Tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế

Thứ Năm, 30/07/2020, 15:02 [GMT+7]
    Ngày 29/7, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức "Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế điển hình".
 
    Báo cáo tại Hội nghị, những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra phức tạp và có những đặc điểm nổi bật là: tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi; tham nhũng diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực; tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công; tham nhũng có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm; có sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư, bố trí nhân sự, phân bổ nguồn lực tài chính, phê duyệt dự án và chủ trương mua sắm công.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Do đó, hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn đã bị phát hiện, làm sáng tỏ và lần lượt đưa ra xét xử.
 
    Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cán bộ các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng đã hoạt động tuân thủ pháp luật, kiên trì và sáng tạo, trách nhiệm và chuyên nghiệp, nghiêm túc và không quản khó khăn, thách thức; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả; nhiều vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thậm chí cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
 
    Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, hàng loạt vụ án tham nhũng lớn đã bị phát hiện và lần lượt đưa ra xét xử; đây là những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, tồn tại nhiều năm, gắn với các quyền lực cao cấp, gây ra các tổn thất to lớn về tài sản, cán bộ và uy tín của Đảng, Nhà nước. 
 
    Qua các vụ án tham nhũng kinh tế điển hình này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ bản chất tư lợi, áp dụng nhiều biện pháp mới để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng; có vụ thu hồi được cả chục nghìn tỷ đồng; những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/5/2020, trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, các tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 13.599 vụ án/26.621 bị can, xét xử 10.917 vụ án/19.406 bị cáo về các tội phạm kinh tế, tham nhũng; xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; công khai các cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...
 
    Những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tổng kết, rút kinh nghiệm nhất là việc phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi tham ô, tham nhũng; phong tỏa, truy nguyên tài sản có được từ tham nhũng; những tồn tại này sẽ được tổng kết và khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
                                                                                          Nguyễn Toàn
.