Thứ Ba, 3/12/2024, 4:13 [GMT + 7]
.
.

Một số bất cập trong quy định về hình phạt tù có thời hạn của Bộ luật hình sự năm 1999

Thứ Sáu, 20/12/2013, 14:26 [GMT+7]
    Tù có thời hạn là một trong bảy hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội. Trong hệ thống hình phạt nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới, hình phạt tù có vị trí, vai trò rất quan trọng, được coi là hình phạt có vai trò chính trong hệ thống hình phạt; được quy định trong chế tài tuyệt đại đa số các quy phạm pháp luật quy định về tội phạm. 
 
    Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự thì tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 03 tháng đến 20 năm. Như vậy, về bản chất pháp lý, tù có thời hạn là biện pháp cưỡng chế tước tự do của người bị kết án trong thời hạn do Tòa án quyết định trong phạm vi và giới hạn pháp luật quy định. 
Bộ luật hình sự quy định giới hạn tối thiểu và tối đa của hình phạt tù, theo đó, thời hạn tối thiểu của hình phạt tù là 3 tháng; thời hạn tối đa của hình phạt tù được quy định khác nhau. Theo quy định của Điều 33, thì tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức hình phạt tối đa là 20 năm tù. Như vậy, nếu một người phạm một tội thì nếu chỉ phải chịu hình phạt tù có thời hạn, người phạm tội chỉ có thể chịu hình phạt tối đa là 20 năm tù. Theo quy định của Điều 50, Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự thì trong các trường hợp nếu người phạm nhiều tội hoặc phải chịu hình phạt của nhiều bản án, thì hình phạt tù có thời hạn tối đa là 30 năm tù. Theo Điều 58 Bộ luật hình sự thì người bị kết án tù chung thân nếu được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt lần đầu thì xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm. Sở dĩ Bộ luật hình sự quy định mức hình phạt tối đa trong trường hợp này là nhằm bảo đảm sự bình đẳng cho mọi công dân trước pháp luật, thực hiện việc phân hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm một tội và trường hợp phạm nhiều tội hoặc có nhiều bản án phạt tù.
 
    Trong thực tiễn công tác xét xử cũng cho thấy, hình phạt tù có thời hạn là loại hình phạt được áp dụng một cách thường xuyên và phổ biến nhất, thậm chí ngay cả đối với người chưa thành niên - đối tượng cần được xem xét để áp dụng các biện pháp không mang tính giam giữ. Điều này chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước ta là tăng cường áp dụng các biện pháp không giam giữ.
Qua phân tích các quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt tù có thời hạn, có thể nhận thấy một số bất cập, hạn chế sau:
 
    Thứ nhất, Điều 33 của Bộ luật hình sự quy định thời hạn tối thiểu của hình phạt tù là 03 tháng. Có thể thấy rằng, việc quy định thời hạn tối thiểu của hình phạt tù là 03 tháng như hiện nay dựa trên cơ sở cho rằng phạt tù là hình phạt nghiêm khắc, nên việc tước tự do thân thể của một người ở mức độ đó là đủ nghiêm khắc để người phạm tội “trả giá” cho hành vi của mình. Tuy nhiên, từ góc độ tổ chức thi hành án và mục đích hình phạt thì thời hạn đó là khó hợp lý, vì hai lý do sau: 
 
     Một là, từ góc độ mục đích hình phạt, nếu cho rằng hình phạt chỉ nhằm mục đích trừng trị người phạm tội thì mức hình phạt tối thiểu ngắn cũng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu cho rằng mục đích quan trọng hơn của hình phạt là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa chung, thì với thời hạn chấp hành hình phạt tù ngắn ngủi như vậy sẽ rất khó đạt được.
 
     Hai là, từ góc độ tổ chức thi hành án, việc tổ chức thi hành hình phạt tù đòi hỏi phải có thời gian vì thủ tục rất phức tạp, vì vậy, sẽ là thiếu hợp lý khi cơ quan tiến hành tố tụng bỏ ra một thời gian tương đối dài chỉ để thi hành một quyết định mà hiệu quả không cao. 
 
    Thứ hai, Điều 33 của Bộ luật hình sự chỉ quy định thời hạn tối thiểu và thời hạn tối đa của hình phạt tù có thời hạn mà không quy định đối tượng được áp dụng, loại tội được áp dụng, điều kiện áp dụng như đối với một số loại hình phạt khác. Đặc biệt, điều luật cũng không quy định điều kiện chung của việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Do vậy, có thể thấy rằng, hầu như tất cả các khung hình phạt được quy định trong cấu thành các tội phạm cụ thể là hình phạt tù có thời hạn, không phân biệt đó là tội thuộc loại nào (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) hoặc đó là tội được thực hiện do lỗi cố ý hay vô ý… Điều này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các chế tài, trong cá thể hóa hình phạt của Tòa án đối với người phạm tội.
 
