Thứ Ba, 3/12/2024, 3:7 [GMT + 7]
.
.

Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự năm 1999

Thứ Hai, 23/12/2013, 16:24 [GMT+7]
    Tử hình là loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp cụ thể do BLHS quy định. Sở dĩ là hình phạt nghiêm khắc nhất vì nó tước bỏ quyền sống của người bị kết án, loại bỏ mọi khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội và có tác dụng phòng ngừa tái phạm một cách triệt để. 
 
    Việc BLHS quy định hình phạt tử hình là cần thiết xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, hình phạt này đã đem lại những tác dụng nhất định trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; việc áp dụng đúng đắn hình phạt tử hình được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Nhưng do tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hoà nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng khắc phục sai lầm có thể xảy ra trên thực tế, vì vậy, cần phải từng bước giảm dần, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình trong BLHS. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, đồng thời, cũng là đòi hỏi cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự gắn với việc bảo đảm các quyền con người, nhân đạo hoá các biện pháp trừng trị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đạo lý của dân tộc.
 
    Qua nghiên cứu các quy định liên quan đến hình phạt tử hình trong BLHS qua các lần sửa đổi, bổ sung, kể từ BLHS năm 1985 đến nay, chúng ta thấy rằng, số lượng các điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình có lúc tăng, lúc giảm tuỳ thuộc vào từng giai đoạn. 
 
    BLHS năm 1985 có 29 điều luật thuộc 07 chương quy định về các nhóm tội phạm cụ thể có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình (chiếm 14,89%). Bao gồm: Chương I. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia gồm 13 điều (Điều 72. Tội phản bội Tổ quốc; Điều 73. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 74. Tội gián điệp; Điều 75. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Điều 76. Tội bạo loạn; Điều 77. Tội hoạt động phỉ; Điều 78. Tội khủng bố; Điều 79. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; Điều 84. Tội chống phá trại giam; Điều 87. Tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ; Điều 94. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Điều 95. Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Điều 98. Tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá huỷ tiền tệ). Chương II. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người gồm 02 điều (Điều 101. Tội giết người và Điều 112. Tội hiếp dâm). Chương IV. Các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa gồm  04 điều (Điều 129. Tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa; Điều 132. Tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa; Điều 133. Tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; Điều 138. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa). Chương VI. Các tội xâm phạm sở hữu của công dân gồm  01 điều (Điều 151. Tội cướp tài sản của công dân). Chương VII. Các tội phạm về kinh tế gồm 01 điều (Điều 167. Tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả). Chương XI. Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân gồm 04 điều (Điều 250. Tội chống mệnh lệnh; Điều 256. Tội đầu hàng địch; Điều 258. Tội bỏ vị trí chiến đấu; Điều 269. Tội huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự). Chương XII. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh gồm 04 điều (Điều 277. Tội phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược; Điều 278. Tội chống loài người; Điều 279. Tội phạm chiến tranh; Điều 280. Tội tuyển mộ lính đánh thuê, tội làm lính đánh thuê).
 
    Qua 04 lần sửa đổi, bổ sung (1989, 1991, 1992, 1997) thì số lượng các điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình đã lên đến 44 điều (chiếm 20,5%), trong đó có 07 điều luật quy định các tội phạm về ma túy có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, đến BLHS năm 1999, sau khi sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện BLHS năm 1985 thì số lượng này đã trở về con số ban đầu là 29 điều, tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì đã giảm xuống còn khoảng 11,0% (theo BLHS năm 1985 là 14,89%).
 
    Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương từng bước hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm. Chủ trương này phù hợp với tinh thần Công ước về quyền chính trị và dân sự mà nước ta là thành viên, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Để thể chế hoá chủ trương này của Đảng, ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, trong đó đã tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình bằng cách bỏ hình phạt tử hình trong khung phạt cao nhất đối với 08 tội danh, đó là: Tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điu 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 221); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). 
 
