Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Tư, 15/03/2023, 22:07 [GMT+7]
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, tuyên truyền tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dântối cao dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dântối cao.
Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị được kết nối trực tuyến với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân (gồm Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dântối cao, Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh); các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (3 điểm cầu); các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63 điểm cầu); các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (705 điểm cầu); Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Tại Hội nghị, đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày Chuyên đề 1 “Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, quá trình xây dựng, biên tập những nội dung cơ bản của Cuốn sách”.Theo đó, Cuốn sách do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản, ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023).
Nội dung Cuốn sách gồm 3 phần:Phần thứ Nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.Phần thứ Hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gồm 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong công tác phòng, chống tham nhũng thì cùng với chống là xây, cùng với đấu tranh là ngăn chặn, do vậy xuyên suốt các bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ, trên nhiều cương vị công tác, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau cho thấy, đồng chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của Nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước.Phần thứ Ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, gồm ý kiến đánh giá, sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận của Nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu những nội dung cơ bản của Cuốn sách |
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã được tiếp thu Chuyên đề 2 “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và thực hiện quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát”; Chuyên đề 3 “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ của ngành Kiểm sát nhân dân”; Chuyên đề 4 “Quán triệt, vận dụng tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phối hợp trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Hội nghị được tổ chức với mục đích thống nhất nhận thức về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Cuốn sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân; làm sáng rõ quan điểm, chủ trương của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cơ quan, đơn vị, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội của đất nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, đây là buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, định hướng tư tưởng, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ được Đảng xác định từ lâu nhưng kết quả đặc biệt rõ nét trong khoảng 10 năm trở lại đây. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả đạt được trong công tác này đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự đồng thuận đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu trong thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần xây dựng chương trình triển khai thực hiện và vận dụng các nội dung chỉ đạo trong Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ngọc Duy