Chủ nhật, 15/12/2024, 18:51 [GMT + 7]
.
.

Tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và một số kiến nghị

Thứ Năm, 05/09/2013, 15:20 [GMT+7]

1. Thực trạng

- Tội phạm xảy ra trong lĩnh vực tín dụng đen

Về khái niệm, tín dụng (tiếng Latinh là Gredittum với nghĩa là sự tin tưởng, tín nhiệm) được hiểu theo nghĩa thông thường là sự vay mượn; trong đó có một bên  (bên có quyền sở hữu, quản lý) chuyển giao cho bên kia tiền hoặc tài sản để quản lý, sử dụng trong một thời hạn; hết thời hạn này, bên sử dụng phải hoàn trả lại cho bên sở hữu (bên chuyển giao) một giá trị lớn hơn ban đầu (gồm gốc và lãi). Tùy theo chủ thể tham gia quan hệ tín dụng, có thể có quan hệ tín dụng ngân hàng, tín dụng của các đơn vị cho thuê tài chính, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm v.v... và quan hệ tín dụng giữa các cá nhân với nhau. Xét theo góc độ đối tượng của quan hệ tín dụng, có quan hệ tín dụng thương mại (đối tượng tín dụng là tài sản, không phải là tiền, chủ yếu là giữa các doanh nghiệp với nhau); quan hệ tín dụng ngân hàng (có đối tượng là tiền). Như vậy, khái niệm “tín dụng đen” để chỉ quan hệ tín dụng ngoài ngân hàng, giữa các cá nhân với nhau và thường dẫn đến hậu quả xấu, vi phạm pháp luật. Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng đen xảy ra ở Hà Nội rộ lên trong thời gian 5 năm trở lại đây, có nhiều vụ để lại hậu quả với số tiền lớn như vụ Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên vay nợ của 11 người bị hại với số tiền không có khả năng thanh toán là 404 cây vàng và trên 214 tỷ đồng; vụ Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông vay của 52 người với số tiền không có khả năng thanh toán là 10.000 USD, 31,7 cây vàng và trên 139 tỷ đồng; vụ Tạ Việt Quang, Bùi Thị Quyên vay nợ và không có khả năng thanh toán khoảng 150 tỷ đồng; nhiều vụ vay nợ và không thanh toán được với số nợ từ 20 tỷ đến 35 tỷ đồng như vụ Vương Thị Chất ở Hoàng Mai; vụ Mai Thị Mỹ Hạnh, vụ Lý Thị Giang và vụ Lưu Thị Hoàng Mai ở Long Biên.
Các hành vi vay nợ kiểu “tín dụng đen” thường dẫn đến các hành vi phạm tội khác như Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật, Xâm phạm chỗ ở của công dân; thậm chí là tội phạm Giết người hoặc Cố ý gây thương tích. Nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội theo kiểu băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm.

- Tội phạm xảy ra có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội Tuy không có số liệu thống kê đầy đủ nhưng trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng (đúng ra là phạm tội trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng) với những phương thức, thủ đoạn phạm tội khác nhau. Cụ thể như:

+ Cán bộ ngân hàng lập chứng từ khống, ký giả chữ ký người khác để rút tiền của ngân hàng như vụ Hoàng Văn Luận ở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Sài Đồng, Gia Lâm; vụ Lê Hoài Phương ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển quận Cầu Giấy v.v...

+ Cán bộ ngân hàng sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin hoặc thông qua công việc được giao để lén lút lấy thông tin, truy cập vào hệ thống máy tính của ngân hàng... và sử dụng nghiệp vụ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; như vụ Phan Văn Tưởng cùng đồng bọn phạm tội ở Ngân hàng Techcombank; vụ Nguyễn Thị Thủy Vân phạm tội Tham ô tài sản xảy ra ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Hà Nội (SHB); vụ Phan Việt Hà phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) v.v...

