Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Thứ Tư, 13/01/2021, 17:56 [GMT+7]
    Năm 2020, thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng nên đã xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Trong kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là 54.500 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, thành lập mới 16 hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; có 19 công ty đại chúng được đăng ký; cấp phép thành lập 01 Ngân hàng thương mại.
 
Hội thảo Tham vấn Dự thảo Báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Hội thảo Tham vấn Dự thảo Báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng
    Về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng: Hàng năm, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch kiểm tra tổ chức, hoạt động của hội, quỹ và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 49 Đoàn thanh tra, kiểm tra tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng…Qua thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25.560 triệu đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4.679 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện các cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng mà lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện pháp luật PCTN trong các cuộc thanh tra pháp nhân. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng  theo quy định, đã phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
 
    Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý doanh nghiệp, dự án sau khi được thành lập, chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng bộ máy chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả”; công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm để doanh nghiệp biết, giám sát; công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, nhũng nhiễu tiêu cực từ doanh nghiệp; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các phản ảnh của doanh nghiệp liên quan đến các dịch vụ do đơn vị mình cung cấp; tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
                                                                                     Hương Giang
.