là, một số người lấy lợi ích không chính đáng của nhóm mình hay chính bản thân mình để hành động nhằm cầu lợi cái riêng, xâm hại đến lợi ích nhà nước và lợi ích tập thể. Và để đạt được lợi ích nhóm theo nghĩa này con người phải lợi dụng sơ hở, quyền lực; quan hệ để móc nối kiếm lợi, chà đạp lên nhân phẩm, đạo đức, chà đạp lên luật pháp, chà đạp lên mọi yếu tố đạo đức và danh dự để cầu lợi cho mình, cho nhóm mình.
 
    2. Nội hàm của lợi ích nhóm
 
    Thực tế đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có dịp để bàn một cách thấu đáo về nội hàm của lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm theo nghĩa đang hiểu của mọi người là một phạm trù xấu cần phải loại bỏ. Nội hàm của lợi ích nhóm ở đây theo nghĩa: lợi ích của một nhóm người hình thành trên cơ sở: 
    - Lợi ích cá nhân không chính đáng
    - Trục lợi, kiếm chác, tham nhũng để làm lợi cho nhóm mình
    - Xâm hại đến lợi ích Nhà nước và tập thể
    - Hành động phi pháp
    Đã nói đến lợi ích nhóm thì chúng ta cần hiểu đây là sự cấu kết, mưu cầu riêng trên cơ sở xâm hại lợi ích chung của xã hội, của Nhà nước và của tập thể. Thực tế này đang diễn ra hàng ngày thể hiện ở nhiều điểm. Đó là, các quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để móc nối, thông đồng với nhau để lách luật, hay vi phạm luật nhằm tham nhũng. Cụ thể như dùng của công để biếu xén lẫn nhau, sử dụng các biện pháp để chuyển tài sản nhà nước, tập thể sang cho cá nhân. Dùng mọi thủ đoạn để tham nhũng công quỹ.
 
    Lợi ích nhóm còn thể hiện ở sự móc ngoặc giữa một số quan chức nhà nước với các đại gia, doanh nghiệp để hợp thức hóa việc ăn cắp, tham nhũng của công, làm giàu cho các cá nhân hay một nhóm; sự móc nối giữa các doanh nghiệp với nhau và với các quan chức có quyền, có chức để dành những gói thầu, những khoản ưu đãi từ tiền công quỹ; chạy chức, chạy quyền; sự thông đồng của một nhóm người để mưu cầu có việc làm, có chức, có quyền bằng cách mua bán, đút lót, hối lộ.
 
    Một trong những biểu hiện của lợi ích nhóm lớn nhất và trầm trọng nhất đó là những hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng, những hoạt động của các đại gia ngân hàng trong việc câu kết lũng đoạn thị trường tiền tệ. Thực tế hiện nay, lợi ích nhóm đã thành căn bệnh bùng phát khá trầm trọng trong hoạt động kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. 
 
3. Những giải pháp ngăn chặn lợi ích nhóm
 
    Như trên đã nêu, lợi ích nhóm được hiểu ở đây chính là lợi ích không mang tính chính đáng, hợp pháp. Biểu hiện ở lợi ích nhóm là các hành động tham nhũng, tha hóa và vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn lợi ích nhóm cần phải có một số giải pháp sau đây: 
    - Đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì lợi ích nhóm còn có cơ hội hình thành. Do vậy, công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy công quyền là một trong những giải pháp làm cho lợi ích nhóm ít có cơ hội hình thành, phát triển.
    - Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm. 
    - Kê khai tài chính của bản thân và của gia đình của cán bộ, công chức; kê khai thường xuyên hàng năm, bảo đảm minh bạch các nguồn thu nhập của mọi người.
    - Nâng cao mức lương cho công chức. Lương của công chức thể hiện đủ để cán bộ có thể sống được bằng lương và thể hiện danh dự của người công chức sẵn sàng cống hiến cho Nhà nước và hết lòng phục vụ nhân dân.
    - Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và xã hội, phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm.
PGS, TS. Lê Quốc Lý
(Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

 

;
.