Thứ Tư, 27/11/2024, 21:25 [GMT + 7]
.
.

Kết quả phát hiện và phối hợp xử lý các hành vi có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán

Thứ Năm, 22/01/2015, 07:32 [GMT+7]
(BNCTW) - Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2014, trên cơ sở định hướng, chiến lược của ngành và một số yêu cầu trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
 
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với Kiểm toán Nhà nước về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với Kiểm toán Nhà nước về dự thảo
Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Việc phát hiện và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán:
Về tiến độ kiểm toán năm 2014 (tính đến 20-12-2014): số cuộc kiểm toán đã triển khai 188/189 cuộc, đạt 99,5% kế hoạch kiểm toán năm 2014; số cuộc kiểm toán đã kết thúc 169 cuộc, bằng 89,9% số cuộc kiểm toán đã triển khai và bằng 89,4% tổng số cuộc kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán năm 2014; số cuộc kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán là 98 cuộc.
Về kết quả kiểm toán: Tổng số kiến nghị xử lý tài chính từ 98 Báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình phát hành năm 2014 đối với niên độ ngân sách 2013 là 7.168 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu là 2.040 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 1.578,2 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 2.546,6 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN là 973,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 30,4 tỷ đồng. 
Ngoài ra, thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 50 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc yêu cầu thực tiễn; kiến nghị xử lý, kiểm điểm trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2013: về thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước năm 2013 (đối với niên độ ngân sách 2012) là 9.249,1 tỷ đồng, đạt 44,2% tổng số kiến nghị đủ bằng chứng; về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước: có 38/72 văn bản đã và đang thực hiện.
Công tác phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật:
Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện tại các báo cáo kiểm toán. Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 01 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra; tiếp nhận kết quả điều tra 01 vụ việc (do Kiểm toán Nhà nước chuyển năm 2012) từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; cung cấp 16 bộ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.
Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương hoàn thiện Quy chế phối hợp trình Ban Bí thư, phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện Quy chế phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… xây dựng Thông tư liên tịch trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phùng Thanh Hiếu
;
.