Trong các vụ án nêu trên, các bị cáo đã có được các User (được hiểu là những quyền hạn và trách nhiệm riêng có mà ngân hàng giao cho mọi cán bộ để họ hoạt động, thể hiện trong máy tính, mọi người phải bảo mật User của mình) của các cán bộ có trách nhiệm trong các hoạt động giao dịch ngân hàng (bị cáo Phan Văn Tưởng đã nhiều lần theo dõi việc sử dụng User của Trưởng phòng Kế toán - Tài chính và qua đó biết được số mã khóa bí mật; hoặc xin User của nhân viên Phòng Kế toán - Tài chính thuộc Hội sở Techcombank với lý do để xem lại các bút toán đã hoạch toán; đồng thời nhân viên Phòng Kế toán - Tài chính lại cho rằng User của mình không có khả năng duyệt các bút toán nên cũng cho Phan Văn Tưởng biết. Sau đó Phan Văn Tưởng sử dụng các User này để thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Nguyễn Thị Thùy Vân là kiểm soát viên của một phòng giao dịch thuộc ngân hàng SHB, biết được User của một nhân viên khác. Khi nhân viên này đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác nhưng bộ phận quản lý mạng của ngân hàng SHB không làm hết trách nhiệm, không hủy ngay User của cán bộ đã chuyển đi nên Nguyễn Thị Thủy Vân đã sử dụng User đó để truy cập vào hệ thống máy tính của ngân hàng SHB, khai báo thông tin giả, tạo ra tài khoản cá nhân mang tên một người không có thực, tự ký giả chữ ký và lưu tại mục thông tin cá nhân trên hệ thống làm chữ ký mẫu của khách hàng mà không lập hồ sơ giấy. Bị cáo Nguyễn Thị Thủy Vân đã sử dụng tài khoản đã lập, sử dụng User của cán bộ ngân hàng đã chuyển công tác nơi khác để tạo ra các giao dịch thanh toán các sổ tiết kiệm không có thực trên hệ thống, trả tiền vào tài khoản này và rút ra để chiếm đoạt trên 24 tỷ đồng. Bị cáo Phan Việt Hà thì lấy thông tin từ khách hàng gửi tiền tiết kiệm để lập 04 quyển sổ tiết kiệm giả, sau đó đưa cho các nhân viên dưới quyền mình để hợp thức với các lý do giả mạo. Vì tin tưởng ở Trưởng phòng của mình nên các nhân viên dưới quyền đã thực hiện các việc theo yêu cầu của Phan Việt Hà. Sau đó Phan Việt Hà đã đem 4 quyển sổ tiết kiệm giả này, nhờ các nhân viên trong phòng đem cầm cố để vay hộ tiền của ngân hàng cho người quen. Cũng do tin tưởng ở Phan Việt Hà là Trưởng phòng của mình nên các nhân viên này để cho Phan Việt Hà vừa làm thủ tục, vừa ký nhận tiền mà không hề kiểm tra các thủ tục, điều kiện cho vay theo quy định; tạo điều kiện cho Phan Việt Hà chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng).

+ Cán bộ ngân hàng lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, có những hành vi gian dối khác như bán cổ phiếu khống của ngân hàng, không nhập quỹ hoặc nhập quỹ không đầy đủ; lợi dụng lòng tin của nhiều người... để chiếm đoạt tài sản như vụ Lê Quang Hưng, cán bộ Ban trù bị thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Hồng Việt; vụ Nguyễn Thanh Hà, kế toán ngân quỹ của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chi nhánh Tam Trinh, quận Hoàng Mai; vụ Nguyễn Thanh Hiệu, Trưởng phòng giao dịch thuộc Ngân hàng NN&PTNT huyện Thanh Trì v.v...

