Thứ Tư, 27/11/2024, 21:25 [GMT + 7]
.
.

Tiến hành 1.959 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN

Thứ Năm, 29/01/2015, 10:36 [GMT+7]

Năm 2014, cả nước có 54 bộ, ngành, địa phương tiến hành 751 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 565 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm trên 251 tỷ đồng, 3.038,5 ha đất; kiến nghị thu hồi 146,7 tỷ đồng, 1.682,6 ha đất, kiến nghị xử lý khác 104,3 tỷ đồng, 1.355,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.363 tập thể, 12.442 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 8 vụ, 14 người. Kết quả thanh tra cho thấy, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định…. Các địa phương thanh tra có hiệu quả như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Yên Bái...

Một Hội nghị giao ban của Thanh tra Chính phủ
Một Hội nghị giao ban của Thanh tra Chính phủ

Trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, có 61 bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.282 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 1.005 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.587 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.782 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 805 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 933 tập thể, 572 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 06 vụ, 24 người. Các thiếu sót, vi phạm chủ yếu là: không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, thi công sai thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán không đúng thực tế thi công... Các địa phương thanh tra có hiệu quả gồm: Quảng Trị, Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Tiền Giang ...

Trên lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, có 59  bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.070 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 2.542 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 5.211 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 3.310 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.901 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 735 tập thể, 1.461 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 25 vụ, 40 người. Vi phạm trong lĩnh vực tài chính chủ yếu là việc quản lý ngân sách chưa chặt chẽ, không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng kinh phí; thu chi sai quy định và không đúng mục đích; trốn, nợ đọng thuế; chiếm dụng vốn; hợp thức hóa hóa đơn chứng từ; không theo dõi công nợ; chưa tuân thủ chế độ kế toán và hạch toán theo quy định... Các địa phương triển khai thanh tra có hiệu quả: Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc…

Cũng trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn toàn ngành triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả triển khai thanh tra chuyên đề về Thanh tra Chính phủ.   

Theo báo cáo, các bộ, ngành đã thành lập 96 đoàn thanh tra, thanh tra 444 dự án công trình, kiểm tra 194 dự án có tổng mức đầu tư là 357.330 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố đã thành lập 644 đoàn thanh tra (trong đó, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc có Trung ương là 158 đoàn, Thanh tra các cấp huyện là 419 đoàn, các sở, ngành là 67 đoàn) tiến hành thanh tra 12.546 dự án, công trình với tổng mức đầu tư là 144.873 tỷ đồng. Qua thanh tra kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền là: 7.953 tỷ đồng, trong đó: thu hồi về ngân sách nhà nước là 1.246 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.554 tỷ đồng và xử lý khác (điều chỉnh giá trị dự toán, giá trị hợp đồng, yêu cầu sửa chữa lại...) là 5.153 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý hành chính: kiểm điểm rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 01 vụ việc.

Tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm chủ yếu được phát hiện qua thanh tra là: Một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tập trung thanh tra các dự án có tổng mức đầu tư lớn; chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các quy định cụ thể và các chế tài xử lý vi phạm, chưa xây dựng được các giải pháp kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng phê duyệt nhiều dự án với tổng mức đầu tư cao gấp nhiều lần so với nguồn vốn do cấp mình quản lý...

Thanh tra 58 bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.959 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 3.154 đơn vị.

Qua thanh tra đã phát hiện 595 đơn vị có vi phạm; kiến nghị xử lý 460 tổ chức, 608 cá nhân (đã xử lý 252 tổ chức, 194 cá nhân), chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại và chấn chỉnh nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư. Như việc thành lập cơ quan tiếp công dân còn chậm so với quy định; chưa xây dựng quy trình, quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; tiếp dân chưa gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; số lượng đơn thư tồn đọng còn nhiều; chưa quan tâm bố trí cán bộ tiếp công dân…), trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (chậm, sai sót về quy trình thủ tục, thời hạn, thời hiệu, chất lượng giải quyết hạn chế; kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo chưa chưa được quan tâm, công tác lưu trữ tài liệu thiếu khoa học,…. Trong công tác phòng, chống tham nhũng còn một số tồn tại như: chậm triển khai các chủ trương, quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các giải pháp phòng ngừa chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; công tác tự kiểm tra còn yếu…

Các địa phương triển khai khá đồng bộ thanh tra trách nhiệm gồm: TP Hà Nội, các tỉnh Nam Định, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Minh Tâm

(TTCP)

;
.