Góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội
Thứ Bảy, 21/03/2020, 06:01 [GMT+7]
Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội (QH) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước tuân theo những nguyên tắc, thủ tục do QH đề ra và bảo đảm lợi ích của nhân dân.
Thời gian qua, hoạt động giám sát tối cao của QH không ngừng được cải tiến, đổi mới, theo đó, hiệu quả ngày càng được nâng cao. Việc quy định cụ thể bảy hình thức giám sát tại Điều 11 của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND tạo cơ sở thuận lợi để QH tiến hành giám sát, trong đó, mỗi hình thức đều có những quy định cụ thể. Một số lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm cũng đã được QH xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát của QH. Một số văn bản quy phạm có dấu hiệu chưa phù hợp Hiến pháp được các cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề của QH tiếp tục được đổi mới về chiều sâu, tăng cường tranh luận, đối thoại. Kết thúc hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, QH đều ban hành nghị quyết để làm căn cứ quan trọng giúp Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ, QH tiến hành xem xét, giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong cả nhiệm kỳ. Qua đó thể hiện thái độ, trách nhiệm của QH trong việc giám sát đến cùng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri quan tâm, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành trong bộ máy Nhà nước và hoạt động của QH.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV |
Thông qua các hoạt động giám sát, nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật, những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp đã được chỉ ra, giúp cho các cơ quan nhà nước kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiết sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện.
Để hoạt động giám sát tối cao của QH ngày càng có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, chúng tôi cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng đó là cần nâng cao hơn nữa vai trò của bộ máy tham mưu giúp việc. Thực tiễn vừa qua, bộ máy giúp việc đã từng bước được kiện toàn và củng cố, nhất là đã phát huy có hiệu quả vai trò người đứng đầu các đơn vị. Về cơ bản, bộ máy tham mưu, giúp việc tương đối đầy đủ về số lượng, bảo đảm phẩm chất, năng lực, kỹ năng làm việc, đáp ứng được yêu cầu của QH, các cơ quan của QH và đại biểu QH. Các vụ, đơn vị trong Văn phòng QH thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, có sự phân công cụ thể, giúp Văn phòng QH hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng ngày càng cao, khối lượng ngày càng lớn. Đội ngũ giúp việc ngày càng chủ động hơn trong công việc, tính chuyên nghiệp, nhiệt huyết, tận tụy, chất lượng tham mưu văn bản đều được chú trọng. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của QH đã làm tăng tính chuyên nghiệp, tiết kiệm chi phí và thời gian trong hoạt động của QH, nhất là tại kỳ họp của QH và phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH.
Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những hạn chế mà bộ máy giúp việc cần phải tiếp tục hoàn thiện như: chất lượng tham mưu, phục vụ đôi khi còn chưa cao, tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra; nhiệm vụ giám sát chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định; công tác theo dõi, đôn đốc, tổng hợp thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa được thường xuyên, hiệu quả còn thấp; công tác phối hợp phục vụ trong hoạt động giám sát vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tính ràng buộc pháp lý trong phối hợp chưa chặt chẽ, nhất là sự phối hợp trong hoạt động chất vấn, xem xét kiến nghị giám sát, xem xét việc thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn; tính tự giác, kinh nghiệm, cách thức triển khai của một số cán bộ, chuyên viên còn manh mún, chưa mang tính đồng bộ, chuyên nghiệp.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng bộ máy tham mưu giúp việc về hoạt động giám sát tối cao của QH, bên cạnh những đổi mới về chế độ, chính sách và các văn bản quy phạm liên quan tới hoạt động giám sát tối cao của QH, cần nhận thức đúng đắn về bộ máy giúp việc với tính chất là một cơ quan có chức năng tham mưu. Từ phía các cơ quan dân cử và bản thân bộ máy giúp việc cũng cần thay đổi suy nghĩ về việc đặt nặng vấn đề bảo đảm điều kiện vật chất hơn là bảo đảm thông tin, nghiên cứu, tham mưu chuyên ngành. Mặt khác, cần có một hệ thống công chức độc lập và phù hợp. Theo đó, hệ thống công chức QH phải có tính độc lập nhất định, ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo thì cần đào tạo bổ sung theo những tiêu chí riêng, phù hợp yêu cầu về mặt kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường QH và HĐND, cán bộ trong bộ máy giúp việc phải là người có thể tư vấn giúp đại biểu phản biện lại các chính sách do cơ quan hành pháp, tư pháp đệ trình.
Cỗ máy chỉ hoạt động hiệu quả khi từng mắt xích được gắn kết chặt chẽ và hoạt động hiệu quả, theo đó, cách làm việc theo nhóm cần được sử dụng thường xuyên. Đầu năm, các đơn vị chủ động sắp xếp, phân loại công việc cần thực hiện trong năm (có mốc thời gian cụ thể đối với từng công việc). Mỗi công việc cần có các bước (quy trình) tổ chức thực hiện; mỗi bước cần xây dựng văn bản mẫu kèm theo. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là phải “đo đếm” được hiệu quả làm việc của từng công chức; theo đó, cần xây dựng “khung bảng điểm” của tất cả công việc cần thực hiện trên cơ sở ước lượng thời gian hoàn thành. Việc phân giao công việc phù hợp năng lực, sở trường và ý thức làm việc của cá nhân cũng là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả hoạt động của bộ máy. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện, kịp thời đưa ra hướng xử lý khi công việc không đạt yêu cầu. Cùng với đó, cần tham mưu xây dựng “khung giám sát” đối với từng hình thức giám sát kèm theo quy trình cụ thể làm cơ sở tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Ngọc Sơn
(Văn phòng Quốc hội)