    Như vậy, sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì BLHS hiện hành có 22/272 điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình, chiếm tỷ lệ trên 8%, giảm khoảng 3% so với BLHS năm 1999 (11%). 
Nhìn một cách tổng quát có thể thấy rằng, phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong các lần sửa đổi, bổ sung BLHS có xu hướng giảm dần theo thời gian. Điều này không chỉ thể hiện ở việc giảm dần tỷ lệ các điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình mà còn ở việc BLHS năm 1999 đã bãi bỏ hoàn toàn cơ chế thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử (Điều 27của BLHS năm 1985 quy định trong trường hợp đặc biệt có luật quy định riêng thì tử hình được thi hành ngay sau khi xét xử), đồng thời, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình cũng như không thi hành án tử hình là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. 
 
    Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 tội danh với 23 cấu thành tội phạm nhưng trên thực tế các Tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người (như: giết người nhằm chiếm đoạt tài sản; giết người có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, thực hiện tội phạm đến cùng, dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác…) và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (chủ yếu các đối tượng mua bán, tàng trữ với số lượng ma túy lớn, hoạt động có tổ chức). Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với xu thế dân chủ, nhân đạo và trào lưu chung của thế giới là giảm dần, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, tỷ lệ trên 8% các điều luật của BLHS hiện hành có quy định hình phạt tử hình là vẫn còn khá cao. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, để phấn đầu cho sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm cũng như đảm bảo nguyên tắc công bằng trong luật hình sự, giữ vững công lý và duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội thì việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong BLHS là cần thiết. Tuy nhiên, từ thực tiễn lập pháp hình sự và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các Nghị quyết nêu trên, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, cần tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít trường hợp phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
 
    Theo quy định của BLHS 1999 (Điều 35), hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với nhóm các tội đặc biệt nghiêm trọng; không cho phép việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên và phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. 
 
    Qua nghiên cứu quy định về loại hình phạt này có thể nhận thấy, việc quy định cụ thể tiêu chí để áp dụng hình phạt tử hình đã góp phần thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế. Điều này không chỉ định hướng cho việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của BLHS mà cả việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng hình phạt tử hình trong từng trường hợp phạm tội cụ thể; đồng thời, cơ chế chuyển đổi hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cũng góp phần hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế. Với chủ trương từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009 số tội phạm có quy định hình phạt tử hình giảm xuống còn là 23 cấu thành tội phạm cụ thể tại 22 điều luật, chiếm tỉ lệ 7,97%, do đó, hình phạt tử hình đã giảm xuống, chỉ còn áp dụng đối với 29 loại tội phạm.  
 
    Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, hiện nay quy định về hình phạt tử hình trong BLHS Việt Nam có một số điểm hạn chế. Theo đó, phạm vi áp dụng hình phạt tử hình còn rộng, khái quát, chưa đưa ra nhiều tiêu chí quan trọng khác để xác định có áp dụng hình phạt tử hình hay không chưa như: khách thể cần bảo vệ, đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, hậu quả của hành vi phạm tội, cũng như xem xét khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình; chưa cân nhắc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với người già yếu trên 75 tuổi hoặc là người đang mắc bệnh hiểm nghèo.... 
 
    Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng và tiến tới xoá bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. 
 
    Việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình cần được nhìn nhận dưới hai góc độ: Một là, dưới góc độ lập pháp hình sự, BLHS cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa các tiêu chí cơ bản (điều kiện) để giới hạn phạm vi các điều luật thuộc Phần các tội phạm có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình cũng như để làm cơ sở cho Tòa án xem xét, cân nhắc việc quyết định áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế; hai là, dưới góc độ thi hành án hình sự, BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự cần được hoàn thiện theo hướng phát huy hiệu quả các chế định như: ân giảm án tử hình; thủ tục xem xét lại bản án tử hình; hoãn thi hành án tử hình; chuyển đổi hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, ... để nhằm thu hẹp khả năng thi hành án tử hình trên thực tế.
 
    Việc bỏ hay giữ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể cần phải xuất phát từ một số tiêu chí cơ bản sau đây: một là, tầm quan trọng của khách thể và yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại; hai là, tính chất nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; ba là, khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình. Ngoài ra, cũng cần đặt vấn đề này trong bối cảnh trên thế giới đang có xu hướng thu hẹp dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.
 
