Thứ Bẩy, 14/12/2024, 19:11 [GMT + 7]
.
.

Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động khoáng sản phải bắt đầu từ việc hoàn thiện chính sách

Thứ Tư, 25/09/2013, 08:02 [GMT+7]

    “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”(1). “Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản”(2).

    Khoáng sản ở Việt Nam rất phong phú về chủng loại nhưng với quy mô vừa và nhỏ, phân bố rải rác, nằm ở vùng sâu vùng xa không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, nên khả năng khai thác gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Ngay từ rất sớm, các thế lực đế quốc đã xâm lược nước ta nhằm khai thác khoáng sản, cung cấp nguyên liệu, phục vụ cho các ngành công nghiệp của họ.

Tài nguyên, khoáng sản Việt Nam đang bị khai thác tràn lan. (Ảnh minh họa)
Tài nguyên, khoáng sản Việt Nam đang bị khai thác tràn lan. (Ảnh minh họa)

    Hoạt động khoáng sản đã diễn ra hơn một trăm năm nay kể từ khi thực dân Pháp xâm lược, nhất là khai thác than, cát pha lê, thiếc, vàng... Từ khi Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, hoạt động khoáng sản được đẩy mạnh về quy mô và mức độ khai thác, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Theo đó, nguồn nhân lực trong các hoạt động khoáng sản tăng nhanh, nhiều khu dân cư, đô thị hình thành cùng với sự phát triển của ngành khai thác khoáng sản.
    Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản ở nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt mà lại không thể tái tạo được; giữa số lượng, quy mô khai thác ngày càng cao với việc bảo toàn cho thế hệ mai sau; giữa khai thác với bảo vệ môi trường; khai thác với vấn đề an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là với PCTN trong hoạt động khoáng sản. Trong những năm qua, chính sách về hoạt động khoáng sản được quan tâm và ngày càng hoàn thiện. Từ khi có Luật khoáng sản (1996), Luật bảo vệ môi trường (2005) đến nay đã có 217 văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản: 47 nghị quyết, nghị định, 15 chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 119 quyết định, thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, 36 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các luật có liên quan như: Luật khoa học công nghệ (2000), Luật đất đai (2003), Luật ngân sách nhà nước (2003), Luật đấu thầu (2005), Luật hóa chất (2007), Luật đa dạng sinh học (2008), Luật thuế tài nguyên (2009), Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ luật hình sự (2009), Luật thuế bảo vệ môi trường (2010); Luật xử lý vi phạm hành chính (2012)... Việc ban hành ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được một số khâu có hành vi tham nhũng trong hoạt động khoáng sản, bảo vệ được nhiều vùng khoáng sản có giá trị mà trước đây thường dễ bị xâm phạm.
    Tuy nhiên, chính sách pháp luật về khoáng sản còn những bất cập như: sự chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách về khoáng sản đã gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế, môi trường và ổn định xã hội; chưa làm rõ quyền của chủ sở hữu là nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế khi được giao khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; một số quy định trong pháp luật về khoáng sản chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện tại địa phương; biện pháp xử lý, chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên…
   
