Chủ nhật, 15/12/2024, 13:48 [GMT + 7]
.
.

Thực trạng kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 và giải pháp khắc phục

Thứ Năm, 19/09/2013, 09:11 [GMT+7]

(BNCTW) - Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) đã dành một mục riêng quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, xác định rõ đối tượng phải kê khai tài sản bao gồm: cán bộ từ Phó Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tài sản phải kê khai bao gồm: nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá trị và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm…

Thực hiện các quy định trên, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012. Bước đầu đã hình thành tài liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức. Kết quả cho thấy, có 113.436 người/115.883 người kê khai lần đầu (đạt 97,9%); 519.320 người/526.632 người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 03 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số đơn vị thống kê, báo cáo không đúng thời gian quy định, số liệu còn trùng lắp, chưa chính xác; việc xác minh tính trung thực của việc kê khai còn ít do các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động theo dõi, tiến hành xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập.

Việc kê khai tài sản mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện hoặc chưa phát huy tác dụng (vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng). Do đó, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, đối phó; chưa có sự gắn kết giữa kê khai tài sản, thu nhập phục vụ việc thu thuế và phục vụ phòng, chống tham nhũng. Do vậy, thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được.

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, ý thức tôn trọng, chấp hành kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Chưa có quy định về việc xử lý đối với số tài sản kê khai không trung thực. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập. Chưa kiểm soát được đầy đủ tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong việc kê khai tài sản, thu nhập ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kê khai tài sản, thu nhập còn hạn chế. Chưa phát huy được hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Để khắc phục một số tồn tại, hạn chế nêu trên, cần xây dựng cơ chế hiệu quả để kiểm soát chính xác tài sản, thu nhập không chỉ của người có chức vụ, quyền hạn mà của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức. Quy định biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; có cơ chế hữu hiệu trong bảo vệ và khuyến khích người tố cáo tham nhũng.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.