    Xét theo tầm quan trọng của khách thể mà hành vi phạm tội xâm hại thì chỉ nên giữ lại hình phạt tử hình đối với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng và nhân phẩm con người (giết người, giết người cướp của, giết người hiếp dâm); đe dọa sự tồn vong của Nhà nước, của chế độ (các tội xâm phạm an ninh quốc gia); đe dọa an ninh thế giới (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh); đe doạ nghiêm trọng sự phát triển của giống nòi và an ninh trật tự (sản xuất, mua bán các chất ma tuý). Còn đối với các tội phạm trong các lĩnh vực khác thì không nên áp dụng hình phạt tử hình. Qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, ở các nước còn duy trì hình phạt tử hình (như: Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônêxia, Thái Lan,…) thì việc áp dụng hình phạt này cũng chỉ hạn chế trong phạm vi một số nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng như: xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; xâm phạm trật tự, an toàn công cộng; các tội phạm về ma tuý,… Còn các loại tội phạm khác thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về kinh tế thì hầu hết đều không thuộc phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.
 
    Xét theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm thì chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tổ chức hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng; hành vi phạm tội mang tính bạo lực hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
 
    Xét theo đặc điểm nhân thân của người phạm tội thì chúng tôi cho rằng, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm hoặc những kẻ phạm tội một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính, ít có khả năng cảm hóa, giáo dục và là mối đe dọa nghiêm trọng cho cộng đồng.
 
    Xét về khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình, tuỳ từng trường hợp cụ thể, các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó việc xử phạt tử hình đối với người phạm tội - một biện pháp quyết liệt nhất, nghiêm khắc nhất. Thực tế cho thấy, có khá nhiều tội có quy định hình phạt tử hình nhưng bản thân tội phạm không xảy ra hoặc có xảy ra nhưng Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình (ví dụ: tội nhận hối lộ; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh). 
 
    Từ sự phân tích trên, xin đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan đến hình phạt tử hình, cụ thể như sau:
 
    Thứ nhất, trong phần chung của BLHS cần tiếp tục hoàn thiện Điều 35 của BLHS về hình phạt tử hình theo hướng xác định rõ và cụ thể hơn các tiêu chí áp dụng hình phạt tử hình, quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng cũng như loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó, các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình có thể là: (i) Về loại tội: Hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc 3 nhóm tội sau: một là, các tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, của chế độ; hai là, các tội xâm hại tính mạng con người, đe doạ nghiêm trọng sự phát triển của giống nòi; ba là, các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới. (ii) Về loại vụ việc: Chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng, nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho nhiều người hoặc trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo gây bất bình trong nhân dân. (iii) Về đối tượng: chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với các với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm hoặc những kẻ quyết tâm phạm tội đến cùng.
 
    Thứ hai, trong phần các tội phạm của BLHS cần tiếp tục nghiên cứu giảm số điều khoản có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Xuất phát từ nhận thức về các tiêu chí cũng như các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình như đã phân tích ở trên, cần nghiên cứu loại bỏ hình phạt tử hình đối với 04 tội danh sau đây: 
 
    Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS): 
    Đặc trưng cơ bản của tội cướp là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, tội phạm này đồng thời xâm phạm hai khách thể: một là, quyền sở hữu của nạn nhân; hai là, tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Tuy nhiên, khách thể xâm hại chính của tội phạm này được xác định là quyền sở hữu tài sản của người khác, do vậy, tội này được xếp vào chương XIV - Các tội xâm phạm sở hữu. Hơn nữa, trên thực tế người phạm tội sử dụng vũ lực là để áp chế tinh thần nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải mong muốn tước đoạt sinh mạng của nạn nhân, do vậy, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây ra hậu quả chết người. 
Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, thông thường Tòa án quyết định áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội giết người, giết người và cướp tài sản, ..... Do vậy, theo chúng tôi, việc quy định khung hình phạt cao nhất là tù chung thân cùng với một loạt các hình phạt bổ sung như: phạt tiền, tịch thu tài sản, quản chế, cấm cư trú đối với tội cướp tài sản là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
 
    Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 194 BLHS): 
    Hiện nay tội "tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý" được ghép cùng với tội "mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy" tại Điều 194 của BLHS. Khoản 4 Điều 194 quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình đối với một số trường hợp phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, trong những năm gần đây, số án tử hình được áp dụng theo khoản 4 Điều 194 của BLHS chiếm tỷ trọng cao trong số các án tử hình mà Tòa án đã tuyên, trong đó án tử hình chủ yếu được áp dụng đối với trường hợp phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
 
    Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua chủ yếu là để phục vụ hoặc có liên quan đến việc mua bán trái phép chất ma túy. Trên thực tế, những đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy chủ yếu là người nghèo, người làm thuê, có nhận thức pháp luật hạn chế nhưng khi bị bắt giữ đều phải chịu trách nhiệm tại những khung hình phạt cao, kể cả tử hình. Hơn nữa, tội phạm được quy định tại Điều 194 của BLHS là một tội phạm kép gồm nhiều hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm rất khác nhau nhưng lại cùng chung một chính sách xử lý. Đây là điều bất hợp lý. Theo chúng tôi, việc quy định nhiều hành vi khách quan có tính chất, mức độ khác nhau trong cùng một khung hình phạt là chưa đáp ứng yêu cầu cá thể hóa hành vi và cá thể hóa trách nhiệm hình sự. 
 
    Xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội liên quan đến ma tuý thì chỉ nên giữ lại hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sản xuất, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, còn đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma tuý thì mức phạt tù chung thân là đủ nghiêm khắc. Vì vậy, nên tách riêng hành vi mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý và ghép vào Điều 193 về tội sản xuất trái phép chất ma tuý để có cùng chính sách xử lý phù hợp, đồng thời, bỏ hình phạt tử hình tại Điều 194 của BLHS đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý.
    
    Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231):
     Trước đây theo BLHS năm 1985 thì đây là một trong các tội khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại mục B chương I Phần các tội phạm. Đến BLHS năm 1999 thì tội này được chuyển về chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Như vậy, xét về tầm quan trọng của khách thể xâm hại của tội phạm này cũng như yêu cầu bảo vệ đã có sự thay đổi. Hơn nữa, về bản chất thì tội phạm này xâm hại trực tiếp đến một loại tài sản của Nhà nước - đó là các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia và gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức gây ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất - kỹ thuật của đất nước. Do vậy, theo chúng tôi, mức phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ sức răn đe, phòng ngừa. Còn trường hợp phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia mà thuộc Điều 85 của BLHS thì sẽ xữ lý về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong trường hợp này có thể áp dụng hình phạt tử hình.  
 
    Tội chống mệnh lệnh (Điều 316 BLHS) và tội đầu hàng địch (Điều 322 BLHS) cũng là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng các hậu quả mà hành vi phạm tội của họ gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội, thậm chí có trường hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. Trong trường hợp chứng minh được rằng các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có thể hành vi phạm tội của họ đã vượt ra ngoài phạm vi tội chống mệnh lệnh hoặc đầu hàng địch. Khi đó sẽ kết hợp xử lý về các tội phạm khác có liên quan. Hơn nữa, xét về khía cạnh tâm lý, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cận kề giữa cái sống, cái chết, con người rất có thể có những giây phút hèn nhát (ví dụ: vì sợ chết mà chống mệnh lệnh không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao hoặc vì sợ chết mà đầu hàng địch), nếu được mở thêm một con đường sống (không tử hình) thì bản thân người phạm tội có cơ hội để sám hối lỗi lầm của mình, vì đồng đội mà không làm liều, góp phần hạn chế được hậu quả lớn hơn có thể xảy ra. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm này là đủ nghiêm khắc mà không cần thiết phải tước đi sinh mạng của người phạm tội./.
Phương Thảo
;
.