Điểm báo tuần số 427 từ ngày 05/7 đến ngày 11/7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 12/07/2021, 15:15 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ điện tử, Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05/7) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII. Hội nghị Trung ương lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Hội nghị diễn ra trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước những thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như kết quả rất tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức đồng lòng, vừa chủ động, tích cực phòng, chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị có nhiệm vụ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác. Từ nội dung nên trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.Nhấn mạnh, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong nhiệm kỳ khóa XIII, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân (06/7) đưa tin, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thảo luận, kết luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Vũ Huy Hoàng đã phải nhận bản án 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến vụ án xảy ra tại Sabeco. Bên cạnh đó, T.Ư cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương, bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Ông Trần Văn Nam, với cương vị là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bên cạnh đó, cá nhân ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật Đảng, bị khởi tố hình sự.
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người Lao động, VietNamplus (07/7) cho biết, liên quan đến nhóm "Báo Sạch", Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Cần Thơ đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thế Thắng (ngụ Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Lê Thế Thắng là phóng viên ảnh tự do, phụ trách kỹ thuật, ảnh, dựng phim, quay phim, kiêm biên tập viên và phát triển kênh YouTube Báo Sạch, Fanpage "Báo Sạch" và Group "Làm Báo Sạch". Khi Trương Châu Hữu Danh bị Công an TP.Cần Thơ bắt, Lê Thế Thắng là người trực tiếp xóa Fanpage “Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Chanel”. Trước đó, qua điều tra về nhóm “Báo Sạch”, Cảnh sát điều tra đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ truy tố Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã về tội ”Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (08/7) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea H’leo, nhiệm kỳ 2015-2020. Qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea H’leo nhiệm kỳ 2015-2020 và trước đó có khuyết điểm, vi phạm trong việc: Thống nhất chủ trương, phê duyệt quy hoạch và giới thiệu nhân sự ứng cử, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ khi chưa bảo đảm trình độ, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp, đất rừng bị lấn chiếm tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa tốt, thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao, để rừng bị xâm hại, nhiều diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. Khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ea H’leo đã gây hậu quả, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Huyện ủy Ea H’leo, dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư tố cáo vượt cấp, kéo dài. Do đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ huyện ủy Ea H’leo nhiệm kỳ 2015-2020; thống nhất thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Đình Viên, nguyên Tỉnh ủy viên khóa XVI, nguyên Bí thư Huyện ủy Ea H’leo nhiệm kỳ 2015-2020; nguyên Chủ tịch HĐND huyện Ea H’leo, nhiệm kỳ 2016-2021; thi hành kỷ luật đồng chí Bàn Tuấn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ea H’leo; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ea H’leo, nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức Cảnh cáo; thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Bùi Đức Chinh, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ea H’leo; thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Văn Thời, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ea Wy, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện Ea H’leo bằng hình thức Khiển trách. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk còn xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số đảng viên, trong đó có đồng chí Vũ Văn Mỹ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Búk; đồng chí Trần Văn Cả, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Bông; đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Phó Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện M’Drắk; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ea Súp nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025…
 
    Báo Tuổi trẻ, Người Lao động, Công lý, VietNamNet, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/7) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội họp kỳ thứ 11. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét các báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với 3 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Chí Mạnh, Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Công an huyện Phúc Thọ, nguyên Phó Trưởng Công an phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đình Ninh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an huyện Sóc Sơn vì không báo cáo với các tổ chức Đảng, không kê khai trong lý lịch đảng viên, không kê khai phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên và các tài liệu trong hồ sơ đảng viên khi làm thủ tục công nhận đảng viên chính thức và khi thực hiện quy trình bổ nhiệm về vi phạm của bản thân; quyết định khiển trách cũng được đưa ra đối với ông Lê Xuân Khánh, đảng viên Chi bộ Đội Chính trị, Hậu cần thuộc Đảng bộ Công an quận Nam Từ Liêm vì vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình, tuy đã chủ động báo cáo với Chi bộ nhưng chưa kịp thời.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Người Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô, Công lý, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/7) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị của Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021. Tại hội nghị, Ban tổ chức đã công bố quyết định số 1162/QĐ-CTN, ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương năm 2021 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng làm Ủy viên Thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương cùng Thứ trưởng và lãnh đạo một số Bộ, ngành làm Ủy viên Hội đồng. Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Công tác đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đối với người bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công an khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác của Hội đồng Tư vấn đặc xá và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện đặc xá; Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xét các trường hợp đặc xá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tòa án các cấp thực hiện đặc xá cho người đủ điều kiện. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý, đợt đặc xá lần này được thực hiện trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, do vậy, các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn phòng chống dịch.