    Do vậy, việc hoàn thiện chính sách trong hoạt động khoáng sản trên quan điểm phát triển bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay và cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau đây:
    Thứ nhất, phải bảo đảm hài hòa tính lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân
    Mỗi nội dung chính sách trong hoạt động khoáng sản đều phản ánh mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức doanh nghiệp với nhân dân nói chung, nhất là nhân dân sống trong vùng có tài nguyên khoáng sản. Lợi ích Nhà nước chính là lợi ích của nhân dân, của Đảng mà cả hệ thống chính trị và nhân dân phải được thể hiện ở từng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tâm lý cho rằng khoáng sản là của nhà nước - “của công” nên việc đấu tranh bảo vệ pháp luật trong hoạt động khoáng sản chưa quyết liệt.
    Thực tế ở nhiều vùng khoáng sản, tình trạng nhân dân cũng là lực lượng đông đảo vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản nên việc PCTN trong hoạt động khoáng sản càng trở nên khó khăn hơn. Cơ quan quản lý có xu hướng ban hành nhiều thủ tục, dẫn đến chồng chéo. Khi thủ tục càng nhiều (thậm chí là phi lý) thì càng có chỗ để “vận dụng” và khi đó cơ chế xin - cho vẫn là mảnh đất tốt cho nạn tham nhũng phát triển. Trên thực tế, có doanh nghiệp, cá nhân tác động ngầm trong việc xác lập quy hoạch, mở rộng điều chỉnh khu vực tận thu, bảo vệ, đánh giá tác động đến môi trường, thăm dò, khai thác và cấp phép, đấu giá…
    Lợi dụng cơ chế xin - cho trong phê duyệt dự án, đầu tư cho điều tra khoáng sản, để có được thông tin, dù không đủ năng lực nhưng vẫn có được nhiều dự án. Tham nhũng trong hoạt động khoáng sản vẫn là một trong những dạng tham nhũng phức tạp nhất, gây thất thoát lớn nhất, gây ô nhiễm môi trường cao nhất và gây mất trật tự an ninh nhất. Tính chất phức tạp của tham nhũng từ chính sách trong hoạt động khoáng sản vì nó khó nhận diện, khó phát hiện và rất nhạy cảm bởi nó được thực hiện do cấp có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Đã có dấu hiệu “vận động hành lang” của một số nhóm người có lợi ích từ hoạch định chính sách khoáng sản, nhất là ở các địa phương. Những quy định không đủ sức để ngăn cản việc cấp phép khai thác tràn lan, không gắn chặt với bảo vệ môi trường, thiếu tính khả thi đã dẫn đến tình trạng “đục nước, béo cò” trong hoạt động khoáng sản. Tham nhũng từ trong chính sách được gọi là tham nhũng “sạch” vì nó không trực tiếp nhũng nhiễu, lấy tiền của dân mà thu lợi một cách gián tiếp thông qua các đối tượng trung gian như cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi lớn từ việc ban hành quyết định.
    Vì thế ngay từ chính sách, phải bảo đảm xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, cơ chế xin - cho trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, đất nước một cách toàn diện, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
    Thứ hai, phải bảo đảm tính kịp thời và đồng bộ
    Việc chậm ra đời của một chính sách cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trên lĩnh vực mà lẽ ra chính sách đó phải được ban hành kịp thời để ngăn chặn tham nhũng. Ví dụ, Đề án “đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn chưa xây dựng được Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản Việt Nam để làm căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch từng giai đoạn của đề án. Chính vì thế, việc chậm ban hành Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản lại là một trong những nguyên nhân của tình trạng khai thác tràn lan. Tính đồng bộ thể hiện ở việc hoàn thiện chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trên các lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản. Tính đồng bộ còn thể hiện ở các quy định có liên quan như việc kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức; thực hiện việc chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật; tăng cường đầu tư áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Cần phải có hệ thống các quy định đủ để tạo thành “hàng rào” về hành chính, kinh tế và kỹ thuật, góp phần PCTN trong hoạt động khoáng sản.
    Thứ ba, tính khoa học, khả thi
    Trong xây dựng chính sách phải thể hiện sự khách quan khi đánh giá, nhận định tình hình, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra được những giải pháp đúng đắn bằng các quy định của văn bản pháp luật. Vai trò của người dự thảo là cực kỳ quan trọng, có tính chất chi phối đến kết quả của chính sách. Đối với họ, không chỉ cần có tư duy khoa học mà còn cần đến sự liêm khiết và dũng khí đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động khoáng sản.