    Thứ ba, liên quan đến những quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt tù có thời hạn với người chưa thành niên phạm tội, có thể nhận thấy có một số bất cập sau: 
 
    Theo quy định hiện nay của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình phạt được áp dụng đối với họ chỉ có thể là hình phạt tù có thời hạn, mà họ sẽ không có cơ hội được áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Nguyên nhân của thực trạng này là do quy định của Bộ luật hình sự về điều kiện áp dụng hình phạt không tước tự do, cụ thể là các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội, chứ không thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, bởi lẽ, theo quy định tại các Điều 29, 31 và 72 Bộ luật hình sự thì các hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Trong khi đó, Điều 12 Bộ luật hình sự quy định người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Có thể thấy rằng, chính sách hình sự này của Bộ luật hình sự chưa thực sự phù hợp những nguyên tắc hướng dẫn trong việc xét xử và quyết định đối với người chưa thành niên phạm tội tại quy tắc 17.1 Quy tắc Bắc Kinh là “chỉ được đưa ra những hạn chế tự do cá nhân đối với người chưa thành niên sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và phải giới hạn ở mức độ tối thiểu có thể được”.
 
    Quy định của Bộ luật hình sự về mức phạt tù cao nhất có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là mười tám năm tù là chưa thực sự nghiêm khắc, chưa bảo đảm tính răn đe của pháp luật đối với những hành vi phạm tội phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bằng những thủ đoạn phạm tội man rợ, tàn độc, gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. 
 
    Thứ tư, khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù trong các khung hình phạt của một số điều luật tại phần các tội phạm là quá rộng. Điều này đã gây không ít khó khăn cho việc quyết định hình phạt chính xác đối với người chưa thành niên phạm tội, tạo ra những cơ sở về mặt luật định cho sự tùy tiện, không thống nhất cho việc áp dụng hình phạt tù, ví dụ như Điều 113 khoản 3 có mức phạt tù từ 7 năm đến 18 năm - khoảng cách là 11 năm; Điều 119 khoản 2 có mức phạt tù từ 5 năm đến 20 năm - khoảng cách là 15 năm; Điều 120 khoản 2 có mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân v.v… 
 
    Để hạn chế những khó khăn, vướng mắc nêu trên của Bộ luật hình sự về hình phạt tù có thời hạn thì những quy định này cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng sau:
 
    Thứ nhất, tăng mức phạt tù tối thiểu từ 03 tháng lên 06 tháng vì ba lý do. Một là, với thời hạn dưới 06 tháng cách ly khỏi xã hội rất khó có thể tổ chức cải tạo, giáo dục hiệu quả đối với người phạm tội, trong khi đó hậu quả pháp lý của hình phạt tù lại rất nặng nề đối với người bị kết án và hạn chế khả năng tái hòa nhập cộng đồng đối với họ. Hai là, trên thực tế, những trường hợp Tòa án tuyên phạt tù thời hạn dưới 6 tháng thường là những trường hợp thông án, tức xử phạt tù với thời hạn bằng thời hạn tạm giữ, tạm giam và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Có thể nói, đây là biện pháp “chữa cháy” trong trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ đáng lẽ họ có thể được áp dụng hình phạt không phải tù hoặc cho hưởng án treo. Ba là việc nâng mức tối thiểu của hình phạt tù tạo điều kiện cho người làm luật quy định chế tài các tội ít nghiêm trọng chỉ bao gồm các hình phạt không tước tự do, tức là hình phạt tù cần được thay thế bằng hình phạt khác không tước tự do đối với người phạm tội (như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) là hợp lý và hiệu quả hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, tăng cường áp dụng các biện pháp không mang tính giam giữ đúng với quan điểm cải cách tư pháp mà Đảng đã đề ra. 
 
    Thứ hai, nghiên cứu để bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Điều này là cần thiết, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong các quy định về hệ thống hình phạt trong Bộ luật hình sự, đồng thời tạo cơ sở chung cho việc quy định và áp dụng hình phạt tù, thể hiện cụ thể hơn trong luật quan điểm giảm hình phạt tù trong Bộ luật hình sự nước ta. 
 
    Thứ ba, nghiên cứu bổ sung thêm một số hình phạt không tước tự do vào hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để tạo cơ hội cho người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng hình phạt không tước tự do, ví dụ như hình phạt lao động phục vụ cộng đồng. Đồng thời, xác định rõ nguyên tắc hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phải là biện pháp cuối cùng, khi không lựa chọn được các hình phạt khác thích hợp hơn. 
 
    Bên cạnh đó, để cân bằng lợi ích giữa việc bảo vệ người chưa thành niên và lợi ích xã hội trong việc bảo vệ trật tự, an toàn xã hội thì cần nghiên cứu sửa đổi quy định về chế tài hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn trong một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Để thực hiện việc này, cần nghiên cứu đồng bộ 02 vấn đề: một là, tăng mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội từ 18 năm tù như hiện nay lên đến 20 năm hoặc 25 năm tù; hai là, nghiên cứu sửa đổi quy định về việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó, hình phạt chung áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là tù có thời hạn với mức cao nhất được áp dụng có thể lên đến 18 hoặc 25 năm tù tùy thuộc vào độ tuổi của người phạm tội. 
 
    Thứ tư, cần nghiên cứu rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt của một số điều luật cụ thể. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tỷ lệ tăng (hoặc giảm) của tội phạm trên thực tế… 
Phương Thảo
;
.