Điểm báo tuần số 364 từ ngày 20/4 đến ngày 25/4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 27/04/2020, 14:18 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm Toán, Xây Dựng, Hải quan, Biên Phòng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/4) đồng loạt đăng tải các nội dung Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật, gồm: Dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; Phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các nội dung nếu đủ điều kiện như: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai; Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Việc thực hiện Nghị quyết số 468 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Đặc biệt là cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao Thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, VietnamNet, VnExpress, TTXVN (23/4) cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai công bố quyết định của Bộ Công an về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ba đồng chí, gồm: Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Trưởng phòng An ninh điều tra, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh; Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông. Trước đó, ngày 06/3/2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ba đồng chí nêu trên. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, trong thời gian giữ các chức vụ, ba cá nhân này chịu trách nhiệm về một số vi phạm trong lĩnh vực được phân công liên quan đến xử lý sai quy trình một số vụ án; quản lý vũ khí quân dụng tại đơn vị; bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính, vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành công an.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, Sức khỏe và Đời sống, Thời báo Tài chính, Đầu tư, Giao Thông, Xây Dựng, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/4) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 480/CT-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Theo đó, trước những kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch Covid-19, các biện pháp cách ly từng bước được điều chỉnh phù hợp để dần đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu giao thông trong thời gian trước, trong và sau dịp nghỉ lễ sẽ tăng cao hơn nhiều so thời gian cách ly xã hội. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, ATGT đợt nghỉ lễ (từ ngày 30/4 đến hết 3/5), nhất là tiếp tục bảo đảm thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan: Công an; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban ATGT quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội cũng như chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo nhiệm vụ và quyền hạn chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau: Trước hết, có phương án vận tải phù hợp, tuân thủ quy định phòng, chống dịch, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ nghiêm quy tắc giao thông, các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông; thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các đầu mối giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì nghiêm, hiệu quả việc kết hợp phòng, chống dịch bệnh gắn với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT; tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Đáng chú ý, có phương án ngăn chặn, xử lý, trấn áp hiệu quả hành vi tụ tập đua xe trái phép, nhất là tại các đô thị;… Mặt khác, có phương án tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt. Đồng thời, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn. Các đơn vị cần thông báo số điện thoại đường dây nóng về vận tải và ATGT trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, phối hợp giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân; báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông trong bốn ngày nghỉ lễ về Ủy ban ATGT quốc gia trước 15 giờ ngày 3/5 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Văn Hóa, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/4) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị cán bộ toàn quốc để nghe báo cáo tình hình, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và ổn định kinh tế; đồng thời thông tin một số vấn đề quan trọng khác. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời nhấn mạnh, cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động phản ứng tốt, kịp thời và đạt kết quả rất mừng, qua đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng được khẳng định và nâng cao. Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm; phải đồng tâm, nhất trí, trên dưới một lòng vừa chủ động phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, ổn định xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh. Nhân Hội nghị này, đồng chí muốn trao đổi một số vấn đề cần quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí cho rằng, công tác nào cũng có cái khó, phức tạp của nó, nhưng công tác nhân sự là khó và phức tạp hơn cả. Do vậy, phải tổng kết công tác nhân sự các khóa gần đây, nhất là khóa XII cho thật tốt để làm tốt công tác nhân sự khóa tới, để bầu được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng chí nhấn mạnh, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu. Chọn đúng người đứng đầu thì dân được nhờ, đất nước phát triển, chọn sai người đứng đầu thì đất nước sẽ ra sao, bài học từ Liên Xô trước đây thấy rất rõ điều đó. Đội ngũ cán bộ của ta trưởng thành về nhiều mặt, được đào tạo cơ bản, được rèn luyện qua nhiều môi trường tốt, cho nên việc chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương phải làm cho tốt, nếu chọn sai không biết điều gì sẽ xảy ra. Đại hội XIII là sự kiện chính trị quan trọng, là dấu mốc quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Tình hình tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân rất phấn khởi, nhưng cũng còn nhiều lo lắng. Đảng sẽ ra sao, đất nước phát triển như thế nào; lực lượng thù địch, phần tử bất mãn chống đối thế nào nhất là đối với công tác nhân sự Đại hội. Có thể nói nhiệm vụ đặt ra với chúng ta rất nặng nề. Vấn đề hàng đầu là xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng; về cơ cấu, số lượng như hiện nay hay thế nào; quan hệ giữa tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu như thế nào? Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Chấp hành Trung ương phải là một tập thể thật sự đoàn kết, thống nhất; phải là những cán bộ có đức, có tài, có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Ngay từ khâu giới thiệu phải thật sự công tâm khách quan, không có “cánh hẩu”, lợi ích nhóm. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải dày công chuẩn bị, xác định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là khâu "then chốt" của nhiệm vụ “then chốt”; có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Các cơ quan, địa phương, cán bộ trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với công việc có vị trí, ý nghĩa đặc biệt hệ trọng này, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn là làm sao để có Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước mạnh, được dân tin yêu, như thế chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. 
 
    Báo Hà Giang, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Khoa học và Đời sống, Nông nghiệp, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (24/4) cho biết, Tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã xem xét thi hành kỷ luật Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ma Quốc Trưởng, Trưởng Ban quản lý Dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Mèo Vạc. Trên cương vị được giao, ông Ma Quốc Trưởng đã có những khuyết điểm, vi phạm: Thực hiện không đúng Quy chế làm việc của Ban quản lý Dự án; buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền bảo vệ và phát triển rừng; dẫn đến một số cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án bị khởi tố hình sự, xử lý kỷ luật về Đảng và hành chính. Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Ma Quốc Trưởng bằng hình thức Cảnh cáo. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy cũng xem xét thi hành kỷ luật Bí thư Đảng ủy, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Giang Vũ Quốc Khánh. Ông Vũ Quốc Khánh có con trong danh sách 107 thí sinh được nâng điểm thi trái quy định trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Quốc Khánh bằng hình thức khiển trách. Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét kết quả kiểm tra tài chính Đảng đối với Ban thường vụ Huyện ủy Bắc Mê và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 1 trường hợp.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Đắk Nông, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Đấu thầu, Dân trí (20/4) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số đó có bị can Nguyễn Minh Vũ, Quyền Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Tuy Đức. Theo cáo trạng, công trình thủy lợi Đắk Ngo, huyện Tuy Đức được đầu từ là hơn100,5 tỷ đồng đồng. Đối với hạng mục hệ thống kênh tưới, giao cho Ban quản lý các dự án huyện Tuy Đức làm đại diện chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là hơn 29 tỷ đồng. Trong số các lần thanh toán này, Giang biết là một số hạng mục chưa thi công nhưng vẫn tổ chức nghiệm thu công trình trái với quy định, vượt so với thực tế thi công là hơn 6,9 tỉ đồng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Hải quan, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (23/4) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC và 06 bị can khác. Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID -19 từ 2,3 tỷ đồng lên lên thành 7 tỷ đồng,  gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Hiện C03 đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên (23/4) Công an tỉnh Ninh Thuận xác nhận, cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự “Đưa và nhận hối lộ” tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận và đang tiến hành hoạt động điều tra, xử lý vụ án theo quy định pháp luật.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Nhà báo và Công luận, Nông Nghiệp, Giao Thông, An ninh Thủ đô, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/4) đồng loạt đưa tin về phiên tòa phúc thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Có 09 bị cáo được xử tại phiên phúc thẩm, gồm: Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone; Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX; Phạm Thị Hoa Mai, cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone; Hồ Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone); Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone; Nguyễn Bảo Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone; Nguyễn Đăng Nguyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone và Phạm Thị Phương Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone. Trước đó, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty AMAX đã gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng cho Nhà nước do vi phạm trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG; trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong bốn ngày.
 
    Báo Đấu thầu, Người lao động, Dân trí (24/4) cho biết, Tòa án nhân dân huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo là cựu cán bộ huyện, xã, thôn và một người dân xã Quảng Lộc liên quan đến việc lập khống hồ sơ giải phóng mặt bằng trên địa bàn, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng. Theo cáo trạng, năm 2016-2017, UBND xã Quảng Lộc được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt 27 mặt bằng quy hoạch điểm dân cư để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Tổng số hộ có tên trong danh sách thu hồi đất và nhận bồi thường là 170 hộ. Số tiền Nhà nước chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng là 3,3 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện kiểm kê thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các các đối tượng đã bàn bạc, câu kết lập khống hồ sơ giải phóng mặt bằng và lập khống hồ sơ tăng diện tích để chiếm đoạt gần 500 triệu đồng tiền ngân sách của Nhà nước. Với hành vi trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo từ 05 tháng tù cho hưởng án treo đến 03 năm 03 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Xây Dựng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị truy tố sáu bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP Phan Thiết; cán bộ, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Phan Thiết về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, gồm: Cụ thể sáu bị can là: Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Trần Hoàng Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Phạm Thanh Thái, nguyên Trưởng Phòng TN-MT; Lê Hoàng Anh Tân, Nguyễn Trí là chuyên viên và Lê Hồ Khải, nhân viên phòng TN-MT TP Phan Thiết. Kết luận điều tra nêu rõ: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị can nói trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý thẩm định, tham mưu, ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật tổng cộng 132 thửa với tổng diện tích 170.987m2, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết.
 
    Báo Hà Tĩnh, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ (24/4) cho biết, Công an tỉnh Hà Tĩnh, đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng liên quan. Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2007, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, công suất 250.000 tấn/năm. Sau khi thành lập đến nay, Công ty này không sản xuất được sản phẩm nào nhưng đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định trong quá trình thực hiện đã vi phạm chỉ định thầu, đấu thầu, giá thị trường có nhiều biến động… dự án dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.500 tỷ đồng và hơn 164.000 USD.  Hiện Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục làm việc với các tổ chức, cơ quan và triệu tập những người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
 
    Báo Tiền Phong, Dân trí, Đài TNVN (25/4) cho biết, Thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện sai phạm kinh tế tại UBND xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp là hơn 624 triệu đồng. Trong số này ông Trần Minh Hòa, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Hội lấy 150 triệu đồng để sử dụng cá nhân, chi vượt chế độ khoán công tác phí 30 triệu đồng và chi tiếp khách không có chứng từ hơn 55 triệu đồng. Ông Hoà còn chỉ đạo lập chứng từ khống để quyết toán từ nguồn nông thôn mới số tiền 150 triệu đồng. Thanh tra tỉnh Kiên Giang đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp chỉ đạo kiểm điểm có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với ông Trần Minh Hòa về những sai phạm của tập thể đảng ủy, UBND xã Tân Hội.
 
    Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Xây Dựng, Pháp luật và Đời sống, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sức khỏe và Cộng đồng, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (25/4) thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) đã ra quyết định truy nã bị can Ngô Hồng Minh, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland). Trong quá trình điều tra, ông Minh bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhưng đã bỏ trốn. Kết quả điều tra bước đầu xác định, giai đoạn 2012 - 2018, Petroland đã thực hiện nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và giao dịch bất động sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tiền Phong (20/4) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra trung ương Trung Quốc cho biết đang điều tra Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lực Quân do “ Vi phạm kỷ luật và vi phạm pháp luật nghiêm trọng” - một cụm từ thường dùng trong điều tra tham nhũng. Bộ Công an Trung Quốc cũng ra tuyên bố rằng mình hỗ trợ cuộc điều tra “kịp thời và đúng đắn”, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Bộ Công an cũng nói sẽ tuân thủ toàn diện các nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
 
    Báo Thanh tra (25/4) cho biết, Ủy ban Chống tham nhũng của Tổng thống Guatemala đã phát hiện 8 quan chức y tế có âm mưu chiếm đoạt các quỹ Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, đã chuyển vụ việc tới Văn phòng Công tố đặc biệt Chống tham nhũng. Đến thời điểm này, chưa có quan chức nào được nêu tên. Ngày 20/4, ông Rodolfo Galdamez, Thứ trưởng phụ trách kỹ thuật và Hector Marroquin, Thứ trưởng phụ trách hành chính của Bộ Y tế Guatemala đã bị sa thải. Không rõ 2 Thứ trưởng này có nằm trong danh sách 8 người bị Ủy ban điều tra hay không. Ông Alejandro Giammattei, Tổng thống Guatemala cho biết, một nhóm đã được xác định trong Bộ Y tế đã cố gắng liên kết với nhau để thực hiện hành vi gian lận, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước trong thời điểm các quỹ phải được giám sát chặt chẽ... Chúng ta sẽ không dung thứ cho tham nhũng. Chúng ta không cho phép bất cứ ai ăn cắp dù một xu, nhất là trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng".
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
    - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc.
 
    - Truy tố Nguyễn Minh Vũ, Quyền Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.  
 
    - Xét xử phúc thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
 
    - Khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.