    Chính sách được xây dựng đúng đắn và được thực thi trong cuộc sống còn phụ thuộc vào trình độ kiến thức và ý thức pháp luật của công dân, điều kiện kỹ thuật, tài chính, đạo đức, năng lực trình độ của người quản lý, đặc biệt là điều kiện phát triển của nền kinh tế - xã hội. Tham nhũng trong hoạt động khoáng sản thường diễn ra trên địa bàn rộng lớn, có tính chất phức tạp với nhiều tổ chức và nhiều người tham gia. Lực lượng chống tham nhũng là cán bộ, công chức cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân song ngay cả người dân trong vùng hoạt động khoáng sản vì việc làm, đời sống cũng a dua với những tiêu cực, tham nhũng. Còn cán bộ có trách nhiệm chống tham nhũng trong hoạt động khoáng sản cũng có xu hướng kiếm lợi từ hoạt động khoáng sản thông qua việc “làm ngơ”, bảo kê, cấu kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật, làm giàu bất chính. Điều đó lý giải tình trạng nhiều chủ trương biện pháp đưa ra rất đúng đắn nhưng không được thực thi nghiêm túc, không đi vào cuộc sống, làm cho nhiều vùng khoáng sản bị khai thác trái phép, cạn kiệt, tan hoang, tàn phá đất sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng thường bị đổ lỗi cho lực lượng mỏng, địa bàn rộng, đối tượng phạm pháp tinh vi…
    Tính khả thi còn phụ thuộc vào việc phân công rõ nghĩa vụ quyền hạn của các chủ thể quản lý trong hoạt động khoáng sản theo hướng một người, một cơ quan nhà nước, một cấp chính quyền hành chính chịu trách nhiệm chính và tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp trên (qua các cơ quan chức năng có liên quan). Tránh trường hợp có quá nhiều người chịu trách nhiệm nhưng khi xảy ra vấn đề gì thì chẳng quy được trách nhiệm cho ai. Có thể nghiên cứu ban hành chính sách trong hoạt động khoáng sản theo hướng xã hội hóa một số khâu trong hoạt động khoáng sản. Ví dụ, để đạt được mục tiêu bảo vệ vùng khoáng sản cấm khai thác thì có thể có nhiều phương thức tổ chức triển khai thực hiện. Thay vì nhiều cơ  quan hành chính, nhiều cấp chịu trách nhiệm quản lý như hiện nay thì có thể thí điểm giao cho một công ty với đầy đủ hành lang pháp lý, sức mạnh về nhân sự, sự cam kết về tài chính, phục vụ lâu dài. Chính vì lợi ích, sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp mà gắn chặt họ với công tác bảo vệ, giữ gìn tài nguyên khoáng sản được giao, họ sẽ có phương án sáng tạo, tổ chức thực thi quyết liệt, hiệu quả thiết thực. Khi đó, các cơ quan hành chính, các cấp chính quyền và nhân dân sẽ tập trung vào việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của công ty đó.
    Thứ tư, dân chủ, công khai, minh bạch
    Thực tiễn luôn vận động, biến đổi và hoạt động khoáng sản cũng xuất hiện thêm những vấn đề phức tạp mới. Các chủ thể ban hành chính sách phải coi trọng việc phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống các chính sách để xây dựng kế hoạch ban hành pháp luật. Sự phát hiện những bất hợp lý, những vấn đề đang nảy sinh là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng thậm chí trong điều kiện mới có thể sẽ nảy sinh tham nhũng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
    Vì vậy, các cơ quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phải luôn luôn coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo khoa học về chính sách. Không chỉ các cơ quan tham mưu mà tiến tới xã hội hóa công tác này với tinh thần phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm không phân biệt trong và ngoài biên chế, không phân biệt người đương chức hay đã nghỉ hưu, không phân biệt người trong hay ngoài nước. Những vấn đề xã hội bức xúc do tham nhũng trong hoạt động khoáng sản có nguyên nhân là kẽ hở của các chính sách. Vậy làm thế nào để “bịt” được kẽ hở đó, và nếu như phát huy sức sáng tạo của toàn dân chắc chắn sẽ có nhiều người “hiến kế” để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Lâu nay việc huy động sức dân trên lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, thường thì “nước đến chân mới nhảy” rồi bị động khi đưa ra những quyết sách vội vàng, chắp vá, thiếu sự thể nghiệm, thiếu sự nghiên cứu sâu sắc, làm cho những quy định không những không được thực hiện mà gây tâm lý coi thường hoặc sự phản ứng của xã hội khá mãnh liệt. Khi đó, uy tín của cấp có thẩm quyền ban hành chính sách bị hạ thấp và hiệu lực của chính sách cũng vì thế mà ngày càng thấp. Chú trọng thực hiện dân chủ từ khi dự thảo, xin ý kiến, tiếp thu lựa chọn những vấn đề có ý kiến khác nhau để tranh luận tìm ra những luận điểm đúng nhất. Dân chủ, công khai, minh bạch sẽ góp phần hạn chế những yếu tố có thể phát sinh tiêu cực trong quá trình hoạch định chính sách. Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là những người dân có lợi ích thiết thân trong hoạt động khoáng sản phải được tổ chức lại, tập hợp sức mạnh tinh thần tham gia đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả cho việc hoàn thiện chính sách.
    Thực thi chính sách trong hoạt động khoáng sản là yếu tố vô cùng quan trọng sau khi chính sách ban hành. Các cơ quan chức năng qua quá trình kiểm tra, giám sát không chỉ nhằm mục tiêu phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khoáng sản mà còn phát hiện được sự bất hợp lý của chính sách để kiến nghị bổ sung, sửa đổi. Việc hoàn thiện chính sách trong hoạt động khoáng sản là hành động thiết thực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi”(3).

(1) Luật khoáng sản số: 60/2010/QH12.
(2) Luật khoáng sản số: 60/2010/QH12.
(3) Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Tr. 66.

ThS. Võ Mạnh Sơn
(Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sầm Sơn - Thanh Hóa)
 

;
.