+ Các đối tượng ngoài ngân hàng cấu kết với cán bộ ngân hàng làm giả hợp đồng mua bán hàng hóa; giả sổ đỏ rồi thế chấp tại ngân hàng; giả hồ sơ vay tiền rồi chiếm đoạt, như: vụ Phạm Quốc Thắng làm giả nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa, cấu kết với cán bộ ngân hàng để thế chấp các hợp đồng này vào ngân hàng, từ đó chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Techcombank chi nhánh Thăng Long; vụ Đảm Quốc Anh sử dụng con dấu, giấy tờ giả làm hồ sơ vay tiền rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng NN&PTNT huyện Từ Liêm; vụ Lê Bá Quỳ  đem thế chấp 6 sổ đỏ, trong đó có 3 sổ đỏ giả để vay tiền rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng NN&PTNT quận Cầu Giấy; vụ Trần Thị Ngọc Thúy làm giả hợp đồng chuyển nhượng đất rồi làm sổ đỏ và đem thế chấp sổ đỏ giả này để vay tiền rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng INDOVINA v.v...

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp những khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa quan hệ dân sự với hành vi phạm tội, nhất là khi xác định có hay không có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, truy tố các tội phạm này không khó trong việc làm rõ các quan hệ vay nợ cũng như trong việc xác định các khoản nợ nhưng rất khó khi xác định các dấu hiệu có tính chất quyết định tới việc làm rõ yếu tố “chiếm đoạt tài sản” trong các hành vi; cụ thể là các dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản”, “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”, (điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự) “sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại” (điểm b khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự). Các vướng mắc thường nảy sinh như: hành vi dùng một tài sản, một quyền sử dụng đất để thế chấp nhiều nơi để vay tiền có vi phạm pháp luật hay không? có hành vi bỏ trốn để tránh hành vi quá khích của các chủ nợ; bỏ trốn để giãn thời gian trả nợ vì con nợ vẫn có những khả năng thanh toán nhưng đến hạn không chịu trả. Trong các trường hợp bỏ trốn thì hình thức bỏ trốn nào là chiếm đoạt tài sản? việc sử dụng tài sản, tiền vay vào các việc không đúng như thỏa thuận ban đầu giữa người vay và người cho vay có phải là sử dụng vào mục đích bất hợp pháp? hay là chỉ khi sử dụng tiền, tài sản vào những việc bị pháp luật cấm thì mới là bất hợp pháp? Ngoài ra, có quan điểm cho rằng trong các vụ án tín dụng đen mà bị can, bị cáo có nhiều hành vi vay nợ, diễn ra trong thời gian dài, vay của nhiều người ở nhiều thời điểm khác nhau thì ngoài hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (thường là các hành vi ở nửa đầu của quá trình tín dụng đen), bị can, bị cáo còn có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Thời điểm phát sinh tội phạm lừa đảo khi con nợ đã không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn gian dối nói với người khác về khả năng kinh doanh của mình để lừa dối cho vay tiền rồi dùng tiền vay đó trả các khoản nợ cũ. Việc xác minh thời điểm để xác định ranh giới giữa lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các vụ án này là rất khó khăn và có cần thiết hay không?

Khi xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng liên quan đến Điều 178 và 179 Bộ luật hình sự, cơ quan tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định các tình tiết định tội, định khung như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Từ sau khi Bộ luật hình sự được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho đến nay, các tình tiết này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Trong thực tế, các cơ quan tố tụng đã áp dụng Thông tư liên ngành số 02/2001/TTLT-TANDTCVKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999, hướng dẫn các tình tiết định khung của các tội trong các tội xâm phạm sở hữu để áp dụng cho các tình tiết ở Điều 178 và 179 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, việc vận dụng như trên không phù hợp vì hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng của các tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng không chỉ là thiệt hại về tài sản, tiền mà còn có cả những hậu quả khác về mặt kinh tế, xã hội.
Trong quá trình xử lý các hành vi làm giả và sử dụng thẻ ngân hàng giả để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc định tội danh giữa hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự) hay tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b Bộ luật hình sự)?

