Thứ Ba, 3/12/2024, 4:13 [GMT + 7]
.
.

Một số đề xuất sửa đổi quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ trong Bộ luật hình sự năm 1999

Thứ Tư, 18/12/2013, 16:06 [GMT+7]
    Cải tạo không giam giữ là hình phạt hạn chế một phần quyền, lợi ích của người phạm tội thể hiện ở việc người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định tại cộng đồng dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương và gia đình cũng như cộng đồng dân cư nơi cư trú và họ bị khấu trừ thu nhập. Hình phạt này được quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự liên quan đến điều kiện áp dụng. Căn cứ quy định tại Điều 31 nêu trên, Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự cũng quy định hình phạt cải tạo không giam giữ tại 142 điều luật cụ thể.
 
    Theo quy định của Bộ Luật hình sự hiện hành, hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định, đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách li người phạm tội khỏi xã hội. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
 
    Như vậy, có thể thấy, mặc dù phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định nhưng nhìn chung hình phạt cải tạo không giam giữ không tước tự do và đề cao tính tự giác cải tạo của người bị kết án. Trong hệ thống hình phạt chính, cải tạo không giam giữ được xem là cầu nối giữa phạt tiền và hình phạt tù có thời hạn. Trong một số trường hợp, khi Tòa án xét thấy việc áp dụng hình phạt cảnh cáo hay phạt tiền thì chưa đủ sức răn đe, giáo dục người phạm tội, nhưng nếu áp dụng phạt tù thì lại quá nặng thì áp dụng cải tạo không giam giữ lại hoàn toàn phù hợp với người phạm tội và có thể đạt được mục đích của hình phạt.
 
    Cũng theo quy định của Điều 31 Bộ luật hình sự, Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
 
    Theo điều 31 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt này khi điều kiện để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là: (a) Chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; (b) Đang có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng; (c) Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự quy định theo hướng giảm nhẹ đối với họ. 
 
    Tuy nhiên, quy định nêu trên cho thấy còn có một số bất cập:
 
    Thứ nhất, quy định việc khấu trừ thu nhập của người bị phạt cải tạo không giam giữ chưa rõ ràng nên trên thực tế rất khó áp dụng. Vì quy định không nói rõ 5% đến 20% thu nhập hàng tháng, hàng năm hay thu nhập trong suốt thời kỳ bị tuyên cải tạo không giam giữ của người bị kết án; đồng thời, cũng không quy định rõ phần bị khấu trừ này sẽ bị khấu trừ một lần hay nhiều lần. 
 
    Thứ hai, theo quy định của Bộ luật hình sự về điều kiện áp dụng từng hình phạt cụ thể thì hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người đã thành niên và người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội, chứ không thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, bởi lẽ, theo quy định hiện hành thì các hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Trong khi đó theo Điều 12 Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, rõ ràng người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nếu phạm tội và bị áp dụng hình phạt thì hình phạt mà họ bị áp dụng chỉ có thể là hình phạt tù có thời hạn.
 
    Thứ ba, mặc dù được quy định trong Bộ luật hình sự là hình phạt chính nhưng mục đích của hình phạt trong nhiều trường hợp chưa đạt được. Vì tính cưỡng chế của hình phạt này không cao, tác dụng giáo dục, cải tạo còn hạn chế, tâm lý người phạm tội và gia đình họ cũng như xã hội coi việc được áp dụng hình phạt này một hình thức “tha bổng”. 
    
    Nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp một số quốc gia cho thấy, hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa được gọi là “hình phạt cải tạo lao động”. Theo đó, thời hạn cải tạo lao động từ 01 tháng đến 06 tháng, tính từ ngày bắt đầu thi hành bản án. Cơ quan Công an gần nhất thi hành án cải tạo lao động đối với người bị kết án. Trong thời gian chấp hành, hàng tháng người bị kết án cải tạo lao động có thể được về thăm gia đình từ 01 đến 02 ngày, có thể tính mức thù lao cho người bị kết án cải tạo lao động khi có tham gia lao động. Thời gian tạm giam trước khi tuyên án được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo lao động, 01 ngày tạm giam bằng 01 ngày cải tạo lao động”.
 
    Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định:“Lao động cải tạo được áp dụng đối với người phạm tội không có nghề nghiệp chính và địa điểm chấp hành hình phạt do cơ quan quyền lực địa phương phối hợp với cơ quan thi hành án quyết định nhưng phải nằm trong phạm vi quận, huyện nơi người phạm tội sinh sống. Thời hạn lao động cải tạo được quy định từ 02 tháng đến 02 năm. Khoản thu nhập của người phạm tội lao động cải tạo sẽ bị khấu trừ để sung quỹ Nhà nước theo mức khấu trừ được quy định trong bản án  từ 5% đến 20%. Trong trường hợp nếu người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình  phạt này bằng hình phạt tù, cứ 01 ngày tù bằng 03 ngày lao động cải tạo.  Lao động cải tạo không được áp dụng đối với người tàn tật thuộc nhóm một, phụ nữ có thai, phụ nữ có con nhỏ đến 03 tuổi, quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự Nhà nước, quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự theo thời hạn quân ngũ mà kéo dài niên hạn binh sĩ và hạ sĩ quan nếu những người này vào thời điểm tòa án tuyên chưa hết thời hạn triệu tập phục vụ quân ngũ theo quy định của pháp luật” (Điều 50). 
    
    Như vậy, xét về bản chất, hình phạt cải tạo không giam giữ trong Bộ luật hình sự Việt Nam không hoàn toàn giống so với quy định trong Bộ luật hình sự của Trung Quốc và Liên bang Nga. Tuy nhiên, các quy định về buộc người bị kết án tham gia lao động cải tạo tại địa phương là quy định cần cân nhắc trong quá trình sửa đổi Bộ luật hình sự về hình phạt này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính răn đe của hình phạt này.
 
    Để góp phần hoàn thiện quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ trong Bộ luật hình sự năm 1999, xin đề xuất một số nội dung sau:
       
    Thứ nhất, bổ sung quy định về buộc tham gia lao động cải tạo tại địa phương, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính răn đe của hình phạt cải tạo không giam giữ. Trong trường hợp nếu người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình phạt này bằng hình phạt tù, cứ 01 ngày tù bằng 03 ngày lao động cải tạo không giam giữ. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 31 như sau:
 
    "4. Trong trường hợp nếu người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình  phạt này bằng hình phạt tù, cứ một ngày tù bằng ba ngày lao động cải tạo".
 
    Thứ hai, bổ sung vào điều 31 Bộ luật hình sự quy định rõ thời hạn khấu trừ thu nhập. Theo đó, thời hạn này nên giao cho Tòa án quyết định tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tình hình thu nhập của người bị kết án mà quyết định áp dụng hay không? Nếu áp dụng thì quyết định tỷ lệ % cũng như thời hạn khấu trừ thu nhập. Tuy nhiên, để tăng cường tính cưỡng chế và sự nghiêm minh của luật pháp, trong trường hợp chây ỳ, cố tình không nộp, thì cho phép tăng mức áp dụng lên từ một đến năm lần so với mức ban đầu.
 
    Thứ ba, nghiên cứu mở rộng hơn khả năng áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội cũng như đối với một số loại chủ thể. Đồng thời, với việc mở rộng này, trong tương lai cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giám sát người phạm tội bằng các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ (ví dụ như: vòng điện tử - Bracerie electrolic) nhằm quản lý tốt hơn người đang chấp hành hình phạt này.
Linh Đan
;
.