Đảng bộ Cơ quan Ban Nội chính Trung ương học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về "đền ơn đáp nghĩa"

Thứ Ba, 23/07/2024, 16:07 [GMT+7]
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trong Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và có nhiều việc làm thiết thực để tỏ lòng hiếu nghĩa, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. 

    Những năm qua, công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng, một hoạt động thường xuyên, ý nghĩa của Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương. Đảng bộ cơ quan, các cấp ủy chi bộ đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động nhận thức sâu sắc việc thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha, anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng hiếu nghĩa, bác ái, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” bằng việc làm thiết thực, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ để tri ân, thực hiện trách nhiệm đối với lớp người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi lưu bút tại Bảo tàng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi lưu bút tại Bảo tàng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

    Để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên, năm 2023, Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban làm trưởng Đoàn có chuyến công tác tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu; tặng 73 suất quà cho các gia đình chính sách, cựu tù huyện Côn Đảo; thăm Bảo tàng Côn Đảo và khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Chia sẻ với các cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trưởng Ban xúc động: “Mỗi di tích trên mảnh đất Côn Đảo đều ghi dấu lịch sử đấu tranh kiên cường của các thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam”. Lưu bút vào sổ lưu niệm tại Bảo tàng Côn Đảo, thay mặt Đoàn cán bộ Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc viết: “Đã nhiều lần thăm nhà tù Côn Đảo, hôm nay xem Bảo tàng lại càng xúc động; sức chịu đựng và hy sinh của thế hệ cán bộ, chiến sĩ bị tù đày thật là vĩ đại. Cán bộ, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung ương nguyện phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và công tác tốt hơn nữa để góp phần nhỏ bé xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ và cán bộ, chiến sĩ bị tù đày mong muốn”. 

    Hướng về biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc, năm 2023, Đoàn đại biểu ngành Nội chính Đảng do đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương làm trưởng Đoàn cũng đã đi thăm quân, dân huyện đảo trường Sa và nhà giàn DK-I; tặng quà trị giá hơn 800 triệu đồng, trao tặng 100 cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và gửi lời động viên của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các điểm đảo, nhà giàn DK-I với lời đề tặng: “Nhân dịp Đoàn công tác ngành Nội chính Đảng ra thăm Trường Sa, tôi thân ái gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Đảo Trường Sa. Chúc các đồng chí và bà con ta luôn mạnh khỏe, tích cực lao động sản xuất, vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”. Hành trình đến thăm và tặng quà động viên, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I để lại trong lòng các cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng những cảm xúc tốt đẹp và ấn tượng sâu sắc; kết nối trái tim, tiếp thêm tình cảm, niềm tin và ý chí của người lính hải quân đang ngày, đêm vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. 

    Trong suốt lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển, đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử ấy, không biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống nơi miền biên ải, đổi bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt để xác lập, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh năm 1988 đã viết nên câu chuyện huyền thoại bất tử, trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và tô thắm cho ngọn cờ Tổ quốc. Đây cũng là chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình cảm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng đối với biển đảo quê hương; động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

    Trong không khí cả nước cùng hướng về đại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), Chi bộ Vụ Cơ quan nội chính và Chi bộ Vụ Tổ chức - Cán bộ tổ chức về nguồn, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên; sinh hoạt chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới”. Tại tỉnh Điện Biên, Đoàn đã phối hợp với Ban Nội chính tỉnh ủy Điện Biên tổ chức dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1; thành kính tưởng nhớ, tri ân, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng chí, đồng bào đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đoàn đã thăm quan và tổ chức sinh hoạt chính trị tại các địa chỉ đỏ và di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng. Các cán bộ, đảng viên trong Đoàn trào dâng niềm xúc động qua từng bức ảnh, hiện vật, di tích tái hiện lại những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thấm thía hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên Vụ Cơ quan nội chính và Vụ tổ chức - Cán bộ về Chiến thắng Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ cán bộ, công chức, nhất là thế hệ trẻ phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc.

    Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  (27/7/1947-27/7/2024), Đoàn cán bộ Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm trưởng Đoàn; tham gia có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Bí thư Đảng ủy cơ quan đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu mộ tập thể liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng tại phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; thăm và tặng quà các gia đình chính sách tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính mặc niệm, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu thân 1968 tại khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các anh hùng liệt sĩ, nhớ ơn thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Công trình khu mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao vàng là nơi gìn giữ thi hài của 154 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Công trình được trùng tu sửa chữa vào những năm 90 và đến năm 2003 đã được UBND tỉnh Bình Định quyết định công nhận là Di tích lịch sử. Vào ngày 18/01/1968, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng bí mật tập kết tại làng Sở Nam để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Đập Đá, mở đầu cho chiến dịch Mậu Thân tại Bình Định. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, các chiến sĩ ta chiến đấu kiên cường, không lùi bước, kiên quyết giữ trận địa và đã anh dũng hy sinh.

    Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hiểu rất rõ giá trị nhân văn của sự hy sinh của các liệt sĩ, các thương binh đối với dân tộc, với đất nước, “máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”; để tri ân các anh hùng có công với nước, Đoàn cán bộ Ban Nội chính Trung ương do các đồng chí lãnh đạo Ban làm trưởng Đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại nhiều Nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích lịch sử trên cả nước. Đặc biệt là năm 2023, tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Bia di tích lịch sử điểm cao 1049, 1015 huyện Sa Thầy. Đây là nơi ngã xuống của biết bao chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước, vì lý tưởng dân tộc. Các cán bộ, đảng viên tham gia Đoàn đã tìm hiểu lịch sử về 2 nhà bia tưởng niệm tại 2 điểm cao này - hiện là những nơi yên nghỉ, ghi danh của hàng nghìn liệt sĩ, được mệnh danh là đất lửa kiên cường, chỉ riêng trong 20 năm chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên có 10 chiến dịch lớn thì địa bàn Kon Tum là nơi diễn ra 7 chiến dịch. Các trận đánh tại 2 điểm cao là trận đánh then chốt mở màn cho Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 trên chiến trường Tây Nguyên của Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320. Chiến thắng trong các trận đánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, đánh bại âm mưu ngăn chặn của chúng, tạo thế phát triển cho toàn Chiến dịch tiến đến giải phóng căn cứ E42 (Đắk Tô - Tân Cảnh) ngày 24/4/1972. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương về những khó khăn của chiến trường ác liệt, về sự anh dũng chiến đấu, hi sinh của những người con đất Việt kiên cường. 

    Đoàn cán bộ Ban Nội chính Trung ương cũng đã đến dâng hoa, dâng hương Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Sư đoàn 320, thuộc Quân đoàn 3 tại Biển Hồ, thành phố Pleiku - nơi yên nghỉ của 14.122 liệt sĩ; Sư đoàn có mặt ở hầu hết chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất, lập nên những chiến công vang dội, đi vào lịch sử dân tộc,... Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban xúc động viết trong Sổ lưu niệm: “Được đến thăm và làm việc tại Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, chúng tôi vô cùng xúc động, được thắp nén tâm hương lên bàn thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Xin kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và mãi mãi ghi nhớ công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì độc lập, tự do của tổ quốc. Xin nguyện noi gương Bác và các anh hùng liệt sĩ, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh!”.

    Trong những năm qua, các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức nhiều Đoàn tri ân thăm hỏi, động viên và tặng hàng nghìn suất quà, hàng trăm nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tại các nơi đến thăm, các đồng chí lãnh đạo Ban đã thăm hỏi ân cần và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; khẳng định Đảng, Nhà nước luôn biết ơn và tri ân sự hy sinh xương máu của các thương, bệnh binh, các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các gia đình chính sách chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; phát huy tinh thần cách mạng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình, sống vui, sống khỏe, luôn là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ con cháu và tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Hưởng ứng phong trào này, Chi bộ Vụ Địa phương II, Chi bộ Vụ Địa phương III đã lãnh đạo tổ Công đoàn phối hợp, vận động quyên góp xây dựng gần 20 ngôi nhà tình nghĩa trao tặng gia đình chính sách ở các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Phú Yên, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, Ninh Thuận,… (mỗi ngôi nhà trị giá từ 50-70 triệu đồng); trao hàng nghìn suất quà cho các gia đình chính sách mỗi dịp tết cổ truyền dân tộc, Ngày thương binh - Liệt sĩ và kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước.

    “Ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày “Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW, ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ  năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước”. 
Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Chuyên mục Ngày này năm xưa, số ra ngày 27/7/2022.

    Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát động trong Đảng bộ cơ quan. Bằng trách nhiệm và tình cảm, hằng năm, Đảng bộ và các chi bộ đã dành sự quan tâm, chăm sóc cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng bằng tấm lòng tri ân sâu sắc. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cán bộ, công chức của Ban có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được lãnh đạo Ban, Đảng ủy, Công đoàn cơ quan quan tâm, thăm hỏi, tặng quà và quan tâm, chăm lo tết để các gia đình đều có một cái tết ấm áp, hạnh phúc. Theo đó, đã thăm hỏi và tặng quà cho 03 gia đình cán bộ của Ban là con Liệt sĩ, 29 gia đình cán bộ là con của cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh. Hoạt động đó vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cấp ủy đảng, vừa để xây dựng môi trường làm việc của cơ quan theo tinh thần “làm việc hết mình, sống thật nghĩa tình”, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời, cùng nhau xây dựng cơ quan Ban Nội chính Trung ương thật vững mạnh, là nơi “đáng sống và đáng làm việc” như mong muốn của đồng chí Bí thư Đảng ủy cơ quan.

    Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa trên cơ sở động viên mọi nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động chăm lo đời sống người có công với cách mạng, thiết thực củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh thành, nuôi dưỡng và hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú, dũng cảm, vượt lên muôn vàn mất mát, thương đau, hết lòng đùm bọc, chở che, kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước; biết ơn những người lính Cụ Hồ đã luôn thắp lên ngọn lửa tin yêu cho thế hệ trẻ hôm nay.

    Cùng với cả nước, Ban Nội chính Trung ương đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng nhiều hành động thiết thực: Vào Lăng viếng Bác; đến thăm Côn Đảo và những nơi có di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, để nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa của Ngày thương binh - Liệt sĩ; sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng. Qua đó, mỗi cán bộ Ban Nội chính Trung ương “tự soi, tự sửa” để thấy được khuyết điểm, tự khắc phục và vươn lên; góp phần đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ đó, càng thêm tâm huyết, tận tụy, bản lĩnh, nhạy bén, thận trọng, trung thực, khách quan, công tâm, toàn diện, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; góp phần xây dựng Đảng bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

ThS. Bùi Thị Thu Huyền; Nguyễn Trịnh Hoàn
(
Ban Nội chính Trung ương)

.