Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những mùa xuân đáng ghi nhớ của lịch sử dân tộc
Thứ Hai, 16/02/2015, 00:37 [GMT+7]
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhiều mùa Xuân được coi là những cái mốc quan trọng đáng ghi nhớ gắn liền với những bước ngoặt có tính lịch sử của cách mạng Việt Nam. Ôn lại những mùa Xuân đáng ghi nhớ đó, chúng ta càng thấm thía công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
1. Mùa Xuân năm 1925, nguyễn Ái Quốc mở lớp học chính trị để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt nam
Cuối năm 1924, khi đến Quảng Châu, Trung Quốc, ngoài nhiệm vụ quốc tế, Nguyễn Ái Quốc thực hiện nhiệm vụ trọng đại là chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người nhanh chóng tiếp xúc với những thanh niên yêu nước đang khao khát tiếp thu những tư tưởng tiến bộ tập hợp trong nhóm Tâm tâm xã như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong...
Tháng 02-1925, đúng vào những ngày Xuân trên đất Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Vương, mở lớp học chính trị đầu tiên. Sau lớp học, Người chọn được 09 thanh niên tích cực nhất lập ra nhóm bí
mật là Cộng sản Đoàn làm hạt nhân cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và những tư tưởng cách mạng của Người về Việt Nam. Như vậy, vào mùa Xuân năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được lực lượng để “gieo mầm cộng sản”. Từ mùa Xuân năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc mở nhiều khóa học, đào tạo được nhiều thanh niên yêu nước có học vấn từ trong nước sang làm lực lượng nòng cốt cho công tác tổ chức và tuyên truyền cách mạng. Các khóa học được tổ chức tại số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu (nay là số 248 và 250 đường Văn Minh). Chương trình học gồm ba vấn đề chính: “Nhân loại tiến hóa sử”, nói về lịch sử loài người, nhưng chủ yếu là thời kỳ ra đời của chủ nghĩa tư bản; “Lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc”, chủ yếu giới thiệu về Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam; “Lịch sử phong trào công nhân quốc tế”, giới thiệu Quốc tế I, II, III, các cuộc cách mạng trong lịch sử, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, học viên còn được giới thiệu về học thuyết của Găngđi (1869-1948, ông là nhà triết học, nhà văn nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ). Chương trình học có gắn với những hoạt động thực tiễn như vận động tổ chức công hội, nông hội, công tác hoạt động bí mật và tuyên truyền, v.v…
Người dành hết thời gian, từ lên lớp, hướng dẫn thảo luận, đến thực hiện chương trình ngoại khóa. Lê Mạnh Trinh (người dự học lớp bồi dưỡng chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc) kể lại: “Trong những buổi học, đồng chí Vương là người phụ trách giảng nhiều nhất... Mọi người rất thích đồng chí Vương đến giảng hay tham gia các cuộc báo cáo học vấn ở tổ. Vì cùng một vấn đề ấy mà đồng chí Vương giảng hay giải đáp thì mọi người dễ nắm được vấn đề hơn”(1). Những bài giảng của
Người sau đó (đến đầu năm 1927) được tập hợp thành cuốn Đường Kách mệnh, xuất bản ở Quảng Châu. Đây là tác phẩm lý luận chính trị vô sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam.
