Góp ý dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"
Thứ Hai, 06/06/2022, 17:11 [GMT+7]
Ngày 06/6/2022, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (khu vực phía Bắc) đối với dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và đại diện 28 Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc; thành viên Tổ Biên tập; các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn và đại diện một số vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng chính phủ, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương nghiên cứu, xây dựng 27 chuyên đề tổng kết toàn diện các vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là từ khi thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đến nay. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 03 Hội thảo Quốc gia ở 3 khu vực (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) và tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường Đại học trên cả nước. Từ kết quả nghiên cứu báo cáo các chuyên đề, kết quả các Hội thảo, Tọa đàm, ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; bám sát Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án lần thứ 3 và hôm nay xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu kết luận Hội nghị |
Đồng chí đề nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào 2 vấn đề lớn sau: (1) Những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của Đề án; về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; về hoàn thiện cơ chế trưng cầu ý dân; về đổi mới pháp luật bầu cử; về kiểm soát quyền lực Nhà nước; về đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền; về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; thu gọn đầu mối Cơ quan điều tra; thống nhất đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án,... (2) Đánh giá ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân; quan điểm, mục tiêu và đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ vinh dự, vui mừng, phấn khởi được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và Ban Nội chính Trung ương đã tin tưởng, lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành ủy khu vực phía Bắc đối với dự thảo Đề án. Thay mặt Thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh, đồng chí cũng nêu lên những ý kiến về phương diện thực tiễn tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, từ góc nhìn của địa phương, mong muốn trong “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương không chỉ phù hợp với xu hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, nhất là cung ứng dịch vụ công và huy động nguồn lực cho phát triển. Về nguyên tắc, cái gì sát với nhu cầu của người dân, với thị trường thì nên phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương. Các dịch vụ công, quản lý nguồn lực sản xuất, kinh doanh cần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cho các chủ thể trực tiếp sản xuất kinh doanh, vì đây là những cái đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày của nhân dân, cái phải phản ứng nhanh nhạy trước tín hiệu thị trường. Chính quyền Trung ương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc giakhông phải thông qua can thiệp hành chính mà thông qua pháp luật và bằng pháp luật; thông qua kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật, đặc biệt là hậu kiểm, xử lý nghiêm các sai phạm; thông qua công khai, minh bạch gắn với chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị có 18 ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí bí thư, đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đối với dự thảo Đề án; ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm của dự thảo Đề án như đã được gợi ý, nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều cơ bản thống nhất với những nội dung đã được thể hiện trong dự thảo Đề án; những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến địa phương trong 15 vấn đề mà Ban Nội chính Trung ương đã gửi trước; ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến 2030, định hướng năm 2045. Có thể nói đây là những ý kiến rất quan trọng từ địa phương, cơ sở; xuất phát từ công tác thực tiễn của các cấp ủy, tổ chức đảng địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Đây là những đóng góp quý báu, tạo thêm độc lực, quyết tâm để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc |
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương và đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương và gửi lời cảm ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị tốt cho Hội nghị với đông đảo các thành phần quan trọng này.
Đồng chí Chủ tịch nước cho rằng, những vấn đề này nếu được nghiên cứu, tiếp thu vào dự thảo Đề án sẽ góp phần quan trọng giúp cho Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sau khi được ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trước hết, về nhận thức, đến nay, chúng ta đã đạt được sự thống nhất rất cao về một vấn đề chính trị - pháp lý rất quan trọng là Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của nhà nước. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về Nhà nước pháp quyền có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, Người đã quan tâm rất sớm đến vai trò của luật pháp trong điều hành và quản lý xã hội vì cho rằng, quản lý xã hội bằng pháp luật là dân chủ, tiến bộ. Năm 1919, trong Tám yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc Xây thì đã có bốn điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền; còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Đặc biệt trong điều thứ bảy của Việt Nam yêu cầu ca năm 1922 đã thể hiện rõ quan điểm của Người về vấn đề này:
“Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”
Tinh thần xây dựng một nhà nước dân chủ, thượng tôn pháp luật đã được thực hiện ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Từ tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo để đề ra đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã có hơn 10 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo Cương lĩnh phát triển đất nước năm 2011, Hiến pháp năm 2013 và đạt được những kết quả tích cực. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước khẳng định tiếp tục nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển của Nhà nước.
Thứ hai, về quan điểm chỉ đạo, việc xây dựng Đề án đã thể hiện nhất quán tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đó là toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa trên nền tảng tư tường Hồ Chí Minh; thừa kế và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ sự tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nhằm giữ vững ổn định chính trị, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa; cần nhận thức sâu sắc và quán triệt quan điểm: Quyền lực nhà nước là của Nhân dân, do Nhân dân giao phó; việc cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước là để phân công lại và thực thi quyền lực đó một cách hợp lý, hiệu quả hơn, có điều kiện để kiểm soát tốt hơn, để phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, khi bàn về những chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; tuyệt đối không để lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích ngành trở thành rào cản của cải cách, đổi mới. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao và phải được thể hiện trong mỗi lời nói và hành động của từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các ngành, các cấp.
Thứ ba, về lộ trình thực hiện, đã đạt được sự thống nhất cao việc phân định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hai giai đoạn: Từ nay đến năm 2030 xác định và tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Cương lĩnh phát triển đất nước 2011 và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII. Từ sau năm 2030 đến năm 2045, sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn của Chiến lược đã đề ra và triển khai những định hướng mới để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi có chủ trương sửa đổi Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Chủ tịch nước đề nghị, các đồng chí Thường trực tỉnh ủy, thành ủy dự Hội nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu Đề án, phổ biến, quán triệt tinh thần trên trong cấp ủy, tổ chức đảng, thống nhất cao trong nhận thức cũng như giải quyết công việc hàng ngày về chủ trương, mục tiêu, định hướng, tầm quan trọng và tính tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các đồng chí tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đề án; gửi ý kiến bằng văn bản cho Ban Nội chính Trung ương, Tổ Biên tập để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu. Đồng chí cũng đề nghị Tổ Biên tập khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, tài liệu của Đề án. Tiếp tục chuẩn bị tổ chức 02 Hội nghị xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam.
Đặng Phước - Anh Hưng