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, An ninh thủ đô, Đài TNVN (11/7) thông tin từ Thành uỷ TP.HCM cho biết, đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức ông Vũ Quốc Doanh, nguyên Bí thư Đảng ủy Cục THADS Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Cục trưởng Cục THADS Thành phố. Lý do là ông Doanh đã thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quy chế làm việc… để xảy ra nhiều trường hợp đảng viên Đảng bộ Cục có khuyết điểm, vi phạm dẫn đến có 2 tổ chức và 23 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đến mức xem xét, thi hành kỷ luật. Với vai trò Cục trưởng Cục THADS TP, ông Vũ Quốc Doanh thiếu trách nhiệm, ký ban hành quyết định thi hành án bỏ sót nội dung thi hành án, ký duyệt chi toàn bộ số tiền bán cổ phiếu và cổ tức cho Ngân hàng Đại Dương khi đã có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trong vụ Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn. Ông Doanh còn để chấp hành viên vi phạm nghiêm trọng trong tổ chức thi hành án vụ Huỳnh Thị Huyền Như… Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM còn thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cục THADS Thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Võ Minh Hòa, nguyên Phó Cục trưởng Cục THADS Thành phố (hiện ông Hoà đã về hưu). Ông Hòa đã thiếu trách nhiệm trong việc cùng với tập thể Đảng ủy tổ chức thực hiện quy chế làm việc… để xảy ra nhiều trường hợp đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án. Với vai trò Phó Cục trưởng (phụ trách Phòng Nghiệp vụ 2) ông Hoà chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thi hành án; không kịp thời phát hiện, báo cáo Cục trưởng dẫn đến nhiều chấp hành viên có khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong tổ chức thi hành án đối với nhiều vụ án gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, An ninh Thủ đô, Công lý, Nhà báo và Công luận, Nông nghiệp, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN (05/7) theo nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân quận Dương Kinh, TP.Hải Phòng cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Ngô Đức Nhuân, nguyên Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy (trụ sở tại quận Dương Kinh) và Nguyễn Xuân Thạo, Phó Giám đốc về tội “Tham ô tài sản”. Năm 2019, xuất hiện dịch bệnh tại một số cơ sở nuôi trồng thủy sản, thành phố Hải Phòng đã có quyết định hỗ trợ hóa chất phòng, chống dịch cho người nuôi trồng thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia. Khi nhận được hóa chất, ông Ngô Đức Nhuân và Nguyễn Xuân Thạo đã cho lập khống danh sách hộ dân nhận hóa chất, sau đó chỉ đạo cho một số nhân viên dưới quyền mang hóa chất được cấp bán cho tư thương, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của Nhà nước. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn giải phóng, Người Lao động, Tiền Phong (05/7) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất cáo trạng, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến TAND TP.Phan Thiết truy tố 10 cán bộ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục Thuế TP.Phan Thiết về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số 10 đối tượng bị truy tố có: Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc và Nguyễn Hữu Hoành, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Phan Thiết; Bạch Dân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Phan Thiết. Theo cáo trạng, từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2018, UBND TP.Phan Thiết đã ban hành 166 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất tại 3 xã là Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi, TP. Phan Thiết, các cá nhân thuộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục Thuế TP.Phan Thiết đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến xác định sai thông tin hoặc thiếu thông tin về khu vực, vị trí thửa đất, xác định sai số tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ mà người sử dụng đất phải nộp gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06/7) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng Khoa học Các cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn”. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: Thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ nét, là một điểm sáng, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật thì tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nguyên nhân cơ bản do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực mặc dù đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.Theo báo cáo của các cấp ủy, tổ chức đảng, 5 năm qua, có hơn 87 nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó, hơn 46 nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 52,9%; phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Đây cũng chính là nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng “Đề án Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” để chỉ đạo phòng, chống tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Công an nhân dân (06/7) đưa tin, hàng chục nghìn người dân Brazil đã đổ ra đường ở hơn 40 thành phố, yêu cầu luận tội Tổng thống Jair Bolsonaro, sau khi Thẩm phán Tòa Tối cao cho phép điều tra hình sự đối với phản ứng của ông trước những cáo buộc trong vụ tham nhũng liên quan đến hợp đồng vắc xin đang bị điều tra.Các cuộc biểu tình được cho là xuất phát từ vụ bê bối khởi đầu vào tháng 6, khi các thành viên Ủy ban của Thượng viện nghi ngờ về thỏa thuận mà Chính phủ đã ký để mua vắc xin Covid-19.Yêu cầu thanh toán cho 3 triệu liều vắc xin Covaxin của Công ty Ấn Độ Bharat Biotech đã được đưa tới bàn làm việc của Luis Ricardo Miranda - người đứng đầu bộ phận nhập khẩu y tế của Bộ Y tế Brazil vào ngày 18/3/2021. Bản thân Miranda khi trả lời trước Ủy ban của Thượng viện hôm 25/6 cũng khẳng định, đã có một vài "cờ đỏ" (dấu hiệu bất thường) được gắn tại hợp đồng này. Miranda cho biết, ông phải đối mặt với áp lực không đáng có trong việc ký hợp đồng nhập khẩu vắc xin từ Bharat Biotech.Chính quyền Brazil đã buộc phải hủy bỏ thương vụ Covaxin khi các công tố viên mở cuộc điều tra.Theo Báo Estado de Sao Paulo, Bharat Biotech ban đầu báo giá 1,34 USD một liều vắc xin. Tuy nhiên, Brazil đã đồng ý trả 15 USD một liều, cao hơn bất kỳ loại vắc xin nào khác mà nước này mua.
 
    Báo Thanh tra (06/7) dẫn nguồn tin từ News24, Fatos Tushe, Thị trưởng của thành phố Lushnje bị bắt vì tội tham nhũng. Vụ bắt giữ nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng lớn của SPAK phối hợp với Cảnh sát Albania.Ngoài Fatos Tushe, 15 quan chức nhà nước khác cũng bị bắt trong chiến dịch. Fatos Tushe là một thành viên của Đảng Xã hội và là Thị trưởng của Lushnje từ năm 2011. Phản ứng ngay sau vụ bắt giữ, Thủ tướng Albania Edi Rama - Chủ tịch Đảng Xã hội Albania cho biết trên Twitter rằng, Đảng Xã hội sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp bảo vệ nào đối với các thành viên của Đảng bị đưa ra trước tòa án. Những người này sẽ phải tự bảo vệ mình. Trước đó, trong một vụ việc khác, ngày 2/7, các nhà chức trách Albania cho biết, 38 đối tượng là công dân nước này, bao gồm cả các sĩ quan cảnh sát, quan chức cấp cao và công tố viên, đã bị bắt giữ vì liên quan tội danh buôn bán ma túy quốc tế, tham nhũng, lạm dụng chức vụ và rửa tiền. Đây là một vụ án quốc tế lớn với sự phối hợp của lực lượng cảnh sát 4 nước Albania, Italy, Montenegro và Tây Ban Nha.Ông Arben Kraja - người đứng đầu SPAK cho biết, vụ án đã được mở rộng điều tra và được tiến hành trong thời gian suốt 2 năm.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII
    - Hội nghị của Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021
    - Kỷ luật đồng chí Vũ Huy Hoàng và Trần Văn Nam
    - Hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn”
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.