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội công bố Chương trình và Điều lệ, nói rõ mục đích làm cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới. Về đối nội, thành lập chính phủ nhân dân, áp dụng chính sách kinh tế mới, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Về đối ngoại, đoàn kết với vô sản tất cả các nước, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Về tổ chức, Hội có Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Cũng trong tháng 6-1925, Người ra báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội. Đây là tờ báo vô sản đầu tiên ở nước ta và được bí mật đưa về phát hành ở trong nước, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Tháng 7-1925, Người sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức với sự tham gia của các nhà cách mạng châu Á mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một chi hội hoạt động có hiệu quả cho tổ chức quốc tế này.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn Việt Nam lúc đó, giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các tầng lớp dễ tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Ái Quốc dùng tên Hội mà chưa dùng tên Đảng là muốn đưa tổ chức cách mạng đó vào quần chúng một cách thuận lợi, để quần chúng dễ tiếp thu cả về tổ chức, tôn chỉ, mục đích của Hội, từ đó sẽ phát triển lên ở mức cao hơn. Đúng như Người đã giải thích: “Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức, thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai sẽ chứng minh điều đó”(2). Rõ ràng từ mùa Xuân năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện được nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình cách mạng Việt Nam là chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 Đảng Lao động Việt Nam, ngày 05-9-1960. (Ảnh tư liệu) |
2. Mùa Xuân năm 1930, nguyễn Ái Quốc sáng lập đảng Cộng sản Việt nam, đề ra Cương lĩnh cách mạng đúng đắn
Thời kỳ năm 1925-1929, hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đẩy phong trào cách mạng Việt Nam lên bước phát triển mới, tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Trong thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời:
Tháng 6-1929, Kỳ bộ Bắc Kỳ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng; tháng 8 - 1929, Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập An Nam Cộng sản Đảng; tháng 01-1930, cánh tả trong Đảng Tân Việt thành lập Đông Dương
Cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên, do không thống nhất về tổ chức, dẫn đến ba tổ chức Đảng không thống nhất về tư tưởng và hành động, nếu để kéo dài tình trạng này sẽ làm yếu phong trào. Thống nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất là đòi hỏi cấp bách của cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ trọng đại đó lại được đặt lên vai Nguyễn Ái Quốc và lịch sử cũng một lần nữa xác nhận vai trò to lớn, tài ba và uy tín tuyệt đối của Người.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Thái Lan, được biết tình hình không thống nhất giữa ba tổ chức cộng sản ở trong nước, Người lập tức đến Hồng Kông. Với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập Hội nghị đại biểu ba tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày 03-02 đến ngày 07-02-1930, vào những ngày đầu Xuân, đúng Tết Nguyên Đán, Người chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam ở Cửu Long, Hồng Kông. Tham dự Hội nghị, ngoài Nguyễn Ái Quốc - đại diện Quốc tế Cộng sản, có Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu - đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu - đại biểu An Nam Cộng sản Đảng... Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập chưa kịp cử đại biểu.
Dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhất trí thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, chỉ đạo toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam từ đó về sau.
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn, chứng minh Nguyễn Ái Quốc nắm được khoa học cách mạng của thời đại, đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm cho cách mạng Việt Nam đi đúng quỹ đạo của cách mạng vô sản và trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một Đại hội Đảng - Đại hội thành lập Đảng. Nói về ý nghĩa trọng đại sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”(3).
Ngày kết thúc Hội nghị, trong không khí đón Xuân ở Hồng Kông, các đại biểu dự Hội nghị đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. “Để chúc mừng Đảng ta ra đời, Bác đãi một bữa Tết Nguyên Đán linh đình. Bác nói: Từ năm 1918, Bác gửi cho Hội nghị Vécxây 08 khoản yêu cầu của nhân dân Việt Nam; đầu năm 1920, vào Đảng Cộng sản Pháp, đến năm 1924 dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và năm 1930 dự buổi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là những ngày sung sướng nhất trong đời Bác”(4).
3. Mùa Xuân năm 1941, nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam
Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về nước đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây là cái Tết đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đồng thời là sự kiện lịch sử trọng đại, có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng nước ta. Đầu tháng 01-1941, trước khi về nước, tại Tĩnh Tây, Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam, Người mở lớp huấn luyện
chính trị cho 43 cán bộ Việt Nam. Cộng sự của Người có Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính: “Tình hình thế giới và trong nước”; “Tổ chức đoàn thể quần chúng”; “Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng”. Các tài liệu do Người biên soạn sau in litô thành cuốn Con đường giải phóng. Sau gần một tháng, ngày 26-01-1941, tức ngày 30 Tết, lớp học kết thúc. Các học viên tỏa về các địa phương thuộc hai châu Hà Quảng và Hòa An để hoạt động. Hôm sau, 27-01-1941, tức mồng một Tết Tân Tỵ, Người trong bộ quần áo dân tộc Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy thuộc Tĩnh Tây, Trung Quốc. Theo phong tục người Nùng ở đây, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trong đó có viết dòng chữ Hán “Chúc mừng năm mới”, các cháu nhỏ được nhận tiền phong bao, mỗi gói một đồng xu.
