Chủ nhật, 15/12/2024, 13:48 [GMT + 7]
.
.

Coi trọng điều kiện về lý lịch tư pháp trong việc tuyển dụng công chức, viên chức

Thứ Tư, 18/09/2013, 10:07 [GMT+7]

Phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 36 về điều kiện tuyển dụng công chức thì những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức: “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục”. Quy định này đồng nghĩa với việc muốn xác định, biết chính xác một cá nhân có tiền án, tiền sự hay không thì bắt buộc phải có LLTP để chứng minh. Hiện chưa có một loại giấy tờ nào ghi cụ thể, rõ ràng và giá trị pháp lý được pháp luật thừa nhận ngoài Phiếu LLTP để chứng minh về án tích của một người. Do đó, có thể nói, trước khi được tuyển dụng làm công chức, viên chức thì người đó phải có LLTP rõ ràng. Phiếu LLTP không chỉ được pháp luật thừa nhận rộng rãi ở trong nước mà rất được các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài coi trọng. Ở nước ngoài, các cơ quan chức năng rất coi trọng Phiếu LLTP, nhất là các doanh nghiệp khi vào đầu tư làm ăn với nước ta đều yêu cầu những người xin vào làm việc hoặc đối tác làm ăn bình thường phải cung cấp Phiếu LLTP rõ ràng.

Người dân làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp
Người dân làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp

Thời gian qua, phần lớn các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đều thực hiện nghiêm quy định về điều kiện bắt buộc người đăng ký dự tuyển hoặc trước khi ra quyết định tuyển dụng công chức, viên chức phải cung cấp LLTP. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, hạn chế hiệu quả tình trạng một số người có hành vi vi phạm pháp luật, đang có tiền án, tiền sự và cả đối tượng bị truy nã lọt vào các cơ quan nhà nước như đã từng xảy ra ở một số nơi. Thậm chí có trường hợp người đang bị truy nã giả mạo giấy tờ được nhận vào làm việc cả ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, minh chứng điển hình là vụ tội phạm trốn lệnh truy nã trở thành trung úy công an ở  TP Biên Hòa, Đồng Nai...

Hiện vẫn có một số cơ quan bỏ qua quy định về yêu cầu cung cấp LLTP, khi tuyển dụng vào cơ quan nhà nước. Điều này vi phạm quy định pháp luật về bắt buộc chứng minh tình trạng không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; không đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục của một cá nhân trước khi được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.

Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về LLTP ở các cơ quan nhà nước để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đối với các tập thể, cá nhân không tuân thủ pháp luật, cố tình bỏ qua quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 36 về điều kiện tuyển dụng công chức để cho các đối tượng có tiền án, tiền sự, bị truy nã vào làm việc tại các cơ quan nhà nước thì phải xử lý nghiêm như cách chức, buộc thôi việc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Có như vậy, mới đảm bảo làm trong sạch bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh; góp phần tích cực vào việc phát hiện, xử lý các đối tượng nguy hiểm bị trốn lệnh truy nã, đang có tiền án, tiền sự ngang nhiên vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, gây hại cho uy tín của các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị cũng như giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Phạm Văn Chung

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

;
.