3. Kinh nghiệm và kiến nghị

Một là: Để bảo đảm việc xử lý các tội phạm nói chung cũng như tội phạm trong lĩnh vực tín dụng đen, lĩnh vực tín dụng ngân hàng được khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật; trước hết người tiến hành tố tụng phải nhận thức đúng, đầy đủ các qui định của pháp luật hình sự, pháp luật Tố tụng hình sự có liên quan; nhất là trong việc nhận thức các dấu hiệu định tội, định khung và các dấu hiệu có ly lai giữa các tội. Cần nhận thức đúng, đầy đủ các (hoặc một) dấu hiệu đặc trưng nhất của cấu thành tội phạm cụ thể để làm cơ sở phân biệt, định tội.

Hai là: Trên cơ sở đặc điểm của các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực tín dụng đen là xuất phát từ quan hệ tín dụng trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa hai bên (hoặc các bên), không dựa trên các qui định, qui chế chặt chẽ; do vậy để có đủ căn cứ xử lý các hành vi vay nợ rồi chiếm đoạt tài sản, cần có đủ tài liệu, chứng cứ xác định rõ các vụ việc cụ thể như xác định rõ các quan hệ vay nợ cụ thể của từng bên, các chứng từ, thỏa thuận bằng văn bản (nếu có), thỏa thuận bằng miệng như thế nào, thời điểm vay nợ, việc bảo đảm vay nợ? quá trình trả lãi theo thỏa thuận? quá trình bên vay sử dụng tiền hoặc tài sản vay như thế nào? tài sản hiện có của con nợ có khả năng thanh toán nợ đến mức độ nào? việc bỏ trốn (diễn biến bỏ trốn, động cơ, mục đích bỏ trốn, việc bắt lại hoặc ra đầu thú như thế nào…).
Tội phạm xảy ra trong lĩnh vực tín dụng đen thường có nhiều người bị hại, liên quan chặt chẽ tới tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa phương; liên quan đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản không chỉ của con nợ mà còn liên quan đến các chủ nợ; vì vậy, trong quá trình giải quyết, quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn cũng như đường lối xử lý, thời điểm xử lý; các cơ quan tố tụng cần tính toán chặt chẽ, bảo đảm việc xử lý tội phạm đúng pháp luật và có tác dụng tích cực tới việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ba là: Khi phát hiện có tội phạm xảy ra, khi kiểm sát việc khởi tố vụ án cũng như xem xét việc đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra về các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm sát viên cần nghiên cứu, nắm vững các qui định của pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm; cụ thể như các đạo luật về ngân hàng, tín dụng (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12; Luật doanh nghiệp năm 2005 (sửa đổi vào tháng 11-2005), Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (số 61/2010/QH12); các Nghị định của Chính phủ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, về hoạt động cho vay, về bảo đảm v.v...). Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các điều lệ, quy chế, quy định trong nội bộ của các ngân hàng có liên quan... Các quy định này tuy mang tính nội bộ ngân hàng nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân có liên quan; trên cơ sở đó làm rõ căn cứ pháp lý để kết luận về vi phạm của đối tượng bị khởi tố.

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, kiểm sát viên cần thực hiện nghiêm túc các quy định nghiệp vụ trong các Quy chế công tác, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thỉnh thị. Cần tập hợp các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng để có kiến nghị với các ngân hàng cũng như tập hợp vi phạm để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khắc phục.

Bốn là: Kiến nghị với Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường tập huấn cho các kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử về nghiệp vụ cũng như về kiến thức pháp lý trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xây dựng và ký Quy chế về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực phòng ngừa các vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; trong đó cần nhấn mạnh vấn đề trao đổi thông tin về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại, các dự báo vi phạm và biện pháp phòng ngừa.

Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cần khẩn trương ban hành các Thông tư liên ngành hướng dẫn việc áp dụng các điều luật của Bộ luật hình sự; ví dụ như, hướng dẫn các tình tiết định khung của các Điều 178 và 179 Bộ luật hình sự.

Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, việc để quá lâu các quy định có vướng mắc mà không có hướng dẫn dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền, tùy tiện trong áp dụng pháp luật; là tiền đề phát sinh tham nhũng, nhũng nhiễu trong hoạt động tư pháp.

Ths. Nguyễn Nông
(Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố
và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội)

;
.