Ngày 28-01-1941, tức mồng hai Tết Tân Tỵ, Người cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp... lên đường về nước. Khi tới cột mốc 108, Người đứng lặng hồi lâu, bồi hồi, xúc động. Người ở hang Cốc Pó, thuộc làng Pác Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng với bí danh Già Thu. Phía dưới cửa hang là con suối nước trong và một ngọn núi hùng vĩ, được Người đặt tên là “Suối Lênin” và “Núi Các Mác”. Người dùng tảng đá bên bờ suối làm bàn viết và dịch tiếp cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga ra tiếng Việt. Tại đây, ngày Tết quần chúng trong vùng đến chúc Tết rất đông. Người vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ. Các chị phụ nữ mỗi người một cái làn đựng thẻ hương và quà bánh, kéo từng đoàn đến lễ Tết. Mỗi người đều được Người tặng một phong bao giấy đỏ, trong đó có một xu. Người giải thích: “Một xu này là của đoàn thể cho. Nó là xu nguyệt phí của các đồng chí, xu mua báo của các đồng chí. Các đồng chí cầm đồng xu, quý đồng xu không phải vì nó là tiền, mà là để nhớ đoàn thể, có trách nhiệm với đoàn thể”(5). Trong không khí ngày Xuân, Người sáng tác thơ “Pác Bó hùng vĩ”: “Non xa xa, nước xa xa Nào phải thêng thang mới gọi là Đây suối Lênin, kia núi Mác Hai tay xây dựng một sơn hà”. Và bài “Tức cảnh Pác Bó”:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Tại Pác Bó, trong những tháng mùa Xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tiến hành xây dựng các đoàn thể cứu quốc, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày đào tạo cán bộ. Tại đây, Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng, họp từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng nước ta lúc này. Theo sáng kiến của Người, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Ngay sau Hội nghị, Người soạn thảo Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của Việt Minh. Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết đúng đắn của Hội nghị đã được toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện, dấy lên cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
4. Mùa Xuân năm 1951, Hồ Chí Minh chủ trì đại hội lần thứ ii của đảng, đưa cuộc kháng chiến chống pháp đến thắng lợi
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không lâu, quân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Qua hơn 05 năm tiến hành cuộc kháng chiến (1946-1951), quân dân ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Để động viên tinh thần quân và dân ta, đầu Xuân năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc Tết tới đồng bào, chiến sĩ, anh chị em cán bộ và các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng. Người khen ngợi những thành tích của quân dân ta trong năm 1950 và chỉ rõ, năm 1951 phải là một năm tiến bộ vượt bậc, một năm tích cực chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công. Ngày 05-02-1951, tức ngày 30 Tết Tân Mão, Người chủ tọa cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Buổi tối, Người gặp gỡ và dự bữa cơm tất niên cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ và có Thơ chúc Tết toàn thể đồng bào:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị Tổng phản công kịp thời”.
Hôm sau, ngày 06-02, tức mồng một Tết Tân Mão, Người dậy sớm, đến tận phòng nghỉ của các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng bắt tay và chúc Tết từng người, mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. Sau đó, Người tiếp tục chủ tọa cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình thế giới, quân sự và ngoại giao... Buổi tối, Người cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ vui lửa trại. Người đề nghị mỗi người phải tự nghĩ ra một trò vui, hoặc một bài thơ, một câu chuyện, một bài hát hay điệu múa cho cuộc vui. Không khí ngày Tết kháng chiến giữa rừng Việt Bắc tuy còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng thật vui vẻ.
Mùa Xuân năm 1951, đánh dấu một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị của dân tộc ta. Đó là Đại hội lần thứ II của Đảng được tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, từ ngày 11đến ngày 19-02-1951. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo chính trị nêu bật những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong hơn 20 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Căn cứ vào sự phân tích cụ thể tình hình quốc tế, trong nước, Người nêu nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là: “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới; nhiệm vụ cụ thể là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; tổ chức Đảng Lao động Việt Nam”(6).
Đại hội còn nghe báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh và các báo cáo về tổ chức Đảng, về củng cố khối đại đoàn kết, về chính quyền dân chủ nhân dân, về xây dựng quân đội nhân dân, về kinh tế tài chính, về xây dựng văn nghệ nhân dân cùng các tham luận về công tác dân vận, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ... Trong điều kiện mới, Đại hội chủ trương xây dựng ở Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng cách mạng riêng để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở mỗi nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam và bầu Ban Chấp hành Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong tám chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam là kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến: Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Chính sách quân sự, kinh tế, văn hóa v.v... của Đảng Lao động Việt Nam đã nói rõ trong bản Tuyên ngôn và Chánh cương. Chính sách ấy có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”(7).
Đại hội lần thứ II diễn ra giữa lúc Chiến dịch Trung du vừa thắng lợi, Chiến dịch Long Xuyên và Bắc Thừa Thiên quân ta đang đánh mạnh, “tấm lòng Đại hội nhiều lần hướng về tiền tuyến một cách nồng nàn”. Tin thắng trận từ các mặt trận truyền về chào mừng Đại hội qua những tràng vỗ tay râm ran của các đại biểu. Những phút cảm động nhất trong những ngày Xuân là Đại hội đón những đồng chí vừa đánh thắng giặc từ mặt trận trở về dự và tiễn những đồng chí nhận công tác mới cấp tốc lên đường ra mặt trận. Đại hội không quên được hình ảnh khi đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa đọc xong bản Báo cáo quân sự thì đồng chí Hoàng Quốc Việt chạy lên ôm hôn thắm thiết, cả Đại hội nhảy lên vỗ tay hoan hô. Tiếng hô vang vừa dứt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên nói những lời vô cùng cảm động: “Nói đến quân đội ta, quân đội Việt Nam anh dũng, chúng ta phải nhớ đến đoạn đầu, những người đội viên du kích đầu tiên, bây giờ chúng ta có cả dân quân, bộ đội địa phương, bộ đội chính quy. Đấy là nhờ chủ nghĩa Mác-Lênin”(8). Giữa những tràng vỗ tay không dứt, Người nói tiếp: “Chiến trường biên giới còn tươi máu anh hùng: Bộ đội chịu đói, chịu ướt hơn bốn ngày trời mà vẫn bám giặc và đánh thắng giặc. Có người bị thương bảo bạn đồng ngũ: Cậu chặt tay cho mình một cái để khỏi đỡ vướng, rồi cứ xung phong.
Nhân dân, nhất là chị em phụ nữ đi vận tải cho bộ đội, cùng chia những gian khổ, cực nhọc của tiền tuyến với bộ đội... Đó là những anh hùng vô danh. Dân tộc ta là dân tộc anh hùng. Người vừa dứt lời, Đại hội reo lên: Tinh thần anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm”. Thành công của Đại hội gắn liền với sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng vừa được Đại hội quyết định cho ra đời đăng số đầu tiên, đã viết: “Hồ Chủ tịch đã đến, đem lại cho Đại hội một linh hồn. Mỗi ý kiến của Người là một tia sáng, mỗi cử chỉ của Người là một bài học, mỗi lời nói của Người là một mến thương. Tất cả Đại hội vui lên vì thấy Người vui và Người đã vui vì ở Đại hội Người đã trông thấy những con em mà Người suốt đời dạy dỗ, gây dựng, nay đã cứng cáp, lớn khôn.
Cách mạng Việt Nam do Người dìu dắt đã đến độ trưởng thành”(9). Đại hội lần thứ II của Đảng vào mùa Xuân năm 1951 đã soi sáng cho những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dẫn đến chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, kết thúc 09 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp, một thắng lợi vô cùng vẻ vang và có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
(1) Bác Hồ (Hồi ký), Nxb Văn học, H.1975, tr.80-81. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2009, t.3, tr.35.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2009, t.10, tr.8.
(4) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb CTQG, H.1994, tr.35-36.
(5) Bác Hồ (Hồi ký), Nxb Văn học, H.1975, tr.150.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2009, t.6, tr.170-171.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2009, t.6, tr.170-171.
(8) Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, H.1960, tr.16.
(9) Báo Nhân dân, số 1, 1951.
|
PGS, TS. Lê Văn Yên - Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Ths. Trương Thị Văn - Ban Nội chính Trung ương
;