Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
Thứ Hai, 16/11/2020, 15:13 [GMT+7]
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong những năm qua, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn ngành có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan tư pháp. Thông qua công tác này, toàn ngành triển khai thực hiện tốt Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự mới; chất lượng truy tố, tranh tụng tại phiên toà có nhiều tiến bộ; số án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án Viện kiểm sát truy tố nhưng Toà án tuyên bị cáo không phạm tội giảm dần theo từng năm. Viện kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án và ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự cũng còn một số hạn chế, thiếu sót; việc truy tố, buộc tội sai tội danh, khung hình phạt hoặc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội vẫn còn xảy ra; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa vẫn chưa đạt yêu cầu… Để cập nhật, trau dồi, nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đồng thời, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự trong thời gian qua.
Các đại biểu đã được nghe đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị phát biểu tham luận nhiều vấn đề, chuyên đề nghiệp vụ, như: Kỹ năng xử lý của kiểm sát viên về tình huống của người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự ngang cấp hoặc trên một cấp; kỹ năng nhận diện vi phạm pháp luật, thiếu sót trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều ý kiến nêu vướng mắc, khó khăn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự từ thực tế thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị ở từng địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đồng thời, yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự đến công chức trong đơn vị; xác định rõ đây là công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, pháp lý của ngành, góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong giải quyết án hình sự; tổ chức triển khai các giải pháp để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án đã được cụ thể hóa trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành vừa được sửa đổi, bổ sung.
Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; hoàn thiện các quy chế phối hợp với Tòa án, tạo cơ sở thuận lợi cho Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là việc kiểm sát bản án, quyết định để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, ban hành kháng nghị, kiến nghị; quan tâm việc kiểm sát biên bản phiên tòa sau khi xét xử để bảo đảm việc ban hành bản án của Tòa án đúng quy định pháp luật.
P.V