Thứ Hai, 16/12/2024, 21:40 [GMT + 7]
.
.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thứ Ba, 21/05/2013, 21:42 [GMT+7]

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan nhà nước đã tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực giám sát nhiều công tác của chính quyền (như việc tiếp công dân, công khai nhiệm vụ, thu chi ngân sách, công tác cán bộ...); tổ chức nhiều hòm thư để nhân dân tham gia tố cáo, phát hiện tham nhũng; tiếp nhận, phân loại đơn thư của công dân để chuyển tải, kiến nghị kịp thời với cơ quan nhà nước, đồng thời giám sát việc giải quyết. Qua hiệp thương bầu cử đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát hiện, loại khỏi danh sách những trường hợp vi phạm pháp luật, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống, tín nhiệm thấp... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố đã có nghị quyết, xây dựng quy chế phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và một số cơ quan về cơ chế giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung vào giám sát phòng ngừa tham nhũng, giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, đôn đốc hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng đối với thành viên tổ chức mình và với nhân dân, tham gia xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán  bộ, công chức, phối hợp thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của các cấp chính quyền. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã có sự chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng như tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, kiến nghị đối với công tác phòng chống tham nhũng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng quy tắc ứng xử trong nội bộ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, cam kết không đưa hối lộ để giành lợi thế kinh doanh.

Các cơ quan báo chí luôn có đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan báo chí truyền thông còn có nhiều tin bài phản ánh sâu rộng về các vụ việc tham nhũng; lên án mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thông tin tình hình, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng cũng như biểu dương, động viên những tấm gương điển hình trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều tờ báo đã lập chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng, thực hiện nhiều phóng sự, bài viết về tham nhũng được dư luận đồng tình và giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sai phạm. Nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng do báo chí phát hiện như công tác quản lý đất đai ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang), Đồ Sơn (Hải Phòng)... được Chính phủ chỉ đạo và các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh. Nhiều công dân ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực hợp tác, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, đóng góp sáng kiến, giải pháp; tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng...

(Theo "Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng”, Nxb Chính trị quốc gia, tác giả Phạm Ngọc Hiền – Phạm Anh Tuấn)

;
.