Banner

Thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Sáu, 29/11/2019, 06:52 [GMT+7]
    Năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/05/2019 ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; chỉ đạo triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước; khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia với 95/95 cơ quan bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia; phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công Quốc gia với mục tiêu, quan điểm,  nhiệm vụ, giải pháp hướng đến việc xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
 
Các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
Các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
    Các bộ, ngành, địa phương cũng đã khẩn trương ban hành kế hoạch, chương trình hành động và chủ động tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năm lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công và 893,9 tỷ đồng/năm; danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể, từ 82.700 mặt hàng năm 2015 xuống còn 70.087 mặt hàng, giảm 12.613 mặt hàng. Hầu hết các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa các giấy tờ công dân thuộc lĩnh vực quản lý; việc tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục có những chuyển biến tích cực với hơn 40 địa phương đã thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh.
 
    Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổng kết, đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2018, ban hành kế hoạch hoạt động và kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2019, đề ra 49 nhiệm vụ trọng tâm và phân công cụ thể cho thành viên tại các bộ, ngành để triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo đã tổ chức hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
 
    Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%; tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% đến 97,88%. Vẫn còn gần một nửa số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
 
    Để triển khai các quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng và tăng cường thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công khai, minh bạch, cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm. Các bộ, ngành, địa phương duy trì việc tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí; đăng tải các văn bản, thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý, điều hành trên cổng thông tin điện tử; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nắm bắt thông tin và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. 
 
    Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; đã kiểm tra 5.202 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh 40 đơn vị có vi phạm về công khai, minh bạch.
                                                                                                      Hồng Hà
.
.