Anh cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong hoạt động chống rửa tiền
Thứ Tư, 14/10/2020, 06:34 [GMT+7]
Nhà hoạt động chống rửa tiền cho rằng, dù có nhiều dấu hiệu cải thiện tính minh bạch về thuế ở các vùng lãnh thổ hải ngoại của mình, nhưng Anh vẫn cần phải hành động quyết liệt hơn nữa.
Cách đây 2 năm, Luật Chống rửa tiền của Vương quốc Anh đã được sửa đổi, yêu cầu các vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh bao gồm Bermuda, Jersey, Guernsey và Isle of Man phải thiết lập danh sách công khai để chỉ ra chủ sở hữu thực sự của các “công ty vỏ bọc”, "công ty ma".
Anh cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong hoạt động chống rửa tiền |
Trên thực tế, những thay đổi gần đây ở Quần đảo Virgin và Quần đảo Cayman (thuộc Anh) cho thấy những dấu hiệu cải thiện tính minh bạch về thuế.
Tín hiệu đáng mừng, Quần đảo Cayman đã được loại khỏi "danh sách đen" của Liên minh châu Âu về các thiên đường thuế vào ngày 6/10 vừa qua.
Trong khi đó, Quần đảo Virgin thuộc Anh là nơi cuối cùng tham gia vào sự thay đổi này. Tuy nhiên, theo Alex Cobham, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu và phân tích Mạng lưới Công lý Thuế toàn cầu (TJN), mặc dù cam kết công khai hồ sơ thuế của Quần đảo Virgin thuộc Anh được hoan nghênh, nhưng nó sẽ có rất ít tác dụng trong cuộc chiến ngăn chặn vấn nạn rửa tiền.
Vốn được coi là một trong những trung tâm tài chính “đen tối” nhất trên thế giới, Quần đảo Virgin xếp thứ 9 thế giới về chỉ số bí mật tài chính và đứng đầu trong danh sách “thiên đường” thuế doanh nghiệp. Những vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ gần đây, bao gồm các tệp FinCEN và Hồ sơ Panama, cho thấy quần đảo nằm ở khu vực Caribe này là một trung tâm rửa tiền và trốn thuế của thế giới.
Đức Anh