Thực hiện dịch vụ công trực tuyến là một biện pháp phòng, chống tham nhũng vặt
Thứ Năm, 10/09/2020, 11:06 [GMT+7]
Ngày 09/9/2020, Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đẩy mạnh truyền thông về Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Thông tin về Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, tính đến 12h ngày 8/9, đã có hơn 250 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 61 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ; 525 nghìn lượt truy cập thực hiện các dịch vụ tiện ích và 363 nghìn lượt truy cập thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 8.000 phản ánh, kiến nghị và giải đáp hơn 26.000 cuộc gọi tới tổng đài.
Quang cảnh cuộc họp |
Về hồ sơ giải quyết, đã đồng bộ trạng thái hơn 16,5 triệu hồ sơ phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý hơn 341 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, tăng hơn 7,5 lần so với tháng 4/2020. Hiện nay, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 nghìn hồ sơ. Các dịch vụ công phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến gồm: cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký nhãn hiệu và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích…
Về thanh toán trực tuyến, mới triển khai từ tháng 3/2020, đến nay, đã có hơn 11 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7, 8/2020 với khoảng 4.000 giao dịch, giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng. Loại hình thanh toán hiện đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 56%; phí, lệ phí khoảng 23,6%, thu phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ 18%.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, đồng chí Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, đối với công tác truyền thông cần phải tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của Cổng dịch vụ công Quốc gia. Công tác tuyên truyền quan trọng nhất là tạo niềm tin, người dân có thể an tâm về sự an toàn, bảo mật của hệ thống.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thống nhất với các đề nghị cần kế hoạch truyền thông rộng rãi trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời khuyến khích các cơ quan truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tăng cường thông tin về Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh các dịch vụ công là một trong các giải pháp để phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng vặt.
Bên cạnh việc tiếp tục đưa các dịch vụ công cung cấp cho người dân, sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông theo hướng đặt đầu bài cho các cơ quan truyền thông, khuyến khích xã hội hóa, quảng bá trên nhiều phương tiện và phương thức khác nhau. Đồng thời đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để tuyên truyền về